Trà đạo Nhật Bản - Hòa - Kính - Thanh - Tịch

Người Nhật bề ngoài thì có vẻ đơn sơ, tối giản, nhưng thực tế lại rất cầu kỳ, uyên thâm và sâu sắc. Nhật Bản có lẽ là dân tộc duy nhất trên thế giới nâng mọi hoạt động đời thường lên thành đạo: Võ sĩ đạo, Thiền đạo, Thi đạo, Thư đạo, Hoa đạo và Trà đạo.

Đã là đạo thì phải có triết lý và nguyên tắc. Nếu như tinh thần võ sĩ đạo dựa trên 7 nguyên tắc là Gi (Công lý), Jin (Nhân từ), Yu (Can đảm), Ray (Tôn trọng), Makoto (Chân thành), Meye (Danh dự), Chu gi (Tận tâm), thì trà đạo cũng được thực hiện theo tinh thần Hòa - Kính - Thanh - Tịch.

Pha trà Nhật (Ảnh: artoftea.com)

Sự hài hòa của một buổi trà đạo thể hiện ở cách thiết kế trà viên sao cho không gian, vật dụng và con người phối ngẫu với nhau một cách nhịp nhàng ở cả năm giác quan. Mùi hương trầm thoang thoảng trong trà thất, vị trà quyện với kẹo ngọt Wagashi, tiếng chim hót bên ngoài trà viên, màu sắc vàng nhạt giản dị của những vách gỗ và tấm chiếu tatami, cả không khí ấm cúng đang lan tỏa đến từ tế bào, đấy chẳng gì khác là Wa (sự hài hòa).

Sinh thời, thiền sư Myoan Eisai, người khai sáng phái Thiền tông ở Nhật Bản cuối thế kỷ XII, sau khi sang Trung Hoa học đạo đã mang về nước những gói Mạt trà (Matcha). Mạt trà thực ra đã có từ thời nhà Đường (năm 618). Lúc ấy lá trà được rang lên rồi nghiền thành bột để bảo quản. Sau này, người Hoa quên dần cách sắc trà nóng từ bột khô ấy, có lẽ là chẳng hợp khẩu vị, nhưng Mạt trà bắt đầu được Eisai và những hậu duệ của ông ưa dùng đến mức nâng lên thành trà đạo (Chanoyu).

Thuở ấy, Chanoyu chỉ dành cho nam giới ở tầng lớp thượng lưu, cho các Samurai tôn kính, chứ chẳng có ai thuộc giới công - nông nào có nổi thời gian và tinh tế để thưởng trà theo phong cách quý tộc ấy. Vì thế nguyên tắc thứ hai là Kei (sự kính trọng) vô cùng cần thiết trong các trà thất. Người thưởng trà kính nhau đến nỗi trước khi uống trà phải cúi gập đầu chào nhau. Rồi cách xoay tách trà ba lần như một nghi thức thần bí ấy chẳng qua là người đưa trà phải… xoay cái hoa văn ra mặt trước cho đẹp, cho khách đừng nhìn thấy phần trống trơn trên tách. Sau khi khách đỡ ly trà bằng tay trái, lại tiếp tục dùng tay phải xoay tách ba lần cho hoa văn đối diện trở lại với chủ nhân và các khách mời khác rồi mới được thưởng trà.

Sei (sự tinh khiết) cũng quan trọng không kém. Riêng về độ sạch sẽ thì trà gia vị Ấn Độ phải “phát khóc” trước trà xanh Nhật Bản. Tuy nhiên Sei còn có nghĩa khác, đó là sự tinh khiết của không gian không vướng tham - sân - si. Đã vào đến trà viên thì những giận dữ, tị hiềm, tham lam... phải bị tống khứ ngay từ cổng vào.

Triết lý cuối cùng của trà đạo là Jaku (sự tịch mịch). Trà thất phải tĩnh lặng đến mức nghe được cả tiếng gió thổi, suối reo, chim hót từ bên ngoài và âm thanh trò chuyện cũng nên ôn hòa.

Tinh thần của trà đạo vì thế cũng đầy đủ sự tôn trọng, tận tâm và chân thành chẳng khác gì võ sĩ đạo. Có lẽ vì thế mà mới đầu Matcha chỉ phục vụ cho tầng lớp thượng lưu của Nhật Bản, trong đó có các Samurai, còn đàn bà con gái thì chưa được phép uống trà thoải mái như thời nay.

Vị Matcha cực kỳ đặc trưng, màu sắc lại đẹp, khác hẳn các loại trà thông thường nên hay được tận dụng làm trà sữa Matcha, kem Matcha, mì soba Matcha, chocolate Matcha, bánh mochi Matcha, bánh paparoti Matcha... Nhưng trà Matcha thực sự thì rất khác. Nó đặc quánh và đắng ngắt. Nếu bạn vẫn uống trà sữa Matcha rồi thử nếm Mạt trà nguyên chất thì cũng tựa như vừa uống Cappuccino lại chuyển sang cà phê đen không đường. Vị đắng là vậy nên người Nhật bao giờ cũng có đồ ăn kèm khi thưởng trà. Đó là các loại Wagashi, được gọi là kẹo nhưng thực chất giống bánh hơn. Người thưởng trà ngồi nhấm nháp miếng Wagashi rồi nhấp ngụm Matcha. Vị ngọt thơm của kẹo sẽ giao hòa với vị đắng của trà tạo nên tinh thần Wa hoàn hảo. Matcha vừa uống vừa ngẫm thì thực kỳ lạ, tuy đắng lắm nhưng luôn dậy lên một vị béo ngậy từ đâu đó sâu thẳm của vị giác, dù chẳng cần trộn tí váng sữa nào, chờ một lúc sẽ để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi, nơi cuống họng và vĩnh viễn trong hồi ức.

Mạt trà nguyên là những búp lá non tơ mọc trong bóng râm. Vài tuần trước khi thu hoạch, người trồng trà phải che chắn để lá non tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, như thế là nhằm làm chậm đi quá trình chín của lá, khiến lá có màu xanh thẫm và thêm vị ngọt béo. Uống Matcha cũng chính là Thiền. Trà đạo và Thiền đạo luôn đi đôi với nhau là vậy. Và, trong những khoảnh khắc thăng hoa, đỉnh cao của nghệ thuật trà sẽ còn song hành cùng Thi đạo và Hoa đạo nữa.

Thưởng trà chẳng phải là cần lắm cái tinh thần hay sao

Trà đạo được thực hiện theo tinh thần Hòa - Kính - Thanh - Tịch. Sự hài hòa của một buổi trà đạo thể hiện ở cách thiết kế trà viên sao cho không gian, vật dụng và con người phối ngẫu với nhau một cách nhịp nhàng ở cả năm giác quan.

Diệu Linh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tra-dao-nhat-ban-hoa-kinh-thanh-tich-526628.html