Trả lương theo hiệu quả công việc

Hệ thống tiền lương của Việt Nam hiện rất bất hợp lý, bất bình đẳng và không tạo động lực cho người lao động

Tại Hội thảo "Cải cách chính sách tiền lương - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam", do Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công tổ chức tại Hà Nội ngày 13-12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo vị trí việc làm.

Không trả lương theo bằng cấp!

Đánh giá về chính sách tiền lương hiện nay, TS Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho rằng ở Việt Nam hiện nay, vừa sử dụng mức lương cơ sở chung cho tất cả cán bộ, công chức, vừa áp dụng hệ số lương. Hệ số nhân phức tạp là nguyên nhân của các vấn đề bất cập hiện nay về lương trong khu vực công. Nhiều công chức có hệ số lương tương tự trong một bộ phận, phá vỡ hệ thống phân cấp và thẩm quyền trong đơn vị.

Có chính sách tiền lương hợp lý để phát huy năng lực của cán bộ, công chức, người lao động Ảnh: TẤN THẠNH

Theo TS Chang Hee Lee, với hệ thống hệ số lương như vậy, rất khó để bảo đảm sự bình đẳng giữa khu vực công và tư. Nên thiết lập lương cơ bản theo cấp bậc và phụ cấp ở dạng con số tuyệt đối chứ không phải là nhân hệ số.

TS Chang Hee Lee cũng chỉ ra hạn chế của việc quy định trình độ bằng cấp chuyên môn của một số vị trí việc làm có thể gây ra phân biệt trong việc trả lương. Cụ thể, một TS thì hệ số lương cao hơn cử nhân nhưng thực chất đây chỉ là vấn đề bằng cấp, còn hiệu quả công việc thì chưa được đánh giá. Việt Nam nên thiết kế chế độ lương trên hiệu quả và chất lượng công việc chứ không dựa trên bằng cấp.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu thực tế hiện nay, việc phân công, phân cấp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước còn bất hợp lý, chồng chéo nên thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình. Vì thiếu minh bạch nên không biết khâu nào là thừa, khâu nào là thiếu để làm cho thật tốt việc sắp xếp lại bộ máy; không biết ai làm tốt để xứng đáng hưởng lương cao hơn.

Ông Jon Jan Hoo (Viện Nghiên cứu lao động Hàn Quốc) cho biết ở Hàn Quốc, giữa 2 lựa chọn tăng lương dựa trên cơ sở công lao đóng góp công việc hay trên cơ sở thời gian làm việc (thâm niên - PV), thì nước này đã chọn phương án thứ nhất. Yếu tố thâm niên chỉ là phụ trong bối cảnh hiệu quả công việc là thứ đánh giá toàn diện nhất về lao động.

Lương thấp, phụ cấp cao

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá việc cải cách này nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tác động trực tiếp đến đời sống người lao động và chất lượng hoạt động công vụ. Không thể đổ lỗi cho việc không có nguồn để cải cách tiền lương. Hiện nay, thu ngân sách cao nhưng gần 70% dành cho chi thường xuyên, trong đó một nửa cho tiền lương.

"Các chuyên gia nước ngoài nói tiền lương danh nghĩa của Việt Nam quá thấp nhưng phụ cấp quá nhiều, cho nên công chức có sống nhờ vào lương đâu, phần phụ trở thành phần chính" - bà Phạm Chi Lan nêu. Bà Lan đề xuất cần "tiền lương hóa" tất cả phụ cấp dành cho cán bộ, công chức viên chức hiện nay để làm rõ tiền lương thực chất là bao nhiêu.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần rà soát lại các loại phụ cấp. Phụ cấp nào gắn với chức nghiệp việc làm thì tính vào tiền lương, còn phụ cấp khác thì vẫn duy trì. Phụ cấp chỉ chiếm khoảng 30% quỹ tiền lương, còn lại 70% là thu nhập từ lương. Mức lương phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực doanh nghiệp, thị trường, không thấp hơn và không nên dùng hệ số để tính lương mà tính lương bằng tiền tuyệt đối.

Đối với việc cải cách tiền lương trong khối hành chính nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Tổ soạn thảo Đề án nghiên cứu hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo vị trí. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề có tính then chốt trong lựa chọn, thiết kế chính sách lương hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền hành chính năng động.

Đối với khu vực sản xuất, nhà nước phải có quy định mức lương tối thiểu để bảo đảm không người lao động nào được trả thấp hơn mức này, tránh việc bần cùng hóa, bảo vệ người yếu thế và cả vấn đề về giới.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tra-luong-theo-hieu-qua-cong-viec-20171213221537528.htm