'Trà Giang thu nguyệt ca': Một kiệt tác văn chương

Cao Bá Quát (1808-1855), tên chữ là Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, tài hay chữ vào bậc nhất đương thời. Người đời tôn vinh ông là Thánh Thơ (Thi Thánh).

Thơ Cao Bá Quát còn lại khoảng 1.500 bài, chủ yếu là thơ chữ Hán. Thơ chữ Hán Cao Bá Quát chẳng những phong phú về nội dung, mà còn đặc sắc về nghệ thuật. Hình ảnh TRĂNG được nhà thơ sử dụng như một biểu tượng hàm ẩn để ký thác tâm trạng, tinh vi và sâu sắc. "TRÀ GIANG THU NGUYỆT CA" là một trong những bài thơ đặc sắc của Cao Bá Quát.

Phiên âm:

Trà giang nguyệt
Kim dạ vị thùy thanh?
Quan sơn vạn lý hạo nhất sắc,
Hà xứ bất hệ ly nhân tình?
Cử bôi thi yêu nguyệt
Nguyệt nhập bôi trung hành.
Hàm bôi dục yết cánh phi khứ
Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành.
Đinh bôi thả phục trí
Hựu kiến cô quang sinh
Vấn quân hà sự luyến luyến bất nhẫn xả?
Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi Bộ binh!
Giang đầu thử tịch phùng thu tiết
Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết:
Đà môn cựu lữ Tồn Chân ông
Cần Hải minh tiên hiểu tương biệt.
Tạc dạ kim phong hạ thiên khuyết
Bạch lộ, thanh sương sảo xâm cốt
Nhân sinh hội ngộ an khả thường?
Hữu tửu thả ẩm Trà giang nguyệt!
Trà giang nguyệt!
Như kính hạ ngân lưu
Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ
Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu!

Tranh vẽ thi nhân Cao Bá Quát.

Dịch nghĩa:

BÀI CA "TRĂNG THU SÔNG TRÀ"

(Tặng bác Bảo Xuyên đi quân thứ ở An Giang)

Trăng sông Trà!
Đêm nay vì ai mà trong trẻo?
Muôn dặm quan san một màu trắng xóa
Chỗ nào là chỗ không vướng vít tình người biệt ly?
Cất chén thử mời trăng
Trăng vào đi trong chén.
Ngậm chén toan uống thì trăng lại biến mất
Chỉ còn có bóng người dọc ngang.
Ngừng chén và đặt xuống
Thì lại thấy vành sáng hiện ra.
Hỏi trăng vì sao cứ quyến luyến không nỡ bỏ?
Ta chỉ là anh Bộ binh gặp bước đường cùng trong bọn Trúc Lâm
Tối nay, gặp tiết thu trên ngọn sóng
Muốn nghiêng bầu rượu đầy để nói cho trong trăng biết:
Bạn cũ của ta ở cửa Đà Nẵng là bác Tồn Chân
Đến sáng mai sẽ thúc ngựa đi cửa bể Cần Giờ.
Đêm trước, gió vàng đã từ cửa nhà trời thổi xuống,
Móc trắng sương trong đã bắt đầu lạnh buốt đến xương.
Ở đời, muốn gặp gỡ nhau luôn không được
Có rượu đây, hãy uống với trăng sông Trà
Trăng sông Trà!
Như tấm gương dầm dưới dòng nước bạc,
Là người trượng phu đã chống gươm đi là đi thẳng
Chẳng bắt chước như đàn bà con trẻ, bịn rịn trong lúc phân kỳ!

DỊCH THƠ

Bản dịch của Vũ Bình Lục:

Trăng sông Trà! Trăng sông Trà!
Vì ai trong trẻo ngọc ngà đêm nay?
Quan san muôn dặm màu mây trắng,
Chỗ nào không vương vấn biệt ly?
Mời trăng một chén, ngại chi?
Trăng vào trong chén, trăng đi bên người.
Ngậm chén uống, trăng bay đi mất,
Quẩn quanh đây vương vất bóng người.
Ngừng tay, chén đặt xuống rồi,
Kìa trăng lại đến mỉm cười với ta.
Hỏi rằng trăng cớ sao quyến luyến,
Ta "đường cùng" trong đám Trúc Lâm?
Đêm nay thu mát trên sông,
Muốn nghiêng bầu rượu nói cùng trăng hay:
Bạn ta, bác Tồn Chân Đà Nẵng,
Sáng mai đây phải đến Cần Giờ.
Móc sương buốt tấm thân xơ,
Gió vàng thổi xuống "ơn nhờ" Thiên Môn.
Ở đời, muốn gặp nhau chẳng dễ,
Uống cùng trăng, ta sẵn rượu thơm.
Sông Trà trong vắt như gương,
Gương trăng đáy nước vấn vương với người.

Chống gươm đi khắp gầm trời,
Trượng phu há để thói đời cản ngăn!

Ở Quảng Ngãi, nhân một đêm trăng bên sông Trà, Cao Bá Quát có cuộc chia tay với một người bạn, là ông Tồn Chân. Ông này được phái đi quân thứ ở Cần Giờ, nên có bài thơ này.

Cũng như "Sa hành đoản ca", "Trà giang thu nguyệt ca" là bài thơ viết theo thể "ca", một thể thơ không bị câu thúc bởi những quy phạm chặt chẽ của các loại cổ thi truyền thống. Câu ngắn câu dài, tùy theo mạch cảm xúc của tác giả, do đó, tình thơ ý thơ tung tẩy phóng túng, hòa quyện ngân nga, khi lãng đãng khói sương, khi phập phồng gió cuốn mây bay, khi vút cao như tiếng hạc kêu đầu núi…Tóm lại, nó là một thể thơ rất hợp với phong cốt của Cao Chu Thần!

Mở đầu, đã thấy Cao thi sĩ cất lên lời ca gọi trăng. Và hỏi trăng "vì ai mà sáng trong đến thế?". Tứ bề, chỉ thấy một màu trăng trắng xóa, mê đắm hữu tình, như thể "khắp nơi vương vấn tình người xa nhau"…

Như thế là trăng kia cũng cảm thấu lòng người, hay lòng người đã sẵn có tâm trạng biệt ly, nên nhìn trăng mà nghĩ ngợi xa xôi, mà cảm thấy như khắp nơi đều vương vấn màu ly biệt? Quả là một câu thơ thực ảo hòa trộn vào nhau, tình và cảnh hòa trộn vào nhau, gợi nỗi buồn man mác, phảng phất phong vị Đường thi.

Rồi thì "cất chén thử mời trăng / trăng vào đi trong chén". Và khi "đỡ chén lên môi, thì trăng lại vụt biến / chỉ còn thấy bóng người đang dọc ngang"… Đến khi đặt chén xuống", lại thấy trăng hiện về bóng lại long lanh". Mới hỏi trăng, rằng "vì sao quyến luyến mà không nỡ đi như vậy?".

Đoạn thơ mời trăng uống rượu, thấp thoáng hơi hướng bài "Tương tiến tửu" của Lý Bạch đời Đường bên Tàu, nhưng tuyệt nhiên không phải là một sự sao chép thô thiển. Cao Chu Thần sử dụng thi liệu Đường thi, nhưng đã chuyển hóa một cách tài tình. Trăng thu sông Trà của ông uyển chuyển sinh động hơn, thoắt ẩn, thoắt hiện, như một người bạn rất xa mà lại rất gần, quyến luyến như người tri âm tri kỷ. Lý Bạch ôm cái cô đơn, cô độc, bảo rằng: "Trăng đã không biết uống / bóng chỉ quẩn theo ta". Trăng thu sông Trà của Cao Bá Quát gần gũi, giàu nhân tính, sẻ chia đồng điệu và đầy ắp long lanh, đầy ắp nhân tình…

Mời trăng uống rượu, rồi lại than thở về thân phận của mình, nói rằng: Ta, rốt cục, cũng chỉ là "anh Bộ Binh gặp bước đường cùng trong bọn Trúc Lâm". Mà bọn Trúc Lâm kia là ai vậy? Chính là "Trúc Lâm thất hiền" đời xưa, cũng ở bên Tàu, trong đó có ông Bộ Binh Nguyễn Tịch. Nhà thơ mượn tích này, để mô phỏng hình ảnh của chính mình, mô phỏng cái sự bi đát của kẻ cùng đường đấy thôi!...

"Tối nay, gặp tiết thu trên ngọn sông / muốn nghiêng bầu rượu đầy để nói cho trong trăng biết / bạn cũ của ta ở cửa Đà Nẵng là bác Tồn Chân / đến sáng mai sẽ thúc ngựa đi cửa bể Cần Giờ"…

Thế nghĩa là người bạn của tác giả, sớm mai sẽ lại đi quân thứ, mãi tận cửa biển Cần Giờ xa xôi, nhiều gian khổ và bất trắc. Nhưng sao lại phải "nghiêng bầu rượu đầy để nói cho trong trăng biết" (vị quân thuyết)? Một thông báo, mà đối tượng nghe thì vừa cụ thể, lại dường như rất mơ hồ. Câu sau, lại còn có vẻ mơ hồ nữa: "Đêm trước, gió vàng đã từ cửa nhà trời thổi xuống / Móc trắng sương trong đã bắt đầu lạnh buốt đến xương"…

Hóa ra là một câu thơ đầy ẩn ý mỉa mai chua chát. Rằng tên tội thần họ Cao đang ngồi đây, cũng đã từng "đội ơn mưa móc" của "Nhà trời", đã "hàm ơn" đổ xuống một trận "gió vàng", để cho đến bây giờ "móc trắng sương trong đã bắt đầu lạnh buốt đến xương"! Tác giả có lẽ đã thấm thía vô cùng cái thứ "gió vàng" mà ông đã phải "mang ơn", bây giờ đã bắt đầu "lạnh đến xương"!

Chắc là thi nhân bị lưu đày muốn nhắc tới những "kỷ niệm không vui" của quãng đời cay đắng vừa nếm trải, tức những cuộc tra tấn dã man mà triều Nguyễn đã dành cho tội thần họ Cao trong tù ngục vừa qua. Hoàn cảnh thực tế không cho phép tác giả nói ra sự thật đau đớn mà cuộc đời ông vừa nếm trải, nên tác giả phải dùng ẩn dụ xa xôi, để gửi gắm tâm sự thầm kín của mình. "Tai vách mạch rừng", kẻ tiểu nhân cầu lợi váng vất đó đây, không thể không giữ mình cẩn thận!

Rồi ca tiếp: "Ở đời, muốn gặp nhau luôn không được/ có rượu đây, hãy uống với trăng sông Trà / trăng sông Trà/ như tấm gương dầm trong dòng nước bạc" ! Ý nghĩ và tình cảm cứ theo hơi men mà tung tẩy, mà đưa đẩy uyển chuyển biến hóa khôn lường. Chúng ta, bác Tồn Chân và Chu Thần tôi, với cả trăng sông Trà nữa, hãy cùng nhau lại nâng chén mà "rót đau lòng ấy vào đau lòng này" (Trần Huyền Trân)…

Bài ca kết thúc bằng một câu bi tráng: "Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ / kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu" ! Cao thi sĩ nói với ai? Chẳng phải là nói với bạn Tồn Chân ư? Chẳng phải là nói với chính mình ư? Với Trăng sông Trà ư? …

Quả là một kiệt tác, hiếm thấy trong văn chương đương thời. "Trà giang thu nguyệt ca" ôm chứa một hồn thơ khoáng đạt. Nó hoàn toàn không phải là một thứ kỹ xảo văn chương vờ vĩnh. Nó chính là gan ruột của thầy Cao, chân thành đắm đuối, trong trẻo như trăng sông Trà. Những câu thơ đầy bản lĩnh của Cao Chu Thần, khiến người đọc không thể chỉ đọc bằng mắt, cho dù là "mắt xanh" đi nữa!

Hà Nội 10-7-2010

Vũ Bình Lục

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tra-giang-thu-nguyet-ca-mot-kiet-tac-van-chuong-526737/