Trả lại tên 'cha đẻ' tác phẩm âm nhạc 'Giận mà thương'

Đã từ lâu trên thi đàn sân khấu Việt Nam và xứ Nghệ, cùng nhiều kiều bào nước ngoài và nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi cũng như sân khấu nghiệp dư từng hát 'Giận mà thương', nhưng không mấy ai biết đó là bài hát được sinh ra từ vở kịch 'Khi ban đội đi vắng' của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.

Vở kịch “Khi ban đội đi vắng” tác giả Nguyễn Trung Phong viết vào năm 1967, phản ánh thực trạng đời sống nông thôn trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp. Chủ đề tư tưởng của tác phẩm đấu tranh phê phán những biểu hiện trái với tinh thần làm chủ tập thể chỉ quan tâm lợi ích riêng tư.

Sau khi vở kịch được đội văn nghệ xã Diễn Bình biểu diễn, đạo diễn Nguyễn Trung Đính dàn dựng thành công, đưa lên sân khấu chuyên nghiệp ở tỉnh Nghệ An; tác giả Nguyễn Trung Phong đã trăn trở nghiên cứu và tìm ra được làn điệu dân ca cho bài hát nổi tiếng, gắn với vở kịch “Khi ban đội đi vắng”.

Tác phẩm âm nhạc mang tên là “Giận mà thương” được viết: “Anh ơi chứ khoan vội... bực mình/ Em xin kể lại cho anh tỏ tường/Anh cứ nhủ rằng em không thương/ Em đo lường thì rất cặn kẽ/ Chính thương anh nên em bàn với mẹ/ Phải ngăn anh không đi chuyến ngược lường.../ Giận thì giận mà thương thì thương/ Anh đi sai đường em không chịu nổi/ Anh ơi anh xin đừng có giận vội/ Trước tiên anh phải tự trách mình...”.

Thực tế, tác phẩm “Giận mà thương” được rất nhiều thế hệ trên cả nước hát, nhiều khán giả thuộc lòng và yêu mến. Nhưng với mọi người, “Giận mà thương” là ca khúc dân ca Trung Bộ, hoặc dân ca Nghệ Tĩnh hay dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh và không có tên tác giả. Ví như NSND Thu Hiền đã từng hát ca khúc này và cũng chỉ giới thiệu bài hát “Giận mà thương” là dân ca Trung Bộ. Như thế hệ ca sĩ trẻ Phương Thanh ở Nghệ An cũng chỉ giới thiệu là dân ca Nghệ Tĩnh cải biên của Nguyễn Trung Phong.

Gần đây, các nhà nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã đính chính bài hát “Giận mà thương” là tác phẩm của tác giả Nguyễn Trung Phong. Tại cuộc hội thảo về “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví Giặm” do Sở VHTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vào các ngày 19 và 20/10/2019 tại TP Vinh cũng khẳng định “Giận mà thương” là tác phẩm do nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác.

Khi “Giận mà thương” ra đời, nhạc sĩ Mai Hồng, nhạc sĩ Thanh Tùng trực tiếp nghe tác giả Nguyễn Trung Phong hát và đã cổ vũ động viên tác giả. Rồi các thế hệ nhạc sĩ kể tiếp như nhạc sĩ Thanh Lưu, nhạc sĩ Văn Thế cũng khẳng định điều đó. NSND Tiến Dũng, NSND Hồng Lựu cũng từng nói rằng, “Giận mà thương” là tác phẩm của Nguyễn Trung Phong, nó xuất phát từ vở kịch “Khi ban đội đi vắng”.

Minh chứng quyền sở hữu tác phẩm “Giận mà thương” của Nguyễn Trung Phong còn thể hiện ở việc, khi viết bài hát “Trông cây lại nhớ đến người”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận dựa vào làn điệu “Giận mà thương” làm nền nhạc. Nên dù chưa gặp nhau nhưng nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng đã gửi cho Nguyễn Trung Phong nhuận bút bài hát và một quyển lịch bìa ni lông có ghi dòng chữ: “Kính tặng anh Nguyễn Trung Phong đồng tác giả hợp tác vô tình”.

Bằng tất cả những câu chuyện và dẫn chứng cụ thể, một lần nữa khẳng định bài hát “Giận mà thương” là tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong quê xã Diễn Bình, Diễn Minh và nay là xã Minh Châu, Diễn Châu, Nghệ An.

Tài năng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong không chỉ thể hiện ở một vở kịch. Có thể nói, tài năng và những đóng góp của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, cố nhạc sĩ An Thuyên là người hiểu hơn ai hết. Bởi nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là người thầy, đưa nhạc sĩ An Thuyên vào đoàn dân ca và có khoảng thời gian cùng nhau đi dọc bờ Sông Lam để cảm nhận và sáng tác âm nhạc vùng quê xứ Nghệ. Nhạc sĩ An Thuyên có lần về làm tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật chào mừng TP Vinh đón nhận quyết định đô thị loại 1, ở Quảng trường Hồ Chí Minh.

Trong câu chuyện giữa những người văn nghệ sĩ, khi Cao Xuân Thưởng nhắc đến Nguyễn Trung Phong và vở “Cô gái Sông Lam” và các tác phẩm khác, thì nhạc sĩ An Thuyên tiếc nuối: “Nguyễn Trung Phong xứng đáng được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, nhưng rất tiếc cho đến nay những đóng góp của ông vẫn chưa được ghi nhận”.

Minh Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tra-lai-ten-cha-de-tac-pham-am-nhac-gian-ma-thuong-551929.html