TPHCM xây dựng chuỗi thực phẩm sạch

Là TP đông dân cư với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn, TPHCM đang nỗ lực hết mình để có nguồn thực phẩm an toàn cho người dân.

Mạnh tay với thực phẩm bẩn

Đơn vị đầu tiên cần được nhắc đến trong việc kiểm soát nguồn thực phẩm cho TP hiện nay chính là Ban quản lý an toàn thực phẩm TP (ATTP). Chỉ mới được thành lập hơn 1 năm, nhưng Ban quản lý ATTP đã thu được những kết quả rất tích cực.

Theo chia sẻ của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý, 2 công việc song song được thực hiện của đơn vị chính là chống thực phẩm bẩn và xây thực phẩm sạch. Về chống thực phẩm bẩn, tính đến cuối tháng 2 vừa qua (sau gần 1 năm hoạt động) Ban quản lý ATTP đã thực hiện kiểm tra ATTP đối với 967 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 18%), ban hành 119 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng; đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến 800 triệu đồng (chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận, huyện).

Ngoài ra, các đội quản lý ATTP phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền 44,5 triệu đồng.

Lĩnh vực ATTP liên quan đến tất cả mọi người trong xã hội, đến tất cả các ngành. Vì thế, ATTP không phải vấn để của riêng cơ quan quản lý, mà của chung toàn xã hội. Theo đó, toàn xã hội cần chung tay để xây dựng nguồn thực phẩm an toàn.

Ông TRẦN VĨNH TUYẾN,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Về công tác phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, tính đến nay đã có nhiều biên bản ký kết, phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa Ban quản lý ATTP TP, với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn các tỉnh Long An, Lâm Đồng và Bình Thuận. Mục tiêu của các biên bản ký kết này nhằm kiểm soát và truy suất nguồn gốc thực phẩm đưa vào TP.

Bởi hiện nay sản xuất nông nghiệp của TP mới đáp ứng 20-30%, nhu cầu còn lại phải nhập từ các tỉnh. Hiện Ban quản lý đề án chuỗi đã cấp 174 giấy chứng nhận cho 79 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thuộc địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận.

Một đơn vị khác không thể không nhắc đến trong việc đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho TP là Sở Công Thương. Đây là đơn vị chủ trì đề án truy suất nguồn gốc thực phẩm từ thịt heo, thịt gia cầm đến trứng và xây dựng chợ ATTP. Thực tế, những ngày đầu thực hiện việc truy suất nguồn gốc thịt heo, Sở Công Thương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấp phải sự phản ứng gay gắt của các tiểu thương chợ đầu mối.

Nhưng nhờ sự kiên trì thực hiện, đến nay 100% thịt heo vào các chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đã được truy suất nguồn gốc. Tuy nhiên, theo quyết định của TP, các đề án quản lý, nhận diện, truy suất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm và dự án mô hình thí điểm đảm bảo ATTP sẽ chuyển giao qua Ban quản lý ATTP.

Tuyên truyền cho người dùng hiểu

Trong nỗ lực tìm nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, TPHCM luôn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc người tiêu dùng dù luôn mong muốn có hàng sạch, nhưng vẫn chưa chịu chi trả mức giá xứng đáng.

Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP, nhấn mạnh người tiêu dùng cần nhận thức rõ bản chất của vấn đề hơn. “Khi ta mong muốn có sản phẩm sạch, chất lượng cho bữa ăn hàng ngày, cũng phải chấp nhận trả cái giá xứng đáng. Bởi khi người nông dân làm đúng quy trình, canh tác an toàn sẽ đội thêm nhiều chi phí, thậm chí trong canh tác còn có những rủi ro nhất định” - ông Hiệp chia sẻ.

Thực tế, tại các chợ truyền thống nhiều quầy hàng bán hàng đạt tiêu chuẩn VietGap, hoặc hàng được giới thiệu nhà trồng (với số lượng ít), song phần đông người tiêu dùng không ngó tới do giá bán cao hơn các sản phẩm thông thường.

Khó khăn nữa đến từ chính các quy định, chế tài trong xử phạt các hành vi vi phạm ATTP. Điều này được bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh trong buổi tổng kết 1 năm thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP TP cách đây không lâu: “Trong quy định xử phạt đối với việc sử dụng hóa chất độc hại, cơ quan chức năng chỉ được phép xử phạt đối với các trường hợp sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều hóa chất nguy hiểm được sử dụng sai mục đích, liều lượng… ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng không thể phạt được. Ngoài ra vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… vẫn còn nhiều phức tạp, bất cập và mức phạt chưa đủ tính răn đe”.

Để có nguồn hàng thực phẩm sạch, vai trò của người nuôi trồng và các thương lái rất quan trọng. Tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành cuối năm ngoái, ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết việc rau quả Trung Quốc hóa phép thành hàng Đà Lạt: “Trước đây, khoai tây Trung Quốc được đưa về Đà Lạt trộn đất đỏ rồi giả xuất xứ Đà Lạt, khiến các cơ quan chức năng rất đau đầu, khó quản lý. Bây giờ, khoai tây Trung Quốc chở từ biên giới phía Bắc về Lâm Đồng, sang qua xe biển số Lâm Đồng rồi chở về các chợ đầu mối ở TPHCM, hợp thức hóa thành khoai tây Đà Lạt. Mặt hàng rau cũng vậy”.

Ông Hải cũng nêu một vài con số đáng lưu tâm, mỗi năm Lâm Đồng cung ứng ra thị trường khoảng 2 triệu tấn rau, 50% trong đó đưa về TPHCM tiêu thụ, nhưng chỉ khoảng 20% có truy xuất được nguồn gốc và đạt chứng nhận rau an toàn. Như vậy, 80% lượng rau đưa ra thị trường nói chung và đưa về TPHCM nói riêng là rau không truy suất được nguồn gốc, không đạt chứng nhận rau an toàn. Để ngăn chặn không còn cách nào khác là các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra và xử phạt thật mạnh tay làm gương cho những người khác.

Thái Hà

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/tphcm-xay-dung-chuoi-thuc-pham-sach-58293.html