Tra tấn gồm nhiều yếu tố cấu thành

Một số điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên có đưa ra khái niệm về 'công chức'...

Giảng viên phổ biến Công ước chống tra tấn tại một lớp tập huấn.

Giảng viên phổ biến Công ước chống tra tấn tại một lớp tập huấn.

Theo mục đích của Công ước chống tra tấn, thuật ngữ "tra tấn" có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức”. Có thể hiểu “tra tấn” gồm những yếu tố cấu thành như sau:

Về mặt chủ quan: Hành vi tra tấn phải được thực hiện một cách cố ý; được biểu hiện dưới nhiều hình thức như sử dụng vũ lực tác động trực tiếp lên cơ thể con người: đánh đập, đâm chém, dùng điện, để đói, khát, ăn nhạt, dồn dập, dai dẳng dưới sức nóng của ngọn đèn cao áp giữa những ngày nóng, oi bức, bắt cởi quần áo trong trời giá rét hoặc bằng lời nói thô bạo tác động vào tâm lý, tinh thần, tình cảm lầm cho một người đau đớn, khổ sở, nhục nhã về tinh thần nhằm mục đích làm cho người đó hoặc người thứ ba sợ hãi, tinh thần suy sụp để lấy thông tin, tài liệu hoặc để bắt họ phải khai ra những gì không có thực, sai sự thật theo ý đồ của người thực hiện hành vi tra tấn hoặc để trừng phạt người đó vì những việc mà họ đã làm.

Về mục đích: để lấy thông tin hoặc trừng phạt vì một việc mà người đó đã làm vì lý do công vụ. Ví dụ như trực tiếp tác động vào tinh thần của người bị tra tấn để họ phải khai báo, thú nhận nhưng cũng có thể tác động vào tâm lý của người thứ ba (như cha, mẹ, vợ, con, người thân khác hoặc đồng chí, đồng đội) để họ thấy sợ hãi, lo lắng, thương xót cho người bị tra tấn mà khai báo, thú nhận hoặc đưa ra những thông tin sai sự thật theo ý đồ của người thực hiện hành vi tra tấn.

Về hậu quả: gây đau đớn và khổ sở nghiêm trọng cho cả tinh thần và thể xác, tâm lý của người tra tấn.

Về địa điểm: hành vi tra tấn có thể được thực hiện tại các địa điểm như ttrong trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, doanh trại quân đội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc bất kỳ nơi nào có sự làm việc của nhân viên công quyền hoặc người đang thực hiện công vụ.

Về chủ thể: là một nhân viên công quyền hoặc một người khác nhưng dưới sự đồng ý hoặc cho phép của một nhân viên công quyền. Côngước không đưa ra khái niệm về nhân viên công quyền (public official), nhưng theo Từ điển “Oxford Advanced Learner’s Dictionary” thì “official” có nghĩa là người đang giữ vị trí trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức lớn và hoạt động tuân thủ quy tắc hành chính nhà nước.

Một số điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên có đưa ra khái niệm về “công chức”. Điều 2 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng quy định: “Công chức” có nghĩa là: Bất kỳ người nào giữ chức vụ về lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp của một Quốc gia thành viên do được bầu hay bổ nhiệm, làm việc không thời hạn hoặc có thời hạn, được trả lương hay không được trả lương, bất kể cấp bậc của người đó;

Bất kỳ người nào thực hiện chức năng nhà nước, kể cả cho cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước, hoặc cung cấp một dịch vụ công, theo quy định trong pháp luật quốc gia của quốc gia thành viên và được áp dụng trong lĩnh vực pháp luật liên quan của quốc gia thành viên đó; bất kỳ người nào được định nghĩa là “công chức” trong pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, đối với một số biện pháp cụ thể quy định trong Chương II của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, “công chức” có thể nghĩa là bất kỳ người nào thực hiện chức năng nhà nước hay cung cấp một dịch vụ công như được định nghĩa trong pháp luật quốc gia của quốc gia thành viên và được áp dụng trong lĩnh vực pháp luật liên quan của quốc gia thành viên đó.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tra-tan-gom-nhieu-yeu-to-cau-thanh-161160.html