TQ xả lũ: Cần cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin

Cần có sự hợp tác, chia sẻ thông tin giữa Việt Nam và Trung Quốc trong số liệu thủy văn, xử lý các tình huống khẩn cấp như lũ hụt, hạn hán...

Những ngày qua, thông tin thủy điện Mã Đổ Sơn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng hôm 20/8 nhưng không cung cấp thông tin cụ thể liên quan đến tới lưu lượng, dung tích xả nhận thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), từ trước đến nay không có quy định Trung Quốc chia sẻ thông tin xả lũ, tuy nhiên, thông tin quan trắc tại 5 trạm quan trắc đặt tại Trung Quốc có liên quan đến thượng nguồn sông Hồng thì được chia sẻ ngày 3 lần.

Chia sẻ về thực tế này, PGS.TS Đào Trọng Tứ (Hội Tưới tiêu Việt Nam) cũng cho hay, hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có sự hợp tác, chia sẻ thông tin xả lũ, có chăng cũng chỉ là hợp tác ở cấp độ các cơ quan nghiên cứu.

"Tôi nhớ năm 2016, Viện Quy hoạch Thủy lợi sang làm việc ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), hai bên đã trao đổi với nhau về vấn đề sử dụng nước ở sông Hồng, hai bên hợp tác thế nào, thế nhưng cho tới nay hợp tác ở cấp cao hơn thì chưa có. Đây cũng là vấn đề cần Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời: Tại sao hai nước vẫn chưa có cơ chế trao đổi thông tin, ít nhất là cung cấp thông tin xả lũ?", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.

Vị chuyên gia cho rằng phía Trung Quốc có cái khó khi họ cũng không chủ động được sẽ xả bao nhiêu bởi còn tùy thuộc vào lượng nước đến, lượng mưa, từ đó khó cung cấp được thông tin chính xác cho phía Việt Nam. Quan trọng nhất là Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ, khi phía thượng nguồn xả thì phải đối phó thế nào.

"Muốn bảo đảm an toàn thì chỉ có cách hai bên phải kết nối chặt chẽ. Nếu chia sẻ thông tin về việc xả lũ sớm, có thông tin sớm thì công tác dự báo, ứng phó tốt hơn nhiều", PGS.TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Lũ trên sông Hồng, đoạn qua TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) ngày 21/8 sau khi Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng. Ảnh: Báo Lào Cai

Lũ trên sông Hồng, đoạn qua TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) ngày 21/8 sau khi Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng. Ảnh: Báo Lào Cai

Về thủy điện Mã Đổ Sơn, theo vị chuyên gia, con đập nằm trên dòng chính sông Hồng, cách biên giới Việt-Trung chừng 95km, với tổng dung tích hồ chứa hơn 500 triệu m3 nước.

"Sông Hồng ở Việt Nam có 3 nhánh, gồm sông Lô, sông Đà và sông Thao. Trên sông Thao không có hồ chứa mà bằng phẳng, nếu thủy điện Trung Quốc xả nhiều thì sẽ có tác động lên sông Hồng khiến mực nước dâng cao.

Cho nên, để đảm bảo an toàn, phải kết nối Việt Nam với các trạm thủy văn ở thượng nguồn phía Trung Quốc.

Ví dụ, khi nhà máy thủy điện xả lũ ở một thời điểm nhất định, họ phải thông báo lưu lượng xả cho phía Việt Nam để chúng ta chạy mô hình dự báo, đồng thời ứng phó ở phía dưới hạ nguồn", ông Tứ cho hay và nhấn mạnh, Việt Nam có hai con sông rất quan trọng là sông Hồng và sông Mekong nên phải thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin với các quốc gia, đặc biệt là với Trung Quốc.

Đối với sông Mekong hiện có Ủy hội sông Mekong, đặc biệt là có cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương với sự tham gia của đủ 6 quốc gia ven dòng sông Mekong-Lan Thương là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc, có nội dung hợp tác bao trùm trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác giữa 6 quốc gia dựa trên 3 trụ cột là an ninh, kinh tế và môi trường, trong đó có an ninh nguồn nước.

Sau gần 5 năm thành lập, cơ chế Lan Thương-Mekong dù chưa được như kỳ vọng do còn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng, lợi ích của mỗi quốc gia và cả mối quan hệ giữa các bên, song PGS.TS Đào Trọng Tứ khẳng định quan điểm phải tiếp tục đấu tranh để hợp tác.

Còn với sông Hồng, dù các hồ chứa trên thượng nguồn phía Trung Quốc không phải là lớn lắm nhưng khi có sự cố thì đó cũng vấn đề đau đầu, Việt Nam phải đề phòng.

"Cho nên, cần thiết phải thiếp lập cơ chế chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, hợp tác trong xử lý các tình huống khẩn cấp như lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác, nâng cao năng lực quản lý nguồn nước nhằm bảo đảm việc sử dụng bền vững và hợp lý các nguồn nước", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác ứng phó của Việt Nam, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, để giám sát được lượng mưa bên ngoài biên giới Việt Nam và chủ động công tác dự báo thủy văn cho các sông xuyên biên giới (trong trường hợp không có thông tin về số liệu đo thực tế của các nước khác), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã vận dụng linh hoạt việc ước lượng lượng mưa từ số liệu vệ tinh (cho dù việc ước lượng này có nhiều sai số nhưng đây là cách duy nhất để xác định lượng mưa tại khu vực không có số liệu đo thực tế trên lãnh thổ quốc gia khác) kết hợp với phân tích dữ liệu gia tăng lưu lượng trạm thượng nguồn để tính toán nhận định lũ trên lưu vực sông Thao trên lãnh thổ Trung Quốc.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/tq-xa-lu-can-co-che-hop-tac-chia-se-thong-tin-3417777/