TQ bất ngờ điều 'sát thủ diệt hạm' DF-26 vì tàu chiến Mỹ tiến vào Biển Đông?

Hành động quân đội Trung Quốc điều động các tên lửa đạn đạo 'sát thủ diệt hạm' DF-26 tới vùng cao nguyên xa xôi phía tây bắc được cho là chỉ nhằm chuẩn bị cho công tác huấn luyện của lực lượng tên lửa quốc gia.

Hôm 10/1, kênh truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 đã được triển khai huấn luyện ở vùng cao nguyên phía tây bắc và trên các sa mạc của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 của quân đội Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 của quân đội Trung Quốc.

DF-26 có thể mang theo cả đầu đạn thường hoặc hạt nhân. Tầm bắn của DF-26 là 4.000 km. Tên lửa Trung Quốc được cho có thể tấn công cả tàu cỡ trung cho tới cỡ lớn.

Tuy nhiên, hôm 11/1, tờ Thời báo Hoàn Cầu lại cho rằng việc Trung Quốc điều động các tên lửa DF-26 là hành động đáp trả sau khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của hải quân Mỹ xuất hiện gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông hôm 7/1.

Trước đó, Reuters dẫn tuyên bố từ phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel McMarr nhấn mạnh, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell đã tiến hành hoạt động “tuần tra đảm bảo tự do hàng hải” và xuất hiện gần quần đảo Hoàng Sa “nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý”.

Bà McMarr cũng khẳng định, hoạt động của tàu USS McCampbell không nhắm vào cụ thể một quốc gia nào cũng như không mang tính chính trị. Trong khi đó, Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông Song Zhongping, nhà bình luận quân sự tại Hong Kong nhận định Trung Quốc sẽ không cần huy động một tên lửa tầm xa như DF-26 nếu muốn có hành động đáp trả sau vụ “xâm nhập” của tàu chiến Mỹ.

“Bạn không cần phải dùng tới con dao mổ bò chỉ để giết một con gà nhãi nhép. DF-26 chỉ được dùng để phô trương sức mạnh trước những mối đe dọa và khiêu khích lớn”, ông Song nói.

Cũng theo ông Song, Trung Quốc đã triển khai (trái phép) các tên lửa chống hạm ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Đây chính là lực lượng vũ khí được Trung Quốc sử dụng trong các vụ xung đột tiềm tàng.

“Các tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông đều đang nằm trong tầm ngắm của lực lượng vũ khí mà Trung Quốc đã triển khai”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Song.

Do đó, hoạt động điều động các tên lửa DF-26 được xem là nhằm tăng cường huấn luyện cho lực lượng tên lửa Trung Quốc.

Trong khi đó, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã cho xây dựng các thao trường và trường bắn quy mô rộng lớn trên các vùng cao nguyên và sa mạc ở phía tây bắc.

Những trường bắn này được trang bị cơ sở giám sát và thiết bị phá sóng điện tử nhằm mô phỏng một chiến trận thực. Đặc biệt những trường bắn này nằm ngoài phạm vi theo dõi của các radar như Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đã triển khai tới Hàn Quốc.

Trong bản tin ngày 10/1, CCTV còn đưa hình ảnh 7 chiếc xe tải quân sự chở theo các tên lửa DF-26 di chuyển trên những con đường có địa hình gồ ghề và đụn cát nhưng không nói rõ thời gian triển khai các tên lửa này.

“Trong vài năm qua, chúng tôi đã triển khai huấn luyện và tập trận ở nhiều khu vực từ khu bờ biển phía đông cho tới đông bắc và cả sa mạc phía tây bắc. Sứ mệnh đặc biệt của chúng tôi là tiêu diệt đối phương chỉ trong một đợt tấn công ở khoảng cách xa hàng ngàn kilomet”, Tướng Yao Wenshan cho hay.

Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã đưa “sát thủ diệt hạm” DF-26 vào biên chế hồi tháng 4/2018. Trong các cuộc diễu binh ở Bắc Kinh và ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc cũng đã cho ra mắt tên lửa DF-26. Theo giới chuyên gia quân đội Trung Quốc, DF-26 có khả năng tấn công căn cứ của hải quân Mỹ ở Guam. Tầm bắn của tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn này là 4.500 km.

Trung Quốc còn có một tên lửa đạn đạo diệt hạm khác là DF-21D. Trong đó, DF-21D được xem có khả năng tấn công tàu sân bay và tầm bắn là 1.450 km.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tq-bat-ngo-dieu-sat-thu-diet-ham-df26-vi-tau-chien-my-tien-vao-bien-dong-post287584.info