Trả lại vẻ đẹp thiên nhiên

Cái đẹp trác tuyệt, kỳ vĩ nhất không đâu xa, mà chính là ở cảnh quan thiên nhiên. Vẻ mỹ lệ vốn có của thiên nhiên như một chất xúc tác tạo nên sự rung cảm tinh tế làm cho con người thêm tin yêu, trân quý cuộc sống.

Từ cổ tới kim, từ đông sang tây, con người thời nào cũng hướng về cái đẹp, muốn sở hữu cái đẹp, nhưng dù có đẹp đến đâu thì cũng khó có thể so được với nét đẹp tự nhiên.

Vẻ đẹp thiên nhiên là đối tượng thẩm mỹ có sức cuốn hút mãnh liệt nhất đối với các bậc văn nhân thi sĩ ở mọi thời đại. Từ những khung cảnh kỳ vĩ như trời xanh, mây trắng, nắng vàng, sóng biển mênh mông, núi cao vời vợi, rừng xanh thăm thẳm, cánh đồng bao la, ánh trăng bàng bạc... đến một giọt sương đọng trên ngọn cỏ, một cành liễu rủ bóng xuống mặt hồ, một nụ hoa hé nở dưới nắng mai... đã hóa thân vào thơ ca, nhạc họa bởi chính vẻ đẹp vốn có của tạo hóa. Cũng nhờ sự chở che, khoáng đạt của thiên nhiên mà nhiều văn nhân, thi sĩ đã sống thêm được một cuộc đời-một cuộc đời ngất ngây, đắm chìm giữa đất trời và một cuộc đời hiển hiện trong những áng văn, vần thơ tươi đẹp về “Sơn, thủy, yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong” (Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông).

Nói đến phong cảnh thiên nhiên trác việt ở nước ta thì không thể không nhắc đến núi rừng Tây Bắc. Vùng đất này nổi danh nước Việt bởi sở hữu tứ đại đèo: Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ với những cung đường ngoạn mục nhất trên dải đất hình chữ S. Nơi đây đã khơi nguồn cảm hứng để thi sĩ Chế Lan Viên gửi lại cho nền văn chương Việt một trong những áng thơ hay nhất về Tây Bắc: “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?/ Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”.

Núi rừng Tây Bắc một thời tươi đẹp như thi ca, nhạc họa và hút hồn, mê đắm bao du khách bởi vùng đất này có những rừng mơ trắng tinh khôi; rừng ban nở bung những cánh hoa trắng hồng và đặc biệt là những cánh hoa đào hồng phai rực rỡ mỗi độ xuân về. Thế nhưng, bức tranh thiên nhiên Tây Bắc những năm qua như bị “loang lổ” bởi tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy của một bộ phận người dân địa phương chưa được ngăn chặn hữu hiệu; phần khác xuất phát từ sự “chơi ngông”, lối sống “trưởng giả học làm sang” của một bộ phận người giàu ở dưới xuôi. Có những năm giáp Tết nguyên đán, hàng chục chiếc xe bán tải của các “đại gia” nối đuôi nhau ngược lên Hòa Bình, Sơn La, Sa Pa (Lào Cai), Lai Châu để săn tìm, mua đào rừng. Cây đào, cành đào rừng càng lớn, càng lâu năm, càng bám đầy tầm gửi và rêu phong thì càng có giá trị.

Rất nhiều người giàu thích khoe của, không ngần ngại bỏ ra bạc triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng mua những cây đào, cành đào rừng “to khỏe, thế đẹp, nhiều hoa” để mong nhận được lời trầm trồ tán dương của người khác. Có cầu ắt có cung. Nhiều dân bản nghèo khó thì nhân cơ hội này cũng muốn có đồng ra, đồng vào tiêu Tết nên phăm phăm vượt núi, băng đèo vào tận rừng sâu để kiếm những cành đào “khủng”. Nhưng họ đâu biết rằng, những cây đào rừng bị đào gốc, chặt cành như thế chẳng khác nào một cơ thể sống bị tổn thương, “rỉ máu” khiến cho mẹ thiên nhiên như đang mất đi một phần nhựa sống của chính mình.

Thiên nhiên là nguồn sữa ngọt ngào nhất nuôi dưỡng chúng ta cả về thể chất lẫn tâm hồn, lẽ nào chúng ta lại phản bội lại thiên nhiên?

Thú vui nhất thời của nhiều người săn đào rừng, chơi đào rừng ngày Tết Nguyên đán chẳng khác chi hành vi tàn phá môi sinh, tội lỗi khác mấy lâm tặc, nhưng nhiều địa phương miền núi vẫn bàng quan, làm ngơ như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Xót xa trước thực trạng đó, người đứng đầu Chính phủ mới đây đã cảnh báo những ai mua bán, vận chuyển, tiêu thụ đào rừng, nhất là đào rừng Tây Bắc cũng là một hành vi phạm pháp nên phải có chế tài xử lý. Đây như một thông điệp nhắc nhớ cộng đồng cần chung tay, góp sức để trả lại và giữ mãi vẻ đẹp trác tuyệt của núi rừng thiên nhiên Tây Bắc.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tra-lai-ve-dep-thien-nhien-648070