Trả nợ hậu chiến

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng ở thời mảnh đất từng xảy ra cuộc thảm sát Sơn Mỹ, đến nay vết thương chiến tranh cũng dần nguôi. Trên chặng đường cùng đất nước phát triển, người dân 'núi Ấn sông Trà' đã gác lại chuyện quá khứ, hướng đến tương lai. Nhưng có những người Mỹ đã trở lại Việt Nam và Quảng Ngãi để hàn gắn vết thương chiến tranh, để chuộc lỗi.

Vợ chồng bác sĩ Esther Bucher tình nguyện chăm sóc, giúp đỡ trẻ em da cam ở Đức Phổ

Vợ chồng bác sĩ Esther Bucher tình nguyện chăm sóc, giúp đỡ trẻ em da cam ở Đức Phổ

Vài năm trở lại đây, người dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi nghe nhiều về câu chuyện của vợ chồng người Mỹ tình nguyện đến làm cha mẹ nuôi của 48 trẻ em da cam tại huyện. Đó chính là ông Vohn và bà Esther. Từ ngày có bàn tay của vợ chồng người Mỹ này, Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng trẻ em da cam Đức Phổ trở nên tươm tất và khoa học hẳn. Bác sĩ Esther hàng ngày vẫn miệt mài trị liệu cho các trẻ em da cam. Còn ông Vohn vốn là kỹ sư nông nghiệp nên làm công việc thiết kế các vườn rau sạch, phục vụ bữa ăn của tụi nhỏ.

Công việc của bác sĩ Esther là giúp tụi nhỏ trị liệu hoạt động, vận động tay chân, vẽ tranh, tập đi, tập hát, tập nói, tự ăn… “Những đứa trẻ do bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin nên chịu nhiều thiệt thòi. Chúng sinh ra đã không được lành lặn, không thể làm được các công việc như người bình thường. Khi đến đây, chúng tôi xem xét tất cả khía cạnh trong cuộc sống một con người, để hướng đến trị liệu giúp tụi nhỏ thực hiện dễ dàng các công việc như một người bình thường”, bà Esther nói.

Ngồi bên vợ, ông Vohn kể, trước kia vợ chồng ông từng đến sống tại miền Nam Việt Nam, tình nguyện dạy tiếng Anh cho một trường đại học tại Cần Thơ. “Vợ tôi thích làm việc ở nước ngoài, cô ấy muốn hoạt động tình nguyện ở các nước có trẻ em và người dân bị tổn thương do chiến tranh và khí hậu... Nhiều năm sau đó, khi con cái chúng tôi trưởng thành và có gia đình riêng. Vợ tôi lúc này cũng đã có bằng cấp chuyên môn về trị liệu hoạt động nên chúng tôi quyết định trở lại Việt Nam để dành hết quãng đời còn lại, giúp đỡ những con em cựu binh bị chất độc da cam”, ông Vohn nói. Quay sang phía ông Vohn, bà Esther vui vẻ kể: “Cứ trở lại Việt Nam, tôi cảm thấy như được về nhà của mình vậy”. Ngoài hỗ trợ, trị liệu hoạt động cho trẻ em da cam thì vợ chồng bác sĩ Esther cũng thường xuyên kêu gọi, vận động bạn bè, tổ chức quốc tế để mở “Ngân hàng bò” giúp nhiều gia đình cựu binh nghèo chăn nuôi, vươn lên phát triển kinh tế.

27 năm qua, người dân Quảng Ngãi cũng quen với hình ảnh một ông Tây to lớn tóc quăn lang thang trên những cánh đồng, làng quê vào trung tuần tháng 3 hàng năm. Cứ đến lễ tưởng niệm cuộc thảm sát 504 thường dân ở thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, ông Tây lại vận bộ áo dài truyền thống người Việt, mang cây vĩ cầm đến dự lễ với vai trò người “tạ lỗi”. Ông Tây ấy chính là cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm (sống ở TP Madison, tiểu bang Wisconsin, Mỹ), người sáng lập Tổ chức phi chính phủ Madison Quakers, Inc (MQI). Nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, Mike Boehm cho biết, ông từng là một binh lính Mỹ có mặt tại chiến trường Củ Chi vào năm 1968. Ngày 16-3-1968, Mike đang ở Củ Chi thì nghe tin đồng đội mình gây ra cuộc thảm sát Sơn Mỹ, tim ông như muốn bứt ra khỏi lồng ngực. Đến năm 1993, Mike quyết định trở lại Việt Nam, dành hết quãng đời còn lại để góp chút sức mọn mong được trả nợ hậu chiến.

“Ông Mai phụ nữ” thăm các mô hình chăn nuôi của phụ nữ nghèo Quảng Ngãi

Đến Quảng Ngãi, Mike thành lập ra Quỹ MQI, rồi hàng năm, ông kêu gọi các tổ chức, cá nhân và cựu binh ở Mỹ chung tay giúp đỡ phụ nữ, nông dân nghèo, trẻ em và các nạn nhân da cam. Quỹ được thành lập trong năm 1993 với số tiền quyên góp ban đầu chỉ vỏn vẹn 3.000 USD. Suốt 27 năm qua, Mike lặng lẽ quyên góp và gầy dựng quỹ, thực hiện hàng loạt dự án, đến tận nơi giúp đỡ hàng ngàn phụ nữ ở Quảng Ngãi với số tiền trên 2,2 tỷ đồng; tặng hàng trăm ngôi nhà tình thương cho các phụ nữ nghèo và thường xuyên trao học bổng, xe đạp, tặng máy lọc nước cho học sinh, nạn nhân da cam… Người dân Quảng Ngãi đã trìu mến gọi ông là “ông Mai (Mike) phụ nữ” vì lẽ đó.

Quỹ MQI hoạt động trên tinh thần “trao cần câu không trao con cá”, thông qua Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn với lãi suất chỉ 0,65%/tháng. Qua mỗi năm, Mike tiếp tục quyên góp và bổ sung vào quỹ để duy trì việc cấp vốn cho phụ nữ, nông dân nghèo. Sau 3 năm, các khoản vay sẽ hồi lại và tiếp tục được chuyển đến tay phụ nữ nghèo khác. Như vậy, cho đến lúc Mike già yếu, bệnh tật không thể trở lại Quảng Ngãi thì Quỹ MQI vẫn được phụ nữ Quảng Ngãi duy trì và phát triển. Suốt 27 năm qua, Mike đã giúp đỡ được hàng ngàn phụ nữ từ các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Ba Tơ…

Bà Lê Na, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, kể: “Mike đã gắn bó với Hội Phụ nữ tỉnh này ngót nghét 27 năm. Hàng năm, đơn vị vẫn duy trì 1 tỷ đồng vào quỹ của Mike để giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn. Mike là một “ca” đặc biệt, ông là người duy nhất ở Việt Nam có thẻ hội viên “đặc biệt” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp. Ngoài ra, Mike còn thông qua nhiều hội khác trong tỉnh Quảng Ngãi, như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Quảng Ngãi… để thực hiện nhiều dự án hỗ trợ khác. Ở Mỹ, cuộc sống của Mike cũng bình thường, ông không có vợ con, hiện đang chăm sóc mẹ già”.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tra-no-hau-chien-660051.html