Trả lời doanh nghiệp bằng những hành động, thực thi cụ thể

Những nội dung trao đổi, giải đáp có thể làm hài lòng các doanh nghiệp, hoặc có thể chưa làm hài lòng nhưng tinh thần là Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng sẽ cùng các bộ, cơ quan rà soát tổng thể lại để trả lời bằng những hành động, thực thi cụ thể.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Với 28 lượt ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến 3 nhóm vấn đề, hàng nghìn lượt người xem, tương tác với hội nghị trực tuyến đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho thấy sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp với những giải pháp cải cách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong khoảng 4 tiếng diễn ra hội nghị đối thoại của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vào sáng 30/6, các doanh nghiệp châu Âu đã đưa ra nhiều khuyến nghị về cải cách trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, sở hữu trí tuệ, tiêu dùng, thuế, dược phẩm…

Đơn cử như cần xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số, bổ sung hướng dẫn các quy định mới về thuế cho hoạt động thương mại điện tử… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mối quan tâm tới việc đưa các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc hậu COVID-19.

Chính phủ Việt Nam có những biện pháp hiệu quả và kịp thời

Đánh giá tổng quan môi trường kinh doanh của Việt Nam, đại diện EuroCham cho rằng, thông qua Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI), EuroCham đã và đang nắm bắt được nhịp điệu của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010. Kể từ năm 2014, BCI đã ghi nhận đánh giá tích cực và nhất quán trên 70%, đặc biệt năm 2018 và 2019 ở mức cao hơn 80%.

Tuy nhiên, tương tự xu hướng chung trên toàn thế giới, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh toàn cầu, BCI của EuroCham cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất từng ghi nhận (26%) vào quý I năm 2020.

Thực tế, nhờ các biện pháp hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, bao gồm cả biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và các gói kích thích kinh tế, một số hoạt động kinh doanh vẫn có thể duy trì ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19. Hiện nay, cho dù nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang ở giữa đại dịch thì tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh đang từ từ được khôi phục và kinh tế đang bắt đầu phục hồi. Vì vậy, EuroCham kỳ vọng BCI sẽ hồi phục lại mức trước đây trong thời gian tới.

Đại diện các doanh nghiệp châu Âu nêu các khuyến nghị cải cách trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

EVFTA không đơn thuần là gỡ bỏ thuế quan

Về thực thi EVFTA, bà Axelle Nicaise, Phó Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá EVFTA là hiệp định đầy tham vọng nhưng toàn diện, đặt ra lộ trình cho quan hệ song phương trong tương lai gần.

Theo đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng những “lợi ích hữu hình” từ EVFTA. Đơn cử, thuế quan đối với các mặt hàng dệt may, giày dép và thủy sản sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, còn mật ong lập tức được hưởng thuế quan 0% khi xuất sang EU mà không cần hạn ngạch... Thế nhưng, từng đó chưa phản ánh hết tính ưu việt của EVFTA.

Theo bà Axelle Nicaise, EVFTA không đơn thuần là gỡ bỏ thuế quan mà những lợi ích lớn nhất của hiệp định chính là việc tăng cường minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính, môi trường đầu tư Việt Nam cởi mở và hấp dẫn hơn; thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất ở khu vực và đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của khu vực; giúp Việt Nam đón luồng FDI mạnh hơn gắn với hàm lượng chuyển giao công nghệ tốt hơn; tận dụng tốt hơn lực lượng lao động trẻ hướng đến xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp thuộc EuroCham đã nêu 28 ý kiến liên quan đến 3 nhóm vấn đề: Y tế và phát triển bền vững; Môi trường kinh doanh: Pháp chế, thuế, hải quan; Tiêu dùng. Đã có 9 ý kiến giải đáp của các bộ, cơ quan. Theo đại diện các doanh nghiệp, những khuyến nghị cụ thể theo ngành được nêu lên để làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hơn, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành một điểm đến kinh doanh.

Nêu ý kiến tại buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết vào đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên tin thần thượng tôn pháp luật.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ở đầu nhiệm kỳ, một số thủ tục hành chính còn phức tạp, ví dụ sản xuất một cái kẹo socola phải có 13 giấy phép; một mặt hàng có 2-3 bộ quản lý... Tuy nhiên, đến nay đã cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh... Sự chồng chéo đã được lược bỏ dần, đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam nhưng sau khi nhập cảnh phải tuân thủ quy định về cách ly. Danh sách này chỉ cần gửi đến VPCPvà sẽ được xem xét giải quyết trong một ngày.

Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong giai đoạn 2017-2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm được tổng cộng là 880/1216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 72,37%). Tuy nhiên, Bộ Công Thương hiểu rằng cần tiếp tục rà soát, nỗ lực hơn nữa trong cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Đại diện các bộ, cơ quan giải đáp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp châu Âu. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thành công của doanh nghiệp là thành công của Chính phủ Việt Nam

Kết luận tại hội nghị, thay mặt Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp toàn bộ và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ những nội dung trao đổi tại hội nghị đối thoại hôm nay.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cải cách thủ tục hành chính và những vấn đề thay đổi trong quá trình đại dịch COVID-19 là những nội dung rất quan trọng. Hội nghị hôm nay có ý nghĩa khi Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA, đồng thời Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Đây là hành lang pháp lý rất quan trọng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Ghi nhận các giải pháp mà doanh nghiệp châu Âu đề xuất với các bộ, ngành, địa phương, với Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đều xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp thu để sửa chữa, thay đổi những quy định để vừa bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Chúng tôi rất mong những nội dung giải đáp hôm nay có thể làm hài lòng các bạn, hoặc các bạn có thể chưa hài lòng nhưng tinh thần là chúng tôi sẽ cùng các bộ, cơ quan rà soát lại để trả lời bằng những hành động thực thi cụ thể và đây cũng là những giải pháp rất quan trọng để thực thi EVFTA", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của các kênh đối thoại, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp tích cực gửi những phản ánh, kiến nghị của mình qua hiệp hội doanh nghiệp hoặc gửi trực tiếp qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

“Việc đối thoại với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp sẽ trở thành việc làm thường niên của các cơ quan chức năng Việt Nam. Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời.

Sau Hội nghị này, chúng tôi mong muốn lan tỏa về môi trường đầu tư của Việt Nam tới các doanh nghiệp châu Âu. Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư, thành công của các bạn chính là thành công của Chính phủ Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàng Huy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/tra-loi-doanh-nghiep-bang-nhung-hanh-dong-thuc-thi-cu-the/399392.vgp