TPHCM xây nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng: Quyết định có vội vàng?

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa IX (kỳ họp bất thường) các đại biểu đã thông qua dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng mức đầu tư hơn1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Quyết định này thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nổi bật nhất là liệu có nên xây nhà hát này?

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) nơi vừa được chọn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) nơi vừa được chọn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch

2 - 3 cây cầu tốt hơn một nhà hát

Kỹ sư Vũ Hải, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển TPHCM nêu ý kiến: Muốn TPHCM phát triển thì chắc chắn Thủ Thiêm - nơi chọn để xây dựng nhà hát, cũng phải phát triển theo. Quyết định thông qua xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng ở khu Thủ Thiêm giống như “Cầm đèn chạy trước ô tô” bởi thực tế ở đây chưa phát triển nhiều, đồng thời nhu cầu người dân thành phố về lĩnh vực này chưa cao, việc di chuyển đến Thủ Thiêm nghe hát, nhạc hơi xa… Vì thế, xây dựng công trình này sẽ gây lãng phí lớn.

Với quy mô phát triển như hiện nay, nhà hát thành phố hiện hữu là hơi nhỏ, song phải tính đến nhu cầu thực tế của người dân, rồi mới đến chuyện đầu tư kinh phí cho dự án mới. “Bản vẽ dự án nhà hát chưa có, thiết kế cũng chưa và thật sự là cũng chưa biết theo mô hình cụ thể nào, thế nhưng thành phố đã quyết dùng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng để xây dựng thì quả là vội vàng. Ấn định một khoản kinh phí lớn để xây dựng mà chưa có thông tin gì thì làm sao công trình đó là hiệu quả được?”, kỹ sư Vũ Hải nói.

“Thiết nghĩ, việc xây dựng nhà hát không phải là yếu tố quan trọng giúp phát triển Thủ Thiêm bằng việc dùng ngân sách đó để đầu tư vào hạ tầng. Số tiền hơn 1.500 tỷ đồng có thể xây được 2 - 3 cây cầu. Việc xây cầu sẽ giúp kích thích Thủ Thiêm phát triển hơn xây nhà hát nhiều”, kỹ sư Hải nêu đề xuất.

PGS. TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM không hào hứng với quyết định này. “Thứ nhất, tình hình xã hội của Khu đô thị Thủ Thiêm chưa ổn đinh sau khi Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra rất nhiều sai phạm. Để tạo trạng thái ổn định xã hội trong khu đô thị này chắc còn phải cần thêm một thời gian không hề ngắn. Dân cư đô thị Thủ Thiêm hiện chưa “thái bình” vậy giờ đầu tư xây khu vui chơi, ai sẽ sử dụng? Thứ hai, Thủ Thiêm chưa phải là khu đô thị sầm uất với nền kinh tế cho phép người dân có thu nhập cao mà sử dụng nhà hát này.

Hiện xung quanh Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn là vùng nông thôn. Thứ ba, Thủ Thiêm vẫn chưa xứng đáng với tên gọi là một đô thị phát triển cả về kinh tế và văn hóa, du lịch… việc này phải cần thời gian dài. Thứ tư, nhu cầu thực tiễn về giải trí cho người dân của Khu đô thị Thủ Thiêm ở đây hiện chưa cao, mà người dân ở các quận nội thành qua Thủ Thiêm sử dụng dịch vụ thì chưa thuận tiện về giao thông nên sẽ hạn chế đến đây. Thứ năm, thể loại nhạc thính phòng mà nhà hát tính xây dựng chưa phải là nhu cầu phổ thông cho đại đa số người dân trong thành phố thưởng thức. Và hiện chỉ một số ít khách du lịch có trình độ cao mới thưởng thức được loại hình này. Vì thế việc xây dựng nhà hát đồ sộ này không phù hợp giữa CUNG và CẦU”.

Quy hoạch chưa đủ tầm?

KTS, Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty Tư vấn Thiết kế Ngô Viết, người có nhiều công trình gắn bó với thành phố đồng tình với việc xây dựng nhà hát. Ông cho rằng, TPHCM chưa có nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đúng tiêu chuẩn, nên xây dựng là cần thiết. Tuy nhiên, ông Sơn băn khoăn liệu các đại biểu HĐND thành phố trước khi biểu quyết thông qua quyết định xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm đã cân nhắc thấu đáo chưa? Ông Sơn lo lắng: “Tại kỳ họp bất thường, các đại biểu HĐND trước khi quyết định phải được tư vấn đúng. Tôi không biết là họ có được cung cấp thông tin đầy đủ để quyết định hay không?”.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhận định việc đề xuất xây dựng này quá vội vàng, chưa có kế hoạch tốt. “Nhà hát 1.700 chỗ trên một miếng đất nhỏ, theo tôi, là quy hoạch chưa đúng tầm với khu trung tâm đô thị mới của TPHCM. Thực tế, nếu làm, phải dành khu vực có diện tích từ 2 - 3 ha trở lên, tạo thành khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời, có đủ các bộ môn nghệ thuật, và nên quy hoạch tại vị trí cảnh quan đẹp, như ven sông hồ để làm điểm nhấn đô thị”, ông Sơn nêu quan điểm.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, không chỉ có giao hưởng, nhạc kịch mà các bộ môn khác như cải lương, chèo, hát bội... ở TPHCM vẫn chưa có không gian để sinh hoạt. Do đó, cần cân nhắc lại quy hoạch để có quần thể nhà hát đa năng. Đã xây dựng thì phải xứng tầm với TPHCM. Nếu chưa có tiền thì quy hoạch để đó xây dựng dần, chứ không nên vội vàng. Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng nhà hát mới chưa phải là ưu tiên hàng đầu…

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tphcm-xay-nha-hat-hon-1500-ty-dong-quyet-dinh-co-voi-vang-3957135-b.html