Trà tắc khổng lồ được bán tràn lan: An toàn không?

Để đem lại lợi nhuận cao nhất, nhiều người bán trà tắc sử dụng bột trà làm từ các phế phẩm và lá trà già.

Trà tắc đã trở thành thức uống khoái khẩu của nhiều người trong những ngày nắng nóng. Nhằm thu hút ngày càng đông người uống, người bán đã tăng kích thước nhưng giá vẫn rất phù hợp với túi tiền của giới trẻ.

Để tìm hiểu về loại trà này, ngày 19/11, trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Hoa (26 tuổi, Hà Nội) cho biết, do thấy việc pha chế trà tắc (người Hà Nội gọi là trà quất) đơn giản, không mất nhiều vốn, chỉ cần tìm một vị trí nhỏ cạnh trường học là có thể giúp chị kiếm thu nhập ổn định hàng ngày.

"Ban đầu khi mới chuyển sang bán trà tắc, tôi thường mua chè loại khá ngon để ủ sẵn từ hôm trước, đến hôm sau chỉ việc pha chế để câu khách. Tuy nhiên, do công việc bán hàng nhiều lúc về muộn nên tôi đã tìm mua bột trà, chỉ việc hòa vào nước là đã có mùi vị ưng ý, giá thành lại cực rẻ.

Trung bình mỗi một gói bột trà tôi có thể pha được 15 lít nước cốt trà. Mọi loại trà, từ trà tắc, trà đào tôi đều sử dụng loại nước cốt được pha bằng gói bột trà này và khách nào muốn uống trà tắc thì tôi dùng quả tắc, khách nào uống nước chanh thì tôi sử dụng chanh, trà đào thì dùng đào.

Công việc đơn giản, kiếm tiền ổn hơn cả công việc trước đây của tôi, không áp lực, hôm nào ốm hay muốn đi chơi thì nghỉ, khỏi phải xin phép ai", chị Hoa chia sẻ.

Đây là thức uống khoái khẩu với nhiều người trong dịp nắng nóng

Đây là thức uống khoái khẩu với nhiều người trong dịp nắng nóng

Kể lại công việc pha chế trà hàng ngày, chị Hoa cho rằng, chị thường pha sẵn trà và đựng trong các chai, thùng to để bán trong hai ngày. Mỗi buổi sáng, chị thường rót sẵn nước cốt trà ra từng cốc nhựa. Khi có khách mua, chị chỉ việc bỏ thêm tắc và đá vào một cách rất nhanh chóng.

Chị Hoa nói: "Tôi tìm mua loại cốc nhựa to hơn hẳn các quán xung quanh mà vẫn lấy giá như mọi người nên quán tôi đông khách lắm. Các bạn học sinh chỉ cần mua 1 cốc trà tắc hay trà chanh là có thể uống thoải mái rồi.

Gọi là trà tắc khổng lồ là do tôi dùng cốc size to nhưng giá bán rẻ hơn trà sữa gấp mấy lần. Gọi tên như thế cho gần gũi, bình dân thôi. Cốc to, giá rẻ nên rất phù hợp với túi tiền của các bạn học sinh".

Cũng theo chị Hoa chia sẻ, người dân Hà Nội thường gọi trà tắc là trà quất nhưng người miền Nam lại gọi đó là trà tắc. Quả tắc (quả quất) chị mua rất rẻ, mỗi lần mua 5kg quả quất, chị có thể bán được từ 5 đến 7 ngày.

"Mua 5kg quất tôi để trong tủ bán dần, hôm nào còn ít quả cuối có bị héo hơn thì vẫn dùng để vắt nước được. Quất có mùi rất đặc trưng và hơn nữa mỗi cốc trà chỉ cần 1, 2 giọt là được rồi, không cần nhiều", chị Hoa cho biết.

Được biết trong trà có chứa rất nhiều hoạt chất chống oxy hóa rất có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên, càng để lâu trong không khí thì những chất này càng dễ bị oxy hóa không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, trà được chứa trong các chai nhựa ngay khi còn nóng, khiến các chất độc hại trong nhựa bị thôi nhiễm cho người dùng. Đó là còn chưa kể toàn bộ quy trình chế biến đều được thực hiện bằng tay trần, và rác thải thì được vứt ngay dưới chân chỗ bán.

Ánh nắng chiếu trực tiếp khiến cho các chất có lợi trong trà dễ bị oxy hóa, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người

Mặc dù giá rẻ, tiện lợi, dung tích lớn thế nhưng trước quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, trước mắt người sử dụng có thể bị ngộ độc thực phẩm vì nhiễm khuẩn ecoli,….

Vì vậy trước khi quyết định sử dụng trà tắc hay bất kể một loại nước uống pha sẵn nào, cần cân nhắc những nguy cơ có thể xảy ra. Để đảm bảo an toàn tốt nhất nên chế biến tại nhà, tự tay làm để kiểm soát được chất lượng và quy trình làm.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/tra-tac-khong-lo-duoc-ban-tran-lan-an-toan-khong-3391761/