Trà Cổ mùa này

Dân mê du lịch xếp Trà Cổ (Quảng Ninh) là điểm đến có nhiều cái nhất. Mà điều độc đáo đầu tiên cần nhắc rằng đây là bãi biển đầu tiên trên bản đồ Việt Nam, tính từ phía Bắc. Đây cũng là nơi có bãi biển dài hơn 15km, là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo nên khiến cảnh quan biển rất nên thơ và hấp dẫn.

Điểm đánh dẫu Mũi Sa Vĩ.

Trà Cổ là bãi biển gần biên giới nhất. Đứng ở Sa Vĩ, cách bãi biển Trà Cổ khoảng 6km bạn có thể phóng tầm mắt sang bên kia là Trung Quốc. Còn nếu muốn sang đó du lịch, mua sắm thì bạn có thể đến thị xã Móng Cái (mất khoảng 12 km) để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Quanh bãi biển Trà Cổ có thể đến thăm rất nhiều địa danh du lịch như: Nhà thờ Trà Cổ, đình Trà Cổ…

Điểm đến này có cơ man nào là hải sản tươi ngon nhưng du khách đừng bỏ qua món sam biển đầy thú vị. Sam biển là một trong những đặc sản riêng mà biển Trà Cổ ưu ái có được. Từ nguyên liệu sẵn có, người đầu bếp có thể chế biến ra vô vàn những món ăn hấp dẫn như: tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến…và món ăn nào cũng có những nét quyến rũ riêng. Đảm bảo thưởng thức một lần thôi sẽ nhớ mãi…

Nhưng người mê du lịch đặc biệt lưu ý, đến Trà Cổ mà chưa được tới đình Trà Cổ, nhà thờ Trà Cổ và mũi Sa Vĩ thì chuyến đi của bạn quả thực là thiếu sót rất lớn.

Từ Trà Cổ, theo con đường trải nhựa thẳng tắp, hai bên là bãi sú mênh mông. Dừng chân ghé lại ngôi làng cổ, bạn sẽ thấy những ngôi nhà nhỏ, thấp với tường gạch rêu phong. Nổi bật trong đó là đình Trà Cổ hơn 500 năm tuổi. Nằm sát biên giới Việt – Trung, nơi tưởng chừng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa Trung Hoa, nhưng ngôi đình khá đồ sộ ở địa đầu đất nước này hoàn toàn mang dấu ấn của nền văn hóa Việt với kiểu chữ công, 5 gian, 2 chái. Dưới mái đình cong vút lợp ngói mũi đã ngả màu, bạn sẽ thấy bóng dáng thân quen của những ngôi đình ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện nay, tại đình Trà Cổ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy…

Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều lễ hội truyền thống. Đây là lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi “ông voi” (cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 ông đám chăm sóc, nuôi lớn).

Đình Trà Cổ.

Bên cạnh những kiến trúc thuần Việt, Trà Cổ cũng có công trình theo kiểu phương Tây, nổi tiếng là nhà thờ Trà Cổ. Được xây dựng từ thế kỷ 19 và trùng tu vào năm 1995, nhà thờ gây ấn tượng với du khách nhờ kiến trúc cổ kính, đồ sộ cùng hàng trăm bức phù điêu và một quả chuông gần trăm tuổi.

Đi qua đình làng và nhà thờ Trà Cổ là con đường dẫn thẳng đến mũi Sa Vĩ. Nếu điểm cực Bắc biên giới đất liền thuộc xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) thì đường biên giới biển khởi đầu chính là Sa Vĩ. Điểm đánh dấu địa đầu Đông Bắc là bức phù điêu hình 3 ngọn thông vươn thẳng lên trời, trên ghi câu thơ “Từ Trà Cổ rừng dương.

Đến Cà Mau rừng đước” của nhà thơ Tố Hữu. Bình dị vậy thôi nhưng đủ khiến mỗi con người Việt Nam cảm thấy tự hào khi đứng ở nơi biên cương của tổ quốc. Đứng ở mũi Sa Vĩ phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hình lưỡi liềm của bờ biển Trà Cổ dài 17 km.

Tuy cực Đông của Việt Nam ở tận mũi Điện (Phú Yên), nhưng mũi Sa Vĩ ở Trà Cổ là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở miền Bắc. Bởi vậy, thử một lần đón khoảnh khắc bình minh ở Sa Vĩ, hẳn là bất cứ ai cũng sẽ thấy vô cùng ấn tượng…

Nhưng có một điều gây ngạc nhiên là Trà Cổ không hề đông đúc, ồn ào. Muốn có một kỳ nghỉ yên tĩnh, được tận hưởng nguyên vẹn chất biển thì điểm đến này là sự lựa chọn hoàn hảo. Bạn thử tưởng tượng xem, chỉ cách thành phố vùng biên Móng Cái chừng 12 km nhưng Trà Cổ không chịu ảnh hưởng của đô thị hóa, bao năm vẫn vậy. Người dân Trà Cổ vẫn giữ phong cách của dân làng chài, hiền lành và thân thiện. Dạo biển Trà Cổ, dù là sáng, trưa hay tối, du khách cũng không bị làm phiền bởi ăn xin, ăn mày, người hát rong. Người bán hàng rong chèo kéo khách cũng rất hiếm gặp.

Đến nay, phần lớn người dân của phường Trà Cổ vẫn sống bằng nghề đánh bắt gần bờ. Hải sản đánh bắt được, đa phần đều được các thương lái nước ngoài thu mua ngay từ lúc thuyền cập bờ. Nếu du khách có nhu cầu mua hải sản về làm quà, phải đặt trước mới có hải sản ngon.

Về dịch vụ ở Trà Cổ, đa phần là nhà nghỉ, khách sạn đã xây dựng lâu năm, hàng quán thưa thớt, người dân cũng chỉ xem du lịch như công việc mang tính thời vụ… Đây cũng chính là lý do khiến các dịch vụ ăn, nghỉ ở Trà Cổ không được đầu tư nhiều. Các quán ăn chi mang tính gia đình, phục vụ những nhóm khách nhỏ…

Dễ nhận thấy, cho đến thời điểm này, Trà Cổ chưa bị thương mại hóa một cách ồ ạt, chỉ một phần nhỏ bãi biển được khai thác làm khu nghỉ dưỡng, sân golf. Phần nhỏ nữa là bãi tắm phục vụ du khách và dân trong vùng, còn cả khoảng mênh mông còn lại với bờ bãi phẳng lì, với gió vi vút, với cây xào xạc và cát trắng đến mê mải sẽ là điểm thu hút những du khách yêu mê đắm vẻ đẹp của thiên nhiên, thích sự trong lành và yên tĩnh của gió, nắng, biển, mây trời.

Hoài Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/tra-co-mua-nay-tintuc409416