TPHCM xây Nhà hát Giao hưởng 1.500 tỉ: Nên dừng lại và lắng nghe dân

Hội đồng nhân dân TPHCM vừa thông qua dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng. Nếu dự án chưa tạo được sự đồng thuận trong dân thì chính quyền TPHCM nên dừng lại để lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của dân.

Nhà hát lớn thành phố hiện đang là một trong những nhà hát đẳng cấp của quốc gia.

Dân chưa thấy cần và cấp bách xây nhà hát 1.500 tỉ

Dự án Nhà hát 1500 tỉ đồng sẽ xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM.

Dự án Nhà hát giao hưởng gồm 2 khán phòng, trong đó khán phòng lớn có sức chứa 1.500 chỗ ngồi và khán phòng nhỏ với sức chứa 500 chỗ ngồi. Tổng kinh phí xây dựng dự kiến là 1.500 tỉ đồng.

Ngay sau khi dự án được HĐND TPHCM thông qua, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có không ít người phản đối dự án.

Chị Trần Tiểu Nhiên (phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng, với tư cách là một công dân TPHCM, chị nghĩ rằng thành phố nên ưu tiên những công trình thiết thực cho dân trước.

“Bệnh viện quá tài, đường xá thì ngập nước và kẹt xe liên tục, ngay cả trường học cho con em cũng chưa đủ, thì việc xây nhà hát to đẹp cũng không có ý nghĩa gì", chị Nhiên nói.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với PV Báo Lao Động.

Dự án chưa tạo được sự đồng thuận trong dân thì nên dừng

Sáng 10.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Quốc tế Việt Nam học cho rằng, nếu dự án xây nhà hát 1.500 tỉ được HĐND TPHCM thông qua mà vấp phải sự không đồng tình của nhiều người dân thì chính quyền thành phố nên dừng lại.

Ông Hùng phân tích, khi có nhiều ý kiến phản đối thì rõ ràng dự án chưa tạo được đồng thuận cao trong nhân dân. "Lúc này, chính quyền TPHCM nên dừng lại để lắng nghe và tìm hiểu vì sao người dân chưa đồng thuận".

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch băn khoăn, liệu quyết định từ HĐND đưa ra là có vội vàng.

"Thành phố đang thiếu hụt ngân sách thì việc dùng 1.500 tỉ đầu tư vào nhà hát là vấn đề thận trọng. Trong danh sách các công trình ưu tiên xây dựng, nhà hát này có thật sự xứng đáng ở vị trí dẫn đầu không?", ông Sơn đặt vấn đề.

NSƯT Kim Tử Long trao đổi với PV báo Lao Động.

NSƯT Kim Tử Long phân tích, hiện tại TPHCM có 4 nhà hát là Trần Hữu Trang, Hòa Bình, Bến Thành và Nhà hát lớn. Trong đó có Nhà hát lớn đạt đến mức đẳng cấp quốc tế với hệ thống âm thanh, ánh sáng đủ sức tổ chức các hoạt động nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế.

"Tuy nhiên, trên thực tế, Nhà hát lớn TP vẫn chưa sử dụng hết công năng và chưa sáng đèn hằng đêm do giá thuê quá cao so với năng lực tài chính của những đoàn biểu diễn", NSUT Kim Tử Long nói.

Đồng tình với quan điểm của NSƯT Kim Tử Long, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Nhà hát lớn TP được xây vào thời Pháp thuộc nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị văn hóa và lịch sử.

“Việc chính quyền TPHCM đề xuất xây dựng một Nhà hát giao hưởng mới mang tầm quốc tế thì có thể xem đấy là một giấc mơ lớn. Tuy nhiên, giấc mơ đấy phải có tính thuyết phục và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.”, ông Hùng nói.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-xay-nha-hat-giao-huong-1500-ti-nen-dung-lai-va-lang-nghe-dan-635270.ldo