Trà ngon xin chớ ướp hoa

Không phải cứ vẽ là thành tranh, cứ viết là thành thơ, thành truyện... Để thành tác phẩm nghệ thuật đâu phải dễ dàng.

1. Không hiểu vì tôi đã qua tuổi "tri thiên mệnh" có thể nhìn thấy nhiều điều hay do cơ chế thị trường nảy sinh mà tôi thấy bây giờ giá trị ảo nhiều quá. Trước đây, người ta phấn đấu cho những giá trị thực, học thực, sống thực, làm việc thực... Tất cả đều lấy giá trị thực làm thước đo. Người trung thực được mọi người nể trọng ca ngợi, cha mẹ lấy đó làm gương để dạy dỗ con cái, mong sao con mình sau này cũng trở thành người trung thực. Nhưng bây giờ hình như không phải thế. Ngay từ nhỏ cha mẹ đã dạy cho con cái phải biết khôn ngoan làm sao để có được "điểm đẹp", xin vào được trường chuyên lớp chọn. Truyền thống "tôn sư trọng đạo" thì đúng rồi, nhưng tôn sư trọng đạo bây giờ nghĩ kỹ thì cũng vô cùng xót xa bởi phần lớn là với mục tiêu để cho con mình có lợi, chứ không phải để mong thầy cô dạy dỗ cho con mình "nên người".

Thế rồi, lớn lên học trò thì đua nhau chạy điểm. Chạy bằng cấp, chạy việc làm, chạy học hàm học vị, chạy danh hiệu, cấp hàm, chức tước. Những thứ cao quý mà trước kia phải phấn đấu bằng thực lực thì bây giờ tuy không phải tất cả nhưng cũng đã không ít người phải chạy. Trước đây, những người có tự trọng khi được bổ nhiệm vào chức vụ cao mà thấy mình không đủ phẩm chất và năng lực đảm nhiệm thì họ thường xin rút. Còn bây giờ nhiều người dù phẩm chất và năng lực yếu kém cũng cố chạy chức, chạy hàm, chạy học vị, chạy danh hiệu với mục đích kiếm lợi. Giữ gìn phẩm chất thanh cao "đói cho sạch, rách cho thơm" không còn nhiều người theo.

Thì đấy là việc diễn ra trong đời thực, chứ không ai dạy thế, không ai bảo làm thế. Xã hội vẫn được giáo dục theo chuẩn mực. Tại sao thế nhỉ? Nói và làm đi đôi với nhau sao mà khó thế! Do cơ chế thị trường chăng? Bởi cuộc đời luôn tuân theo quy luật khách quan, ý chí của con người rất khó cưỡng lại.

Trong văn chương nghệ thuật thế nào là giá trị thực? Điều này đơn giản vô cùng. Giá trị thực là giá trị tự nó, không cần tô vẽ. Danh nhân Cao Bá Quát nói về uống trà để nói việc đời, nói về nghệ thuật: "Trà ngon xin chớ ướp hoa/ Ướp hoa khó nhận đâu là trà ngon". Đúng là nhân cách của người quân tử. Đó cũng là nhân cách mà mọi xã hội cần phấn đấu. Trước đây, điều ấy là bình thường. Nhà văn nhà thơ cứ sáng tác, các cơ quan báo chí xuất bản thấy có chất lượng thì đăng. Nhà phê bình cứ khách quan mà đánh giá. Phê bình đặc biệt coi trọng chỉ ra những điều còn yếu để tác giả rút kinh nghiệm khi viết tác phẩm sau. Bây giờ thì không còn như thế. Sách chưa in ra đã lo đặt người viết bài để ca ngợi. Thậm chí có tác giả còn tự viết bài ca ngợi nấp dưới những bút danh. Do vậy mà thật - giả, hay - dở cứ bị lẫn lộn.

Tất nhiên, gây hỏa mù tạo nên giá trị ảo đa số nhằm mục đích kiếm lợi. Trước hết là để bán sách, sau nữa là để kiếm danh vào Hội Nhà văn, giành giải thưởng... Có người thì để khoe tài, tìm cách leo lên những chức tước, các nấc thang danh vọng. Một số người cứ thế thành quen, rồi tưởng là mình tài thật, quay cuồng trong vòng xoáy, ảo vọng khôn cùng. Trong buổi truyền hình trực tiếp trao đổi xung quanh nội dung trí thức và giáo dục trên VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam gần đây, một vị giáo sư có nói đến mục tiêu giáo dục cần định hướng cụ thể là phải giáo dục con người trở thành người tử tế. Vâng, người tử tế là người phải coi trọng giá trị thực. Nhà văn nhà thơ mang tâm hồn thời đại mà không là người tử tế, không coi trọng giá trị thực, cứ chạy theo lợi ích và hư danh thì thật xót xa! Cách đây gần nghìn năm, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã nói rất chí lý: "Có thì dù chỉ mảy may - Đã không cả thế gian này cũng không" thì mới thấy quý nếu như có được một chút gì đấy giá trị thực.
Tất nhiên mọi giá trị ảo chỉ tồn tại nhất thời. Tạo nên giá trị ảo thật là phí công vô ích. Những tác phẩm còn lại cùng năm tháng, bao giờ cũng phải có giá trị thực. Mà giá trị thực thì là giá trị tự nó, không thể dùng tiền, dùng quyền hoặc bất cứ mánh khóe thủ đoạn nào mà mua, mà giành giật được. Điều này thì tất cả những ai làm nghệ thuật chân chính đều biết rõ.

2. Không phải cứ vẽ là thành tranh, cứ viết là thành thơ, thành truyện... Để thành tác phẩm nghệ thuật đâu phải dễ dàng. Nghệ thuật là cái đẹp, là tinh túy. Sự nhầm tưởng của nhiều người đã dẫn đến những “phong trào sáng tác” làm đông đảo quần chúng dị ứng với văn học nghệ thuật, bởi những sáng tác chưa phải là nghệ thuật cứ lan tràn, đôi khi lại còn được ca ngợi, tâng bốc.

Trước đây, nhiều tác phẩm miêu tả hiện thực được đề cao. Hiện thực thì chưa phải là nghệ thuật, dù hiện thực ấy nhẵn nhụi hay gồ ghề, trật tự hay xô bồ, đơn giản hay phức tạp... Nghệ thuật là tấm gương phản ánh hiện thực, nhưng không phải là tấm gương phẳng, mà là tấm gương lung linh kỳ ảo, nhìn vào nó người ta thấy bóng dáng của hiện thực chứ không phải hiện thực. Danh họa Picasso đã có lý khi ông nói: “Tôi vẽ những điều tôi nghĩ chứ không phải những điều tôi thấy”. Những điều ai ai cũng nhìn thấy, đấy là bề ngoài của cuộc sống mà chưa phải là cuộc sống. Hay có thể nói nó là cái vỏ của hiện thực, còn chiều sâu của hiện thực lại ở tư tưởng nghệ thuật và tình cảm nghệ thuật.

Những tư duy nông cạn về nghệ thuật đã dẫn đến việc phá hủy những đình chùa cổ thâm nghiêm để xây dựng một cách lòe loẹt dễ dãi. Tôi đồng tình với một bài viết trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh về khu vui chơi Đại Nam ở Đồng Nai. Nhiều công trình đồ sộ, hoành tráng nhưng bị những vần thơ con cóc sơn son thiếp vàng phá hủy! Đấy là văn hóa hay là không văn hóa? Nghệ thuật thật khó lắm thay, xin ai chớ đùa với nó! Đừng trưởng giả học làm sang mà hóa thành kệch cỡm. V. I. Lênin vẫn vô cùng vĩ đại khi ông nói: “Có lột da đầu tôi, tôi cũng không làm được một câu thơ”.

Tôi bỗng nhớ đến một câu thơ của Chế Lan Viên: “Mái đình cong cong như bàn tay em múa giữa đêm chèo”. Mái đình cong cong như bàn tay em hay bàn tay em múa cong cong tựa mái đình? Nghệ thuật là từ cuộc sống hay cuộc sống đẹp hơn từ nghệ thuật? Có lẽ là cả hai. Tinh hoa cuộc sống thành nghệ thuật và nghệ thuật làm cuộc sống lên hương! Độ sâu của nghệ thuật khi nó thành cuộc sống và cuộc sống đẹp lên khi được nghệ thuật hóa. Vì thế, nhà thơ Tố Hữu đã viết một câu thơ tưởng bình thường mà thật thâm sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bác sống như trời đất của ta”.

Đôi lần tôi đã đề cập đến văn chương và cơ chế thị trường. Nhưng thú thực đọc lại những ý kiến đó tôi thấy vẫn còn khiếm khuyết. Văn chương và nghệ thuật giữa cơ chế thị trường phức tạp hơn nhiều. Thì đấy, cuộc sống xã hội cơ chế thị trường có biết bao điều mà những người có đầu óc tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể nghĩ ra. Mà nghệ thuật lại là hình bóng của cơ sở kinh tế xã hội. Nên chúng ta sẽ không lạ gì khi có những điều phi nghệ thuật lại được tổ chức nghệ thuật nào đó đề cao, hoặc có những cá nhân có trình độ nghệ thuật rất thấp lại được nắm giữ một vị trí rất cao của những tổ chức nghệ thuật.

Vậy cuộc sống xã hội cơ chế thị trường là sâu sắc hay nông cạn. Văn chương nghệ thuật trong cơ chế thị trường là như thế nào? Trả lời câu hỏi này khó hay dễ? Tôi cho rằng cơ chế nào, xã hội nào nó cũng có sự phong phú và phức tạp, có cả bề mặt và độ sâu. Văn chương và nghệ thuật cũng vậy. Các chế độ xã hội: từ nô lệ, phong kiến hay tư bản chủ nghĩa đều có những thành tựu nghệ thuật rực rỡ. Đó là cốt lõi, đó là bản chất, dẫu như bề ngoài ở chế độ xã hội này có thể đơn giản, ở chế độ xã hội kia có vẻ phức tạp, không có cơ chế nào bó buộc được tài năng con người. Cũng không có cơ chế nào biến hóa thổi phồng được tài năng. Văn chương nghệ thuật ở cơ chế thị trường, nhìn có vẻ đục ngầu, nhưng không phải là không có độ sâu.

Đinh Quang Tốn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tra-ngon-xin-cho-uop-hoa-tintuc445346