Trả cho khám sức khỏe định kỳ và khám chữa bệnh tại nhà

Bộ Y tế đang soạn thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, với nhiều đề xuất quan trọng.

Theo cơ quan soạn thảo, quá trình thi hành Luật BHYT hiện hành cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đã có vướng mắc do nội tại văn bản Luật hiện hành, thực tế phát sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, về đối tượng, hình thức tham gia BHYT chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng trong xã hội, thiếu nhóm tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng (cho thân nhân người lao động), nhóm chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người sống trong cơ sở BTXH, người không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân;… Với nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình thì quy định tất cả các thành viên trong hộ gia đình phải cùng tham gia để hưởng giảm trừ mức đóng và quy định mức giảmtrừ không hợp lý.

Người dân làm thủ tục khám bệnh bằng thẻ BHYT tại BV Xanh Pôn. Ảnh: P.Thảo

Người dân làm thủ tục khám bệnh bằng thẻ BHYT tại BV Xanh Pôn. Ảnh: P.Thảo

Đáng nói, về phạm vi quyền lợi BHYT, quỹ BHYT chỉ thanh toán chi phí khám chữa bệnh, không chi trả dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, điều trị dự phòng, quản lý sức khỏe và y tế dự phòng. Một số dịch vụ thuộc về khám chữa bệnh nhưng quỹ BHYT không chi trả như điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư hỗ trợ trong phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ BHYT chưa kiểm soát triệt để. “Thông tuyến” tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi về sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ BHYT, quá tải BV, tác động đến tuyến y tế cơ sở; và luôn có nguy cơ lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, quản lý cung ứng dịch vụ, quản lý sức khỏe, giám định BHYT… đang được ứng dụng rộng rãi và phát triển nhanh chóng nhưng còn thiếu các quy định pháp lý (trong Luật BHYT hiện hành).

Đề xuất sửa luật hiện hành hướng tới đảm bảo tất cả mọi đối tượng trong xã hội được quyền tham gia BHYT. Trong đó, bổ sung đối tượng thuộc các nhóm chưa quy định trong Luật BHYT hiện hành; bổ sung nhóm đối tượng do chủ sử dụng lao động đóng (nhóm thân nhân người lao động thuộc DN quân đội, CA dang thực hiện theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP). Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT với quy định linh hoạt cho phép đóng BHYT một lần cho nhiều năm, cải cách thủ tục tham gia thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Đáng quan tâm, Đề cương Dự luật đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT. Cụ thể, mở rộng thêm phạm vi quyền lợi về sàng lọc (bệnh mạn tính phổ biến có hiệu quả khi phát hiện can thiệp sớm, sàng lọc trước sinh và sơ sinh); phòng lây truyền một số bệnh từ mẹ sang con; Khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe; khám chữa bệnh tại nhà trong một số trường hợp áp dụng với một số đối tượng và các trường hợp cấp cứu; đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Theo cơ quan soạn thảo, việc quản lý sức khỏe và phát hiện bệnh sớm sẽ nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí cho người dân, cho xã hội, cho quỹ BHYT; giảm quá tải BV; nâng cao chất lượng cuộc sống sức khỏe của người dân. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh hiện nay, vì vậy số lượng người cao tuổi sẽ tăng nhanh trong thập kỷ tới, nên cần phải quy định cơ chế pháp lý huy động nguồn lực để quỹ BHYT chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, điều này cũng thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân tại Nghị quyết 20-NQ/TW.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng quy định việc điều chỉnh phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, thực hiện BHYT bổ sung (gói BHYT bổ sung chi trả cho phần cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh; Gói BHYT bổ sung chi trả cho chi phí khám chữa bệnh trái tuyến, các dịch vụ, thuốc, vật tư y tế được quỹ BHYT chi trả theo tỷ lệ; Gói BHYT bổ sung chi trả cho các dịch vụ ngoài phạm vi quỹ BHYT) theo hướng người tham gia BHYT được quyền mua thêm các gói BHYT bổ sung do tổ chức bảo hiểm y tế và các DN kinh doanh bảo hiểm cung cấp để được hưởng gói quyền lợi bổ sung ngoài quyền lợi của BHYT bắt buộc…

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10 - 2021.

Điều 28. Quỹ bảo hiểm y tế không chi trả cho những trường hợp sau:

1. Chi phí trong trường hợp đã được ngân sách Nhà nước chi trả.

2. Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng, cơ sở chăm sóc xã hội.

3. Sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hoặc của thai phụ.

4. Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.

5. Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi.

6. Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.

7. Chẩn đoán, điều trị nghiện ma túy, nghiện rượu và các chất gây nghiện khác.

8. Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

9. Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

(Theo Đề cương Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế)

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tra-cho-kham-suc-khoe-dinh-ky-va-kham-chua-benh-tai-nha-218876.html