Trả tiền để làm việc trực tuyến cùng người lạ khắp thế giới

Bạn không thể đến công sở nhưng bị mất tập trung khi làm việc tại nhà? Hãy thử mô hình 'phòng tập công việc' nơi chẳng ai quen biết ai song lại đem đến hiệu quả bất ngờ.

Làm việc từ xa cùng hàng chục người lạ mặt lại đem đến hiệu quả kinh ngạc. Ảnh: CNN

Làm việc từ xa cùng hàng chục người lạ mặt lại đem đến hiệu quả kinh ngạc. Ảnh: CNN

Vài ngày trong tuần, cô Diana Calvo Martinez làm việc tại phòng thí nghiệm, xoay quanh kính hiển vi, ống nghiệm và vi khuẩn. Một số ngày còn lại, cô phân tích các biểu đồ tại phòng khách hoặc mải mê viết luận văn trên bàn bếp. Thi thoảng, cô rửa bát đĩa hoặc lau sàn nhà.

Đó dường như là những hoạt động thường thấy giữa thời buổi phải làm việc từ xa đối với một người đang bảo vệ bằng tiến sĩ về ngành công nghệ sinh học. Điều khác lạ ở đây chính là việc cô thực hiện mọi hoạt động trước sự theo dõi của hàng chục người lạ mặt xuất hiện trên màn hình máy tính xách tay.

Kênh truyền hình CNN đưa tin cô Marinez, 35 tuổi, đang sử dụng hệ thống Ultraworking – hay còn gọi là “phòng tập công việc” (work gym) – nơi người dùng trên khắp thế giới tham gia một cuộc gọi nhóm Zoom, bật máy ghi hình và cùng làm việc theo các chu kỳ dài 30 phút.

Mỗi chu kỳ có một người điều tiết khác nhau. Khi hết chu kỳ làm việc, người này có nhiệm vụ thông báo các thành viên chuyển sang giờ giải lao 10 phút, cho phép mọi người tương tác với nhau. Hiện người dùng Ultraworking phải trả 49 USD/tháng (khoảng 1 triệu đồng) để làm việc bất kể khung giờ nào trong ngày trên hệ thống.

“Phòng tập công việc” này được thiết kế để khuyến khích người dùng tập trung và làm việc hiệu quả từ xa trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đối với cô Marinez, Ultraworlking chính là giải pháp cứu cánh. Khi đại dịch bùng nổ, cô lo lắng không thể vừa chăm con, vừa bảo vệ luận án tiến sĩ cũng như làm nghiên cứu tại Đại học Bang Arizona. Chồng cô làm việc tại phòng khám nên càng bận rộn.

“Chẳng có nhà trẻ, trường học, chẳng có nơi nào để đem con theo hay có ai đó chăm con cái hộ bạn. Đó là nỗi áp lực lớn đối với tôi”, cô chia sẻ với CNN. Cô đăng nhập vào Ultraworking gần như hàng ngày, làm việc từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng, trong lúc đứa con gái 3 tuổi của cô ngủ say. Với mô hình làm việc từ xa này, cô cảm thấy tràn đầy nhiệt huyết và có thể làm việc lâu hơn. Các “bạn đồng hành” giúp Diana Calvo Martinez tỉnh táo hơn nhờ việc tán gẫu vào giờ giải lao, trong khi người điều tiết giám sát không cho cô chểnh mảng hay ngủ gật.

Mô hình này còn làm tinh thần cô được giải tỏa. Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, cô Marinez bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm. Một nguyên nhân lớn là do cô không thể tập trung làm việc.

Nở rộ thời dịch

Ultraworking thu hút người dùng ở khắp nơi trên thế giới. Ảnh: CNN

Ultraworking chỉ là một trong số các công ty cung cấp mô hình cùng làm việc trực truyến. Ngoài ra còn có Caveday – phí 40 USD/tháng – cho phép người dùng làm việc hết công suất trong tối đa 52 phút, bao gồm giờ giải lao được hướng dẫn tập thể dục giãn cơ, tập hít thở và trò chuyện truyền cảm hứng.

Cả hai công ty trên đều hoạt động từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát song các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội gần đây buộc nhiều người phải làm việc từ xa mới thực sự khiến họ nổi tiếng.

Người đồng sáng lập Caveday, ông Jeremy Redleaf cho biết: “Hệ thống này từng phù hợp với người làm nghề tự do và người có thể quản lý thời gian của họ. Sau đó, bỗng nhiên, khi đại dịch xảy ra, nó trở nên phù hợp với hầu hết mọi người”. Số thành viên của công ty có trụ sở tại New York (Mỹ) đã tăng 800% từ hồi tháng 3.

Mặc dù không tiết lộ tổng số thành viên, Caveday cho biết người tham gia hệ thống làm việc trực tuyến của họ đến từ trên 15 quốc gia, độ tuổi từ 15 – 80. Họ bao gồm nghệ sĩ, doanh nhân, luật sư, nhà quản lý, tác giả sách, các bà mẹ nuôi con nhỏ và thậm chí cả người đoạt giải điện ảnh Oscar. “Bất kể bạn cần tập trung vào việc gì, bạn có thể làm nó trên Caveday”, ông Redleaf nhấn mạnh. Ông tiết lộ từng chứng kiến nhiều việc kỳ lạ của các thành viên khi tham gia phiên như nặn gốm hay nướng gà.

Đặc biệt, có người giám sát bạn qua máy ghi hình đồng nghĩa với việc tái tạo lại kỷ luật của môi trường làm việc truyền thống. Khi bạn biết mọi người có thể đang theo dõi bạn, bạn sẽ ít khả năng bật vô tuyến, ngủ hay lướt điện thoại. Giám đốc điều hành Ultraworking Sebastian Marshall so sánh hoạt động làm việc tập thể trực tuyến với việc đến phòng tập thể dục. “Bạn nói bạn sẽ đi tập và sau đó lại không đi. Nhưng nếu bạn có người cùng tập hay huấn luyện viên riêng, bạn sẽ không để họ phải thất vọng”. Tương tự như ở văn phòng, kênh làm việc trực tuyến này cũng đem đến sự gắn kết xã hội: trong giờ nghỉ, người dùng có thể chia sẻ với nhau về công việc cũng như bí quyết để tăng năng suất lao động.

Thuyết năng suất

Các văn phòng làm việc trực tuyến như trên được xây dựng để giúp người dùng đạt được năng suất lao động cao nhất cũng như bước vào trạng thái “dòng chảy” khi mà họ thực sự đắm chìm vào công việc. Người dùng phải giữ im lặng trong phiên làm việc cũng như phải tắt chuông thông báo của điện thoại và máy tính.

Ultraworking bao gồm các phiên dài 2 tiếng chia thành ba chu kỳ làm việc 30 phút và 10 phút nghỉ giải lao. Mô hình này được truyền cảm hứng từ kỹ thuật Pomodoro – phương pháp quản lý thời gian phân chia giờ làm việc thành các chu kỳ dài 25 phút được chia tách bởi các kỳ giải lao ngắn – để đạt sự tập trung tối đa trong lao động.

Video người dùng Caveday cùng nhau tập thể dục trong giờ giải lao. Nguồn: CNN

Caveday thì chọn phiên làm việc dài từ 40 – 52 phút, dựa trên nghiên cứu cho rằng não bộ không thể tập trung lâu hơn 52 phút. Thành viên Caveday không được thông báo về thời lượng chính xác của phiên làm việc vì để đạt trạng thái “dòng chảy”, bạn cần phải "hoàn toàn đắm chìm vào những gì bạn đang làm và điều đó chỉ xảy ra khi bạn mất nhận thức về thời gian".

Laura Vanderkam, chuyên gia về năng suất và là tác giả cuốn sách “Off the Clock: Feel Less Busy While Getting More Done" cho hay trong khi những nghiên cứu khoa học chỉ ra các kết quả khác nhau về quãng thời gian con người có thể tập trung tuyệt đối, nhìn chung mọi người đều tán thành rằng thời lượng đó không thể dài hơn 2 giờ đồng hồ. Bà cũng cho rằng cần phải có giờ giải lao để người lao động tái tạo năng lượng.

Các chuyên gia cũng nhất trí rằng việc bật ống kính ghi hình có thể cải thiện năng suất. “Con người là những sinh vật xã hội. Một số người cảm thấy có động lực hơn khi họ nhìn thấy những người xung quanh đang chăm chỉ làm việc”, bà Vanderkam lưu ý.

Đối với Martinez, sử dụng văn phòng làm việc chung trên mạng không chỉ giúp ích cho công trình luận văn tiến sĩ của cô mà còn giúp cô lấy lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. “Thật buồn cười vì nó là một nền tảng để làm việc, song cùng lúc nó lại khuyến khích bạn sống thật cân bằng, ăn đủ, tập thể dục và nghỉ ngơi”, Martinez nói.

Cô chia sẻ ban đầu cảm thấy khá lạ lùng khi phải xuất hiện trước ống kính camera cùng với những con người không quen biết. Tuy nhiên, dần dần cô đã làm quen với những người cùng phiên trực tuyến, đồng thời cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng họ. “Họ cơ bản là bạn bè tôi. Tôi có sự kết nối với họ và họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/tra-tien-de-lam-viec-truc-tuyen-cung-nguoi-la-khap-the-gioi-20201020151644365.htm