Trả viện phí qua thẻ: Thiếu đồng bộ, lợi ít, phiền nhiều

Với chủ trương 100% các cơ quan, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp cung dịch vụ kết nối với ngân hàng để thanh toán viện phí, học phí… nhằm đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người dân, thời gian qua đã có rất nhiều bệnh viện ứng dụng thẻ thông minh của ngân hàng để thu viện phí. Tuy nhiên, cách thức triển khai dịch vụ này liệu đã thực sự mang lại tiện ích cho người bệnh?.

Thông minh nhưng chưa đồng bộ

Vừa biết có thai đứa con đầu lòng, chị Nguyễn Thị Tuệ, đến bệnh viện Từ Dũ TPHCM để khám thai. Để tiết kiệm thời gian, chị Tuệ đăng ký khám ở khoa khám dịch vụ, nhân viên ở đây yêu cầu chị đăng ký làm thẻ khám bệnh của ngân hàng VietinBank ngay tại bệnh viện. Chị Tuệ nói, chị có thẻ của ngân hàng VietinBank rồi, hàng tháng cơ quan vẫn trả lương cho chị theo thẻ này nên không muốn mở thêm thẻ! Cô nhân viên bệnh viện khẳng định, chị phải mở đúng loại thẻ liên kết giữa ngân hàng VietinBank và bệnh viện.

Chị Tuệ đành phải đồng ý. Rất nhanh, 3 phút sau chị có thẻ khám bệnh. Xong, nhân viên yêu cầu chị đóng 500.000 đồng vào thẻ khám bệnh. Tiền khám hết 200.000 đồng, khám xong bác sĩ cho đơn thuốc hết 175.000 đồng. Tuy nhiên khi đến quầy thuốc bệnh viện, nhân viên thu ngân lại yêu cầu chị thanh toán bằng tiền mặt.

 Bệnh nhân thanh toán viện phí bằng việc quét mà QR. Ảnh: ĐHYD

Bệnh nhân thanh toán viện phí bằng việc quét mà QR. Ảnh: ĐHYD

Chị thắc mắc, trong thẻ khám bệnh còn 300.000 đồng, tiền thuốc chỉ 175.000 đồng, sao không được thanh toán qua thẻ? Nhân viên chỉ cười trừ. Chị đành phải bỏ tiền túi ra trả tiền thuốc. Hiện 300.000 đồng vẫn nằm trong thẻ.

“Dùng thẻ thông minh để thanh toán viện phí là một cách làm tốt, giúp người bệnh đi khám không phải rút tiền mặt, an toàn. Tuy nhiên, cách làm như bệnh viện Từ Dũ còn chưa đồng bộ, chỗ thì quẹt thẻ, chỗ thu tiền mặt, cái dễ thì bệnh viện làm, đẩy cái khó cho người bệnh”, chị Tuệ phân trần.

Cùng cảnh với chị Tuệ, chị Nguyễn Thị Lan đi khám thai cho biết, hai tháng nay chị đi khám bệnh ở hai bệnh viện, cả hai bệnh viện yêu cầu phải mở hai tài khoản khác nhau, chị phải dùng tới hai thẻ khám bệnh.

Nhiều bệnh viện đã triển khai

Tại TPHCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã triển khai việc thanh toán viện phí qua thẻ từ lâu nhưng nhìn chung vẫn ít người lựa chọn.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện cho rằng, việc thanh toán viện phí qua thẻ có nhiều cái lợi và sẽ là xu hướng chung nhưng để tiến tới thanh toán viện phí 100% qua thẻ thì cần có lộ trình chứ chưa thể làm ngay được. Bệnh nhân đến khám ở bệnh viện Nhi đồng 1 đa số là từ các tỉnh lẻ, chưa có thói quen dùng thẻ ATM, đa số sử dụng tiền mặt để chi trả. Khi bệnh viện yêu cầu mở thẻ khám bệnh, phải có những thao tác đóng tiền nạp thẻ, phải nhớ mật khẩu để giao dịch qua ATM, nhiều bệnh nhân cảm thấy khó khăn, lúng túng.

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng, dùng thẻ khám bệnh thay việc chi trả tiền mặt, bệnh viện rất "khỏe" sẽ đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh và cũng dễ quản lý hơn. Nhưng thói quen dùng tiền mặt của bệnh nhân còn phổ biến, nhất là ở nhóm từ các tỉnh khác tới (khoảng 60%) sẽ khó khăn cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, TS. Thái Hoài Nam, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, từ tháng 5-2019, bệnh viện đã triển khai ứng dụng ngân hàng hiện đại trong thanh toán viện phí như phối hợp với Vietcombank triển khai hình thức thanh toán mới trên nền tảng Internet Banking (thanh toán hóa đơn) và điểm mới là thanh toán bằng Mobile Banking (QR Code). Đến nay, đã có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng mã QR (QR code) tại bệnh viện.

Tiện ích này giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn. Lợi ích của dịch vụ này, chỉ cần thao tác đơn giản, người bệnh đã có thể thanh toán ngay viện phí mà không cần phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục, không phải mang theo tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả, ông Nam cho biết thêm.

Để thực hiện thanh toán bằng phương thức này, người dùng (người bệnh hoặc người thanh toán thay) chỉ cần quét mã QR trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện. Tổng thời gian thanh toán và phản hồi kết quả chỉ trong chớp mắt.

Theo TS. Thái Hoài Nam, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, bệnh viện là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc hệ thống y tế trên toàn quốc áp dụng ngân hàng hiện đại trong thanh toán viện phí, cung cấp tiện ích cho người dùng khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Tuy nhiên, ông Nam cho biết thêm, việc triển khai dịch vụ tiện ích này cũng đặt ra nhiều thách thức cho bệnh viện cũng như người bệnh, người nhà tại các tỉnh thành đến khám, chữa bệnh. Vì vậy, bệnh viện đã tăng cường việc hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được lợi ích cũng như thuần thục các thao tác thanh toán viện phí.

Theo các lãnh đạo nhiều bệnh viện, thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán viện phí trực tuyến do bệnh viện phát hành được xem là công cụ hữu hiệu dành cho người bệnh nội trú lẫn ngoại trú. Tuy nhiên, do hiện nay nhiều người dân đi khám bệnh từ tỉnh lẻ lên chưa có thói quen sử dụng ATM, thẻ khám bệnh. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, khi triển khai thanh toán viện phí qua thẻ khám bệnh cần phải có lộ trình. Song song việc thanh toán qua thẻ, bệnh viện cần linh động để bệnh nhân có thể đóng tiền mặt để tiện lợi cho việc khám chữa bệnh.

Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Lương Ngọc Khuê chia sẻ, hệ thống thu viện phí bằng thẻ ATM tại một số bệnh viện hiện nay còn nhiều bất lợi cho người bệnh như: phải có thẻ mới được khám bệnh, khu làm thẻ quá đông, không rút được hết tiền trong tài khoản sau khi đã khám bệnh xong…

Hoàng Nhung

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290620/tra-vien-phi-qua-the-thieu-dong-bo-loi-it-phien-nhieu.html