TPHCM: Tòa án tự mâu thuẫn khi kết án 2 doanh nhân

Sau khi bị tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân TPHCM xử '3 năm tù nhưng cho hưởng án treo' về tội 'Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn', doanh nhân Vũ Văn Đảo đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã đăng tải, ngày 26/11/2018 Tòa án nhân dân TPHCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án chìm tàu PPC tại Cần Giờ làm 9 người chết xảy ra vào ngày 2/8/2013.

Tại phiên tòa này, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo Vũ Văn Đảo (hiện là Chủ tịch HĐQT Cty CP công nghệ Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Cty) đều 3 năm tù treo, 5 năm thử thách.

Các bị cáo Vũ Văn Đảo (bên phải ảnh) và Đinh Văn Quyết.

Các bị cáo Vũ Văn Đảo (bên phải ảnh) và Đinh Văn Quyết.

Trước khi tiến hành xét xử sơ thẩm ngày 26/11/2018, Tòa án nhân dân TPHCM đã 2 lần có quết định trả lại hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM trong năm 2015. Tại lần trả hồ sơ lần thứ nhất (ngày 27/4/2015), tòa yêu cầu: “Cần phải có kết luận giám định tàu ký hiệu BP 12-04-02 không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng”.

Đồng thời, tòa cũng xác định các nguyên nhân gây ra vụ lật tàu mà cáo trạng viện dẫn “không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra là do “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” như cáo trạng truy tố”.

Tiếp đó, tại quyết định trả hồ sơ lần 2 ngày 17/7/2015, Tòa án nhân dân TPHCM tiếp tục yêu cầu phải có kết luận giám định tàu BP 12-04-02 không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng. Tòa tiếp tục yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM “phải nêu rõ việc không công nhận kết quả của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ tư lệnh Hải Quân đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật vào ngày 16/7/2013; hai là vận dụng quy phạm pháp luật nào để kết luận “khi chưa được Cục Đăng kiểm VN cho phép đăng kiểm, rõ ràng là không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng”.

Tàu PPC bị lật tại vùng biển Cần Giờ đã được Đăng kiểm hải quân cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật vào ngày 16/7/2013.

Theo các luật sư quan tâm đến vụ án này, với những yêu cầu trên của Tòa án nhân dân TP HCM thì đây rõ ràng là bằng chứng cho thấy Cơ quan CSĐT, Viện Kiểm sát đã truy tố, buộc tội người vô tội.

Mặc dù tại Bản Kết luận đều tra bổ sung (số 372-25/KLĐTBS-PC01-DD3 ngày 30/8/2018) của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM và Cáo trạng (số 474/CT-VKS-P1A ngày 17.10.2014) của Viện KSND TPHCM, đều không chứng minh được tàu BP 12-04-02 không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng, không bác bỏ được Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đã cấp cho tàu BP 12-04-02 vào ngày 16/7/2013, không chỉ ra được “quy phạm pháp luật nào để kết luận “khi chưa được Cục Đăng kiểm VN cho phép đăng kiểm, rõ ràng là không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng”, HĐXX sơ thẩm Tòa án nhân dân TP HCM vẫn “tự mâu thuẫn” để xử ép các bị cáo có tội.(?!)

Để buộc tội được các bị cáo Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết, HĐXX sơ thẩm Tòa án nhân dân TPHCM nhận định: “Các bị cáo Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết đã có hành vi điều động tàu biên phòng là phương tiện giao thông đường thủy nộ địa, không có công dụng vận tải hành khách; rõ ràng không bảo đảm an toàn vào vận chuyển hành khách… vi phạm quy định của pháp luật tại các khoản 2, khoản 3 Điều 77 (Hoạt động vận tải đường thủy nội địa) Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004; gây ra vụ tai nạn giao thông mà hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng”.

Vụ án kéo dài năm năm qua đã can trở việc áp dụng công nghệvật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền tại VN.

Nhận định “ép tội” này của HĐXX rất khôi hài ở chỗ các bị cáo đang bị xét xử về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” (Điều 214) chứ không phải về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” (Điều 212)

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phân tích trong bài “Cơ quan tố tụng hiểu sai pháp luật, 2 doanh nhân bị kết án oan” ra ngày 27/11/2018, việc các ông Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết là các lãnh đạo doanh nghiệp đã có việc “điều động” nhân viên công ty, nhưng rõ ràng hành vi “điều động” nhân sự trong doanh nghiệp hoàn toàn khác với hành vi “điều động” theo trong quy định về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo Điều 214.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao HĐXX sơ thẩm Tòa án nhân dân TPHCM chấp nhận xét xử vụ án khi Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát không đáp ứng được những yêu cầu điều tra mà Tòa án nhân dân TPHCM đã yêu cầu khi trả lại hồ sơ vụ án?

Tại sao tòa lại chấp nhận khái niệm “điều động” đã bị đánh tráo của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM để buộc tội người không có tội?.

Đỗ Văn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/phap-luat/tphcm-toa-an-tu-mau-thuan-khi-ket-an-2-doanh-nhan/20181220103854515