TQ dùng cùng 1 lí do để khơi dậy tranh chấp lãnh thổ với hàng loạt nước láng giềng

Báo Ấn Độ mới đây đã đăng tải một bài viết liệt kê các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, và số lượng này nhiều tới mức khó tin.

Cuộc đụng độ ở Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc chỉ là một phần trong số những tranh chấp biên giới mà Trung Quốc có với các quốc gia láng giềng. Theo Zee News (Ấn Độ), Trung Quốc có mâu thuẫn biên giới với ít nhất 12 quốc gia, trong số đó lý do "lịch sử" đôi lúc được Bắc Kinh sử dụng để làm cơ sở đòi hỏi chủ quyền với các vùng đất tranh chấp. Chi tiết như bên dưới đây:

1. Tranh chấp biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Theo tuyên bố từ phía Ấn Độ, Trung Quốc đã chiếm bất hợp pháp 38.000 km2 đất của vùng Aksai Chin thuộc Ấn Độ. Ở miền Đông, Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền đối với 90.000 km2 lãnh thổ Ấn Độ thuộc bang Arunachal Pradesh. Bắc Kinh còn đòi quyền lãnh thổ đối với gần 2.450 km2 khác của Ấn Độ.

Đêm ngày 15/6 vừa qua, ít nhất 20 lính Ấn Độ đã tử vong sau cuộc đụng độ chết người với binh sĩ Trung Quốc vì vấn đề biên giới. Đây là lần đầu tiên sau 40 năm tranh chấp ở vùng biên giới hai phía Trung - Ấn có thiệt mạng về người. Trước đó, theo các nguồn tin, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vẫn luôn có những xô xát bằng tay không, gậy hoặc ném đá lẫn nhau.

2. Tranh chấp biên giới Nepal - Trung Quốc

Trung Quốc đã bị cáo buộc vì chiếm đất của Nepal. Ba thành viên của Quốc hội Nepal đã yêu cầu chính quyền của Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli đòi lại các vùng lãnh thổ hợp pháp của Nepal hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ.

Các đại biểu Quốc hội Nepal cáo buộc Trung Quốc đã chiếm 64 héc-ta đất thuộc các quận Dolakha, Humla, Sindhupalchowk, Sankhuwasabha, Gorkha và Rasuwa của Nepal.

Ngoài ra, một số cột mốc biên giới trên dọc 1414,88 km đường biên giới giữa Nepal và Trung Quốc đã "biến mất" trong khi một số cột mốc khác bị đưa lùi sâu vào biên giới của Nepal.

Đầu tháng 5/2020, một kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc còn viết trên Twitter tuyên bố Đỉnh Everest là một phần của Trung Quốc chứ không phải của Nepal. Thông điệp này đã khiến người dân Nepal giận dữ và dòng tweet nói trên đã bị xóa bỏ. Trung Quốc hiện đang đòi hỏi các vùng đất của Nepal dựa trên bối cảnh cuộc chiến Trung Quốc-Nepal hồi năm 1788-1792, cho rằng chúng là một phần của Tây Tạng, và vì vậy đó là "đất của Trung Quốc".

3. Tranh chấp biên giới Trung Quốc - Bhutan

Tháng 7/2017, quan chức cấp cao của Bhutan đã lên tiếng phản đối hành vi chiếm đất của Trung Quốc ở khu vực biên giới và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quy trình về giải quyết tranh chấp biên giới mà nước này đã đồng ý với Bhutan.

Trong khoảng thời gian gần đây khi Bhutan gửi công hàm phản đối những yêu sách của Trung Quốc đối với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng ở Đông Bhutan, Bắc Kinh lại tiếp tục "tấn công", đưa luôn vùng Đông Bhutan vào danh sách các khu tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia.

"Khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan chưa bao giờ được phân định. Đã có nhiều tranh chấp quanh vùng miền đông, vùng trung tâm và vùng phía tây trong một thời gian dài," Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MFA) thông báo cho truyền thông nước này tại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo như các văn bản đã có, không hề có văn bản nào nhắc tới Đông Bhutan - hay quận Trashigang Dzongkhag (nơi có khu bảo tồn Sakteng) - trong 24 phiên đàm phán về biên giới giữa hai quốc gia được tổ chức từ năm 1984 tới năm 2016. Hoạt động đàm phán đã tạm dừng từ sau khi có cuộc đụng độ ở Doklam giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc hồi năm 2017.

Kể từ đó, lính biên giới Trung Quốc tiếp tục có những động thái tương tự khi ngăn cản những người dân chăn nuôi gia súc tới các đồng cỏ ở sâu trong lãnh thổ của Bhutan.

4. Tranh chấp trên biển với Nhật Bản

Trung Quốc và Nhật Bản đã có mâu thuẫn đối với các hòn đảo không người ở thuộc vùng biển Hoa Nam. Nhật Bản gọi đây là quần đảo Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo Zee news, Nhật Bản kiểm soát các hòn đảo này từ những năm 1890, tuy nhiên khi có bằng chứng về sự hiện diện của các mỏ dầu ở đây từ những năm 1970, Trung Quốc đã lên tiếng đòi chủ quyền đối với các vùng đảo này.

Mặc dù Nhật Bản và Mỹ đã phủ nhận đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn "thành công" trong việc biến đảo Senkaku-Điếu Ngư trở thành "vùng lãnh thổ tranh chấp".

5. Đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ Mông Cổ

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Mông Cổ dựa trên tiền lệ lịch sử (từ thời nhà Nguyên) trong khi trên thực tế, nhiều vùng lãnh thổ Trung Quốc bị Mông Cổ chiếm dưới thời Thành Cát Tư Hãn.

6. Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông

Vùng biển Đông là khu vực thể hiện rõ nhất những động thái phi pháp của Trung Quốc đối với lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam.

Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Việt Nam khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo đó, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 của Công ước; các nhóm đảo tại biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.

Bên cạnh đó, một số vùng ở biển Đông cũng là nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc. Philippines đã đưa vụ tranh chấp trên biển với Trung Quốc đưa lên Tòa án Công lý Quốc tế và thắng kiện. Tuy nhiên, Trung Quốc không tuân thủ theo phán quyết của tòa.

Theo Thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài, chiều 12/7/2016, Phán quyết của Hội đồng Trọng tài đã chính thức được công bố. Nội dung của Phán quyết đã đề cập đầy đủ 7 nội dung mà Tòa Trọng tài đã lựa chọn thuộc thẩm quyền xét xử của mình trong số 15 điểm của đơn khởi kiện.

Theo đó, tòa bác bỏ "quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn; khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biên xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS 1982".

7. Tranh chấp biên giới với Triều Tiên

Vùng núi Baekdu và Jiandao là điểm chính trong tranh chấp giữa hai quốc gia. Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ của Triều Tiên dựa trên cơ sở yếu tố lịch sử (phát sinh từ thời nhà Nguyên, Trung Quốc, giai đoạn năm 1271-1368).

8. Tranh chấp biên giới với Nga

Mặc dù hai nước đã kí kết nhiều hiệp định, nhưng Trung Quốc đã đơn phương đòi hỏi 160.000 km2 lãnh thổ Nga. Theo một số nguồn tin, Nga ngày càng lo ngại về sự xâm lấn của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng thưa thớt dân cư sinh sống.

9. Tranh chấp trên biển với Hàn Quốc

Trung Quốc có một số tranh chấp với Hàn Quốc ở biển Hoa Đông dựa trên cơ sở yếu tố lịch sử (phát sinh từ thời nhà Nguyên).

10. Đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Lào

Trung Quốc có tranh chấp và đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đối với một số khu vực lớn của Lào dựa trên cơ sở tiền lệ lịch sử (phát sinh từ thời nhà Nguyên).

11. Tranh chấp với Tajikistan

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với một số lãnh thổ của Tajikistan dựa trên cơ sở tiền lệ lịch sử (từ thời nhà Thanh, năm 1644-1912).

12. Đòi hỏi chủ quyền một số lãnh thổ của Campuchia

Trung Quốc đòi hỏi một phần lãnh thổ Campuchia dựa trên tiền lệ lịch sử (từ thời nhà Minh, năm 1368-1644).

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tq-dung-cung-1-li-do-de-khoi-day-tranh-chap-lanh-tho-voi-hang-loat-nuoc-lang-gieng-8202077192146590.htm