TQ mở rộng 'quyền lực mềm' lấn sân truyền thông ở châu Phi

Truyền hình nhà nước Trung Quốc đang đạt được ảnh hưởng ở châu Phi. Trong khi các hãng tin tuyên bố báo chí hoạt động độc lập, những người trong ngành lại kể câu chuyện khác.

Một cuộc phỏng vấn? Hoặc có lẽ chỉ là một cuộc thảo luận hậu trường? "Chúng tôi không có hứng thú nói chuyện với bạn," Liao Liang viết trong email từ chối gặp gỡ một tờ báo của Đức. Và "cảm ơn bạn đã hiểu, nhưng một chuyến viếng thăm đài truyền hình của tôi ở Nairobi cũng là không thể", anh viết. Sự từ chối quá hoàn chỉnh, như thể anh đang bảo vệ bí mật quốc gia.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của Liao Liang ở thủ đô Kenya hầu như không được bảo mật. Là một biên tập viên cao cấp của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), công ty con của truyền hình nhà nước Trung Quốc, nhiệm vụ của anh là làm nổi bật những hoạt động đầy tham vọng của đất nước mình - đặc biệt là những người ở châu Phi, nơi danh tiếng của Trung Quốc xấu đi cùng sự phát triển ngày một tăng.

Ảnh chụp màn hình các nhà báo cùng phát thanh viên CGTN.

Ảnh chụp màn hình các nhà báo cùng phát thanh viên CGTN.

Các đài truyền hình chiếm ba tầng trong Trung tâm K-Rep, một tòa nhà cao tầng bằng kính trong khu phố cao cấp của Kilimani. Kiểm tra an ninh đầu tiên ở ngay tại lối vào tòa nhà, bao gồm khám người và câu hỏi từ nhân viên lễ tân.

Liao Liang là nhân vật hàng đầu tại đài truyền hình. Anh được cho từng là sĩ quan quân đội, ngoài ra có rất ít thông tin khác về anh. CGTN tuyển dụng khoảng 150 người, bao gồm các nhà báo từ Trung Quốc, Nam Phi, Anh, Nigeria và Kenya.

Ngay cả khi được hứa giấu tên, ban đầu không ai đồng ý nói chuyện với Der Spiegel. "Họ sợ Liao", một nhân viên sau đó nói.

"Hãy kể câu chuyện hay về Trung Quốc", Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ thị ba năm trước khi ông đến thăm trụ sở của đài truyền hình ở Bắc Kinh. Các nhà báo CGTN không chỉ có nhiệm vụ xua tan những chỉ trích về sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Phi mà còn phá vỡ sự thống trị truyền thông của phương Tây.

Hình thức mới của chủ nghĩa thực dân

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển thành đối tác kinh tế mạnh nhất của châu Phi, với khối lượng thương mại hàng năm hơn 200 tỷ USD, tổng cộng cao hơn nhiều so với thương mại của châu Phi với Mỹ hoặc với các cường quốc thuộc địa cũ như Pháp và Anh.

Chỗ đứng của Trung Quốc trong khu vực vượt xa hàng hóa và dịch vụ. Hai năm trước, nước này đã thành lập một căn cứ hải quân ở quốc gia Djibouti tại Đông Phi. Người ta cho rằng hơn một triệu người Trung Quốc đang định cư tại châu Phi.

Ở nhiều quốc gia, họ được coi là những người chinh phục, những người không chỉ quan tâm đến tài nguyên thiên nhiên và thị trường mới, mà còn định cư lâu dài ở đó.

Trẻ em Liberia cầm cờ Trung Quốc trước sự xuất hiện của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Monrovia, ngày 1/2/2007. Ảnh: Reuters.

Theo một cuộc khảo sát, phần lớn người dân châu Phi hoan nghênh sự can dự của Trung Quốc nhưng các nhà phê bình, chẳng hạn tác giả người Senegal Adama Gaye, đã cảnh báo về một hình thức mới của chủ nghĩa thực dân.

Để đánh bóng hình ảnh của mình, Bắc Kinh đã chuyển sang các công cụ của quyền lực mềm. Trung Quốc đã hỗ trợ các sáng kiến ngoại giao và đóng góp khoảng 2.500 binh sĩ cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Congo, Nam Sudan và Mali.

Trung Quốc cũng đang giúp đỡ với những nỗ lực chống lại dịch Ebola. Thậm chí, họ còn tài trợ cho việc xây dựng trụ sở của Liên minh châu Phi tại Addis Ababa. Nước này cũng đã thành lập 49 Học viện Khổng Tử trên khắp lục địa, nơi quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

Trọng tâm của chính sách Hướng ngoại của Trung Quốc là cuộc tấn công truyền thông được đưa ra vào tháng 3/2018, một sáng kiến được điều phối bởi nhóm phát thanh Tiếng nói Trung Quốc và được kiểm duyệt cẩn thận.

Ngoài ra, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã được mở rộng và hiện tuyên bố là mạng tin tức lớn nhất thế giới.

Chiến dịch được thúc đẩy đặc biệt mạnh mẽ ở châu Phi, một phần của thế giới mà Trung Quốc tin rằng có một tương lai tươi sáng. Hàng năm, 1.000 nhà báo châu Phi tham gia các chương trình đào tạo tại Trung Quốc và các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các phương tiện truyền thông châu Phi.

Đài truyền hình StarTimes hiện phát sóng các dịch vụ trả tiền tại 30 quốc gia châu Phi và tuyên bố là kênh kỹ thuật số có ảnh hưởng nhất trên lục địa.

Thấy sự khác biệt

Đối với CGTN, các văn phòng tại Nairobi là một trong những công ty con lớn nhất bên ngoài Trung Quốc và là đài truyền hình duy nhất trên thế giới phát sóng bằng cả sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc. Nó có 79 triệu người theo dõi trên Facebook, gần bằng số lượng của BBCCNN cộng lại.

CGTN tuyên bố là độc lập. Trên các bảng quảng cáo ở Kenya, nó sử dụng khẩu hiệu tiếng Swords "mtazamo tofanti" hoặc "thấy sự khác biệt". Đài cũng khẳng định rằng nó vừa công khai, vừa minh bạch, nhưng trụ sở chính của nó cũng được bảo vệ cẩn thận như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh trước đây.

James M., một nhân viên của CGTN đồng ý nói chuyện với Der Spiegel, cho biết: "Đó là một hệ thống phân biệt chủng tộc, với người Trung Quốc ở trên đỉnh, sau đó là người da trắng, sau đó là người da đen và ở phía dưới cùng là người Kenya. Chúng tôi phải để người Trung Quốc đi trước trong phòng vệ sinh và chúng tôi chỉ được phép ăn trong nhà ăn sau 13h, sau khi họ ăn xong. Họ coi chúng tôi như những người thấp kém".

Một phụ nữ Sudan đi ngang qua lá cờ Trung Quốc dọc theo đường phố Khartoum, ngày 1/2/2007. Ảnh: AP.

James M. nói đôi khi anh chỉ nhận được một nửa số tiền lương 2.000 euro mỗi tháng của biên tập viên hợp đồng. Anh nói rằng anh bị phạt 2.000 shilling - khoảng 17 euro - cho mỗi lỗi trong các bài viết của mình, bao gồm cả lỗi chính tả.

Anh nhấn mạnh rằng cơ quan này không sản xuất báo chí độc lập mà tuyên truyền thuần túy theo lệnh của Bắc Kinh. Mục tiêu là đưa ra hình ảnh tốt đẹp nhất có thể về các hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi, bao gồm các công trường xây dựng đầy công nhân tươi cười và tin tức tích cực về các dự án lớn cũng như đóng góp viện trợ nhân đạo.

Chống lại tin tức tiêu cực

Ở một số công ty Trung Quốc tự thành lập ở Nairobi, bầu không khí thậm chí còn độc hại hơn ở CGTN. Năm ngoái, một đại lý xe máy Trung Quốc đã so sánh người Kenya với khỉ và bị một nhân viên ghi lại.

Câu chuyện đã xuất hiện trên trang nhất của New York Times và gây ra cơn bão phẫn nộ ở Kenya - một phần vì đây là ví dụ rõ ràng về những định kiến của nhiều người Trung Quốc đối với người châu Phi. Đại lý xe máy đã buộc phải rời khỏi đất nước.

Naftali Mwaura, phóng viên Kenya 40 tuổi làm việc cho hãng thông tấn Tân Hoa Xã, lại có quan điểm tốt. Ông tin rằng các phương tiện truyền thông địa phương đầu độc quan hệ với người Trung Quốc vì họ không hiểu văn hóa Trung Quốc và vẫn chịu ảnh hưởng của thái độ đối với thực dân Anh.

Mwaura nói rằng sự tham gia của Trung Quốc vào châu Phi là một kịch bản cùng có lợi giúp đưa lục địa tiến lên. Mwaura khẳng định anh có thể viết về bất cứ điều gì anh muốn nhưng phải đảm bảo đúng định hướng.

Rút cuộc, "chúng tôi đang làm việc thay mặt cho lợi ích địa chính trị của nhà nước Trung Quốc", anh nói.

Tuyết Mai
Theo Der Spiegel

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tq-mo-rong-quyen-luc-mem-lan-san-truyen-thong-o-chau-phi-post964761.html