TPHCM: 'Tỉa thưa' đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Sau những cơn mưa trái mùa, lại xuất hiện tình trạng cá chết trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) do lượng ô xy giảm và chất độc hại tăng. Để không tái diễn tình trạng trên, cơ quan chức năng kết hợp hàng loạt giải pháp, trong đó có việc 'tỉa thưa' đàn cá.

UBND TPHCM có công văn khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện việc giảm đàn cá để phòng ngừa sự cố cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Cá chết nổi trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau những cơn mưa đầu mùa

Cá chết nổi trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau những cơn mưa đầu mùa

Theo đó, Chi cục Thủy sản TP thường xuyên theo dõi tình trạng dòng kênh để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó. Sở Tài nguyên – Môi trường TP nhanh chóng lắp đặt và đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động liên tục tại vị trí cầu số 1 và cầu Điện Biên Phủ.

Sở Giao thông vận tải TP khẩn trương đẩy mạnh tiến độ nạo vét hệ thống thoát nước thuộc lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhằm tránh hiện tượng bồi lắng, tích tụ chất ô nhiễm.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân cá chết là do mưa cuốn trôi chất bẩn trên đường phố, cũng như nước từ hệ thống cống tràn xuống kênh làm tăng nồng độ các chất gây hại và giảm dưỡng khí trong nước.

Liên tục trong nhiều năm qua đều xảy ra tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Năm 2014, vào thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa, lượng cá chết gần 10 tấn. Đến năm 2015, số lượng này khoảng 20 tấn và giữa năm 2016 thì có hơn 70 tấn cá chết.

Tuy nhiên, trong dòng kênh vẫn còn nhiều cá sống sót tiếp tục sinh sản, cộng với việc nhiều người dân phóng sinh làm mật độ cá không ngừng tăng cao. Năm nay, những cơn mưa đầu mùa cũng khiến cá chết nổi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Ông Lê Tôn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP cho biết, giảm tải sản lượng cá trên kênh để không xảy ra hiện tượng chết nhiều. Bên cạnh đó, cá từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ được trả về tự nhiên.

Theo đó, Chi cục Thủy sản TP phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP dùng lưới vây đánh bắt cá và cần tỉa thưa chủ yếu là cá rô phi. Sau khi bắt sẽ dùng xe chuyên dụng để đưa thẳng ra sông hoặc chở về ao nuôi để cá phục hồi sức khỏe trước khi được đưa về tự nhiên.

Cá chết trên Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ảnh: Đình Thảo)

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Cẩm Lương (ĐH Nông lâm TPHCM) cho rằng ngoài việc tỉa thưa đàn cá, cần kết hợp một số biện pháp khác để giảm tình trạng ô nhiễm.

Theo đó, có thể thiết kế thêm đài phun nước hoặc quạt nước để tạo cảnh quan, thêm ô xy hòa tan trong nước. Lượng ô xy tăng giúp phân hủy chất hữu cơ, làm sạch nước, trường hợp gặp sự cố môi trường cũng giảm thiểu tổn thất đàn cá trong kênh.

Chị cục thủy sản TP cũng khuyến cáo người dân không nên thả cá xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để giảm tải cho kênh, tránh làm cá chết. Nếu phóng sinh thì không nên thả cá rô phi mà nên là cá trê, lóc vì những loại cá này có sức sống mạnh và có khả năng xử lý bùn thải trong dòng kênh.

Theo một nghiên cứu của PGS.TS Vũ Cẩm Lương, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có 7 con cá rô phi/m2, chiếm khoảng 84% mật độ cá dưới dòng kênh, mặc dù loài cá này hầu như không được thả. Bên cạnh đó, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị con người can thiệp rất lớn, nguy cơ thủy vực quá tải. Hiện tại, sinh lượng cá đã vượt ngưỡng sức tải về cơ sở thức ăn tự nhiên.

Vì vậy TS Vũ Cẩm Lương cho rằng, để tránh tình trạng cá chết như thời gian qua thì cần quản lý mật độ cá tự nhiên cho phù hợp, cần “tỉa” bớt cá rô phi. Trong khoa học về quản lý thủy sản thì khi bắt một lượng phù hợp có tính toán cũng là hành động tích cực để quần thể cá có thể phát triển bền vững.

Theo dantri.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/tphcm-tia-thua-dan-ca-tren-kenh-nhieu-loc-thi-nghe/20190423070210613