TPNW có cấm được vũ khí hạt nhân?

Hôm 22-1, Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) chính thức có hiệu lực dù các cường quốc hạt nhân đến nay vẫn không tham gia.

Biểu tình phản đối vũ khí hạt nhân. Ảnh: ICAN

Biểu tình phản đối vũ khí hạt nhân. Ảnh: ICAN

Năm 2017, TPNW được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua với sự ủng hộ của 123 quốc gia thành viên. Đến tháng 10 năm ngoái, Liên Hiệp Quốc cho biết TPNW đã hội đủ điều kiện cần thiết để được kích hoạt sau 90 ngày (tức ngày 22-1-2021) khi Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn văn kiện lịch sử này. Đây là hiệp ước đa phương đầu tiên về giải trừ vũ khí hạt nhân mà nhân loại đạt được trong hai thập kỷ qua. Theo đó, TPNW cấm các quốc gia phát triển, thử nghiệm, sở hữu, bố trí hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ tình huống nào.

Nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ phong trào chống vũ khí hạt nhân hy vọng TPNW sẽ có ảnh hưởng tương tự các hiệp ước quốc tế trước đây liên quan tới lệnh cấm sử dụng bom mìn, đạn chùm...; từ đó khuyến khích các quốc gia không sử dụng hoặc tàng trữ vũ khí mang tính hủy diệt trong bối cảnh nỗ lực kiểm soát hạt nhân đang xói mòn trên toàn cầu. Trong đó phải kể đến Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết giữa Liên Xô và Mỹ bị “khai tử” hồi năm 2019, còn số phận Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) duy nhất tồn tại giữa hai cường quốc hạt nhân cũng chưa thể định đoạt.

Dù vậy, nhiều người lo ngại TPNW mang tính biểu tượng bởi nó chỉ có giá trị ràng buộc pháp lý đối với những quốc gia đã chính thức ký và phê chuẩn. Hiện cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thời là những cường quốc hạt nhân (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ) đều không tham gia TPNW. Ngay đến Nhật Bản - quốc gia duy nhất trên thế giới từng hứng chịu bom nguyên tử - cũng không ký kết TPNW. Lập luận được các bên đưa ra là hiệp ước nói trên không đề cập tới những vấn đề cần giải quyết trước tiên để đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân bền vững trên toàn cầu. Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng TPNW đã bỏ qua thực tế an ninh trên thế giới. Và đây sẽ là một “lựa chọn nguy hiểm” khi NATO tuân thủ nhưng không có biện pháp đảm bảo những quốc gia khác sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga, Trung Quốc hay CHDCND Triều Tiên cũng có động thái tương tự.

Trong diễn biến khác, thông báo từ Nhà Trắng xác nhận tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách gia hạn hiệp ước New START với Nga thêm 5 năm khi văn kiện này hết hạn vào đầu tháng 2. Tại cuộc họp báo hôm 21-1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden từ lâu đã nói rõ New START đem lại lợi ích an ninh quốc gia cho Mỹ. “Việc gia hạn càng có ý nghĩa hơn khi quan hệ Mỹ - Nga đang mang tính đối kháng như hiện nay”, bà Psaki nói thêm. Tuyên bố của Lầu Năm Góc sau đó cũng nhấn mạnh người Mỹ “an toàn hơn” khi hiệp ước còn nguyên vẹn và được gia hạn. Đáp lại, Điện Kremlin cho biết Nga vẫn duy trì cam kết mở rộng New START và hoan nghênh những nỗ lực mà chính quyền Biden đã hứa để đạt được thỏa thuận.

Ðược ký năm 2010, New START là hiệp ước chiến lược cuối cùng về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai siêu cường quân sự, quy định mỗi bên được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược các loại trên 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc oanh tạc cơ.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington chần chừ gia hạn hiệp ước vì cho rằng Mát-xcơ-va không tuân thủ các điều khoản.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tpnw-co-cam-duoc-vu-khi-hat-nhan-a129658.html