TPHCM thuê tư vấn đánh giá tường vây metro: Tính cho đúng

Muốn đánh giá việc giảm độ dày tường vây từ 2m xuống 1,5m tác động thế nào phải đánh giá cả hai mặt: kỹ thuật và kinh tế.

Thay đổi thiết kế phải tuân thủ đúng quy trình

Trước thông tin, UBND TP HCM chỉ đạo thuê tư vấn đánh giá toàn diện lại an toàn tường vây ngầm gói thầu 1a metro Bến Thành - Suối Tiên sau khi bị giảm từ 2 m xuống 1,5 m, GS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá đây là việc làm cần thiết.

Đoạn hầm metro đã hoàn tất phía Ba Son - khác công trình vừa bị kết luận sai phạm. Ảnh: VnE

Vị GS phân tích, việc thi công một công trình xây dựng trong thực tiễn có thể thay đổi thiết kế nếu xảy ra hai khả năng.

Thứ nhất, khi đơn vị quản lý phát hiện phương án thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt nhưng không bảo đảm chất lượng dự án, không bảo đảm được an toàn thi công ngoài công trường. Khi đó, Ban quản lý phải có những đề xuất chỉnh sửa, phát sinh.

Thứ hai, khi thiết kế quá an toàn, quá tốn phí, tới mức không cần thiết thì cũng cần phải thay đổi để tiết kiệm chi phí mà vẫn bảo đảm an toàn. Ông lấy ví dụ, thi công các cột chỉ cần 40x40 là bảo đảm an toàn nhưng thiết kế đưa ra là 80x80, tức là quá an toàn, gây lãng phí, cần phải chỉnh sửa.

Tuy nhiên, GS Trần Chủng đặc biệt lưu ý, việc chỉnh sửa cũng phải được xem xét tùy thuộc vào từng hạng mục, từng công việc cụ thể rồi mới đưa ra quyết định.

"Việc chỉnh sửa thiết kế có thể xảy ra với những chi tiết nhỏ, chi tiết phụ, không gây ảnh hưởng tới kết cấu, chất lượng của công trình. Ngược lại, với những việc chỉnh sửa lớn, những chi tiết mang tính ảnh hưởng tới kết cấu tổng thể của công trình như dầm, cột thì bắt buộc phải tuân thủ đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Tôi lấy ví dụ, nhà thầu thi công phát hiện thiết kế hiện tại đang không an toàn hoặc quá lãng phí thì có thể đề xuất thay đổi với nhà đầu tư hoặc, nhà đầu tư cũng có quyền chủ động đề xuất thay đổi thiết kế. Đề xuất trên phải được bộ phận thiết kế đồng ý, phê duyệt. Trong trường hợp, đơn vị thiết kế có ý bảo thủ, không thay đổi, nhà đầu tư hoặc đơn vị thi công có thể đề xuất thuê đơn vị thẩm định, tư vấn độc lập đánh giá cho khách quan.

Yêu cầu với những người tham gia thẩm tra lại (hay còn gọi là chấm điểm lại thiết kế) phải là những người có năng lực, trình độ, có chuyên môn giỏi, đủ khả năng làm được việc này.

Sau khi có thẩm tra về phương án đề xuất của các đơn vị tư vấn có uy tín, khi đó sẽ thực hiện thẩm định lại dự án.

Quy trình thẩm định lại dự án phụ thuộc vào quy mô của từng dự án để xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ví dụ, với dự án thuộc nhóm A thì thẩm quyền phê duyệt thẩm định dự án là cơ quan, đơn vị nào? Dự án thuộc nhóm B thì cơ quan nào có quyền quyết định.

Như vậy, việc thay đổi thiết kế một dự án trong quá trình thi công hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên, việc thay đổi đó phải tuân thủ đúng quy định, trình tự thủ tục pháp lý, cũng như thẩm quyền quyết định việc thay đổi đó.

Cụ thể, với một dự án trọng điểm thuộc nhóm A như dự án Metro số 1. quyền quyết định phụ thuộc vào người đưa ra quyết định chủ trương đầu tư. Người quyết định đầu tư cũng có thể ủy quyền cho Ban quản lý đường sắt đô thị nhưng phải có quyết định rất rõ ràng, cụ thể.

Trong trường hợp này, nếu xảy ra sai sót, trách nhiệm sẽ thuộc về cả hai bên. Trách nhiệm của người thực hiện ủy quyền là có lựa chọn được người để ủy quyền có đủ năng lực không? Quá trình ủy quyền có thực hiện giám sát chặt chẽ không? Có phát hiện sai sót không? Khi phát hiện sai sót đã chỉ đạo xử lý thế nào?

Còn với trách nhiệm của người được uy quyền là đã thực hiện quyền ủy quyền đó thế nào? Có tuân thủ đúng nhiệm vụ, công việc được giao không và làm như thế nào?. Việc xác định trách nhiệm chỉ cần dựa vào quy trình, thủ tục là rõ", GS Trần Chủng phân tích.

Loạt sếp BQL đường sắt xin nghỉ: Giải quyết thế nào?

Tiết kiệm được bao nhiêu?

Đề cập tới giải thích của Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cho rằng, việc giảm độ dày tường vây từ 2m xuống còn 1,5 m đã tiết kiệm được 93 tỷ và rút ngắn thời gian thi công được 5 tháng, theo GS Trần Chủng việc này phải được đánh giá lại.

"Để đánh giá được tác động của việc thay đổi thiết kế đó thế nào? Có mang lại lợi ích kinh tế gì không...? thì cần phải đánh giá từ cả hai khía cạnh là về mặt kỹ thuật và về mặt kinh tế.

Về mặt kỹ thuật, phải mời một đơn vị tư vấn thẩm tra độc lập có kinh nghiệm để đánh giá xem việc thay đổi trên có bảo đảm an toàn thật sự so với thiết kế tổng thể hay không?

Về mặt kinh tế, cũng phải có một đơn vị kinh tế độc lập khác đứng ra đánh giá tổng thể về sự thay đổi trên. Tôi lưu ý, bài toán tiết kiệm không phải chỉ nhìn một cách thuần túy theo kiểu khấu trừ chi phí từ 2 m xuống còn 1,5 m thì tiết kiệm được bao nhiêu vôi vữa, bao nhiêu sắt thép, bao nhiêu nhân công... số tiền dư ra đó là phần tiết kiệm được.

Chi phí tiết kiệm được còn bao gồm rất nhiều khoản liên quan tới việc điều chỉnh thiết kế đó phải được tính vào như: Chi phí thực hiện các thủ tục hành chính thay đổi thiết kế này diễn ra trong bao lâu? tốn kém thế nào? Có ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án không?... Tất cả các chi phí này phải được tính vào chi phí điều chỉnh khi thay đổi thiết kế, nếu, tổng chi phí tiết kiệm trừ tổng các khoản chi bỏ ra còn dư bao nhiêu đó mới là chi phí tiết kiệm được", GS Trần Chủng nói rõ.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-thue-tu-van-danh-gia-tuong-vay-metro-tinh-cho-dung-3371856/