TPHCM tổ chức hội thảo về đô thị thông minh

Ngày 24/7, Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ TPHCM tổ chức hội thảo 'TPHCM hướng đến đô thị thông minh - các giải pháp'.

Tham dự hội thảo có ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM; TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, HĐND TPHCM; ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM… và các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ. Số liệu kinh tế - xã hội cho thấy, năm 2019, TPHCM đóng góp đến 24% GDP, 27% tổng thu ngân sách quốc gia, năng suất lao động tăng 27 lần, cao gấp 2,7 lần mức bình quân của các nước. Năm 2019, có khoảng 85 triệu khách du lịch nước ngoài đến TPHCM mang về 8,7 tỷ USD.

Do ảnh hưởng của Covid-19, mức độ tăng trưởng của thành phố trên một số lĩnh vực còn khá khiêm tốn. Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ tăng 1,67%, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 1,88%, lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,11%... so với cùng kỳ. Chi ngân sách đạt 22,5%, xuất khẩu đạt 20,7 tỷ USD. Tổng mức bán hàng và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng yếu.

Ngoài ra, TPHCM vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề như tình trạng ngập nước, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường… Điều này đã khiến cho ban lãnh đạo thành phố quyết tâm tìm ra các bước đột phá, để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kinh tế.

Tiến sĩ khoa học Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, phát biểu tại hội thảo

Tiến sĩ khoa học Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, phát biểu tại hội thảo

Trong thời đại 4.0, đô thị thông minh đòi hỏi phải xây dựng được hệ sinh thái các dữ liệu mở để nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng sử dụng. Tại hội thảo, một số giải pháp đã được đề xuất liên quan đến dữ liệu hệ thống pháp luật; hệ thống chống ngập; phát triển công nghiệp và sáng tạo.

Theo thống kê, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa thứ 4 trên thế giới. Giải pháp được các chuyên gia đề xuất là trước tiên cần xây dựng và đảm bảo tính khả thi "Lộ trình" giảm tỉ lệ sử dụng túi nilon truyền thống tại các tổ chức và cộng đồng dân cư. Có chính sách ưu đãi những doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Công tác đào tạo hướng dẫn, hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản phẩm truyền thống sang sản phẩm thân thiện môi trường rất quan trọng. Chính quyền thành phố cũng cần nghiên cứu ban hành các loại thuế thu từ người sử dụng trực tiếp và gián tiếp túi nilon truyền thống…

Trong thời đại 4.0, đô thị thông minh đòi hỏi phải xây dựng được hệ sinh thái các dữ liệu mở để nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng sử dụng

Về chủ đề "Hệ sinh thái dữ liệu mở cho phát triển bền vững" các chuyên gia đồng quan điểm, TPHCM đang là trung tâm thương mại, vận tải quốc tế, trung tâm tài chính lớn nhất nước, hàng ngày có lượng giao dịch cực kỳ lớn, tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ và đây chính là "mỏ vàng" trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, rõ ràng là "mỏ vàng" này chưa được thu thập, tổng hợp, khai thác để cung cấp lại cho chính cộng đồng - nơi sản sinh ra dữ liệu - để sử dụng trong vận hành, theo dõi, đánh giá, dự báo, hoạch định phát triển.

Vào tháng 9/2020, một sự kiện quan trọng là Diễn đàn và Triển lãm quốc tế đô thị thông minh châu Á (Smart City Asia 2020) sẽ được tổ chức tại TPHCM. Chương trình được kỳ vọng sẽ là tiền đề để xây dựng những sự kiện thường niên uy tín trong khu vực mang tầm quốc tế về đô thị thông minh. Đó cũng là cơ hội để TPHCM tập trung đẩy mạnh dự án đô thị thông minh của mình.

Nam Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tphcm-to-chuc-hoi-thao-ve-do-thi-thong-minh-20200725104334942.htm