TQ cài thiết bị giám sát gần căn cứ tàu ngầm, Mỹ 'không có gì để nói'?

Trung Quốc đã lắp đặt thành công thiết bị giám sát dưới biển và chỉ nằm cách căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ khoảng 300 km. Phía Mỹ lại khẳng định 'không có gì để nói' về vấn đề này.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các thiết bị giám sát do Trung Quốc lắp đặt sử dụng cảm biến công nghệ cao để giám sát môi trường dưới biển. Những thiết bị này được kết nối với Mạng lưới Đại dương Canada (ONC). Đây vốn là hệ thống giám sát đại dương hoạt động từ Bắc Thái Bình Dương đến Bắc Băng Dương.

ONC được Đại học Victoria thuộc tỉnh British Columbia của Canada điều hành. Song 4 thiết bị giám sát mới lại do Viện Khoa học và Kỹ thuật Biển sâu Tam Á thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc quản lý.

Căn cứ hải quân Kitsap của Mỹ.

Hôm 27/6, các thiết bị của Trung Quốc đã được tàu ngầm của lực lượng tuần duyên Canada lắp đặt thành công ở eo biển Juan de Fuca. Toàn bộ 4 thiết bị đã có thể hoạt động hết công suất để cung cấp cho các viện nghiên cứu Trung Quốc dữ liệu theo thời gian thực.

Dù xác nhận các thiết bị do Trung Quốc sản xuất đã được kết nối vào mạng lưới, song ONC từ chối tiết lộ thêm thông tin về phương thức hoạt động cũng như mục đích sử dụng của 4 thiết bị Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Canada cũng từ chối đưa ra lời bình luận về thông tin trên.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “không có gì để nói” về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo SCMP, các thiết bị mới sẽ giúp giới khoa học hàng hải Trung Quốc tìm hiểu thêm về môi trường của tuyến đường biển chiến lược gần nước Mỹ. Ngoài ra, các thiết bị này còn giúp Trung Quốc tìm hiểu sâu hơn về cấu tạo và hoạt động của một trong những mạng lưới giám sát dưới biển lớn và hiện đại nhất thế giới.

Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy, quân đội Trung Quốc có liên quan đến dự án lắp đặt 4 thiết bị giám sát dưới biển cũng như không rõ liệu các thiết bị này có thể được dùng để theo dõi hoạt động của các tàu ngầm và nhiều loại tàu khác hay không.

Theo thông tin được CBC News công bố hồi năm ngoái, ONC dù chỉ là một cơ sở nghiên cứu khoa học nhưng lại có một hợp đồng quốc phòng nhằm giúp quân đội Canada theo dõi hoạt động ở vùng biển Bắc Băng Dương bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Một số trang web nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc nhận định, vị trí lắp đặt các thiết bị giám sát mới có thể là nền tảng để Trung Quốc tự xây dựng một mạng lưới giám sát trong khu vực.

Eo biển Juan de Fuca là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Cách eo biển Juan de Fuca khoảng 300 km về phía nam và không xa thành phố Seattle là nơi hoạt động của một trong hai cơ sở hạt nhân chiến lược của Mỹ chính là căn cứ hải quân Kitsap. Căn cứ Kitsap còn là nhà chứa tàu ngầm hạt nhân và là cảng duy nhất có khả năng tiếp nhận tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz.

Ông Chen Hongqiao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Canada thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế Quảng Đông nhận định, việc Canada giúp Trung Quốc lắp đặt các thiết bị giám sát mới được xem là vấn đề nhạy cảm.

“Các mạng lưới giám sát dưới lòng biển sâu thường mang tính nhạy cảm vì nó liên quan tới an ninh quốc gia. Nhiều nước không cho phép nước thứ 3 can dự vào hoạt động này, trừ khi các bên có được sự tin tưởng ở mức độ rất cao”, ông Chen chia sẻ.

Trước đó, vào năm 2013, Trung Quốc và Canada đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giám sát hàng hải, theo Cục Hải dương Trung Quốc. Song cho tới nay, chưa có dự án nào giữa hai bên được tiến hành.

Điều đáng nói, việc Canada giúp Trung Quốc lắp đặt các thiết bị giám sát diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Mỹ quyết định tăng mức thuế áp lên các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Canada. Ottawa đã gọi khoản thuế này là "không thể chấp nhận được". Canada cũng đã có động thái đáp trả khi áp thuế lên 12,8 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tq-cai-thiet-bi-giam-sat-gan-can-cu-tau-ngam-my-khong-co-gi-de-noi-post279550.info