TPHCM thành lập thêm các chốt kiểm dịch ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có nguy cơ mầm bệnh xâm nhập và lây lan vào các tỉnh phía Nam ngày càng cao, UBND TPHCM vừa ban hành quyết bổ sung một số biện pháp ứng phó chủ động chặn dịch tả lợn châu Phi.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM kiểm tra xe chở lợn trước khi vào thành phố. Ảnh Nhân Sơn

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM kiểm tra xe chở lợn trước khi vào thành phố. Ảnh Nhân Sơn

Theo đó, biện pháp phòng chống dịch bệnh mới mà TPHCM thực hiện là thành lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động trên tuyến cao tốc Dầu Giây – TPHCM để kiểm tra việc vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt lợn từ hướng các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào thành phố.

Đồng thời, giao UBND huyện Củ Chi thành lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động tại khu vực cầu Phú Cường (khu vực giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương) để chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt lợn từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Bình Phước và Bình Dương nhập vào TP HCM hay vận chuyển qua thành phố đi về các tỉnh miền Tây.

Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an TPHCM cũng được giao tăng cường kiểm tra giám sát vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn vận chuyển qua tuyến đường sông.

Trong tình huống bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh có cung cấp nguồn thịt lợn cho thị trường, TP sẽ lập thêm các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ của thành phố như tuyến Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc TPHCM đi Trung Lương, Tiền Giang… tuyến đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10) nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn lợn và sản phẩm thịt lợn vận chuyển vào thành phố giết mổ, tiêu thụ.

Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn qua các phương tiện ghe, thuyền. UBND quận 12 thành lập chốt kiểm dịch tạm thời khu vực cầu Phú Long kiểm soát vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt lợn qua cửa ngõ này.

Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ làm việc với với các tỉnh trong khu vực có cung cấp nguồn lợn sống, sản phẩm thịt lợn để xác định những nguồn lợn an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố để giết mổ tiêu thụ để thống nhất biện pháp kiểm soát đối với nguồn lợn an toàn dịch bệnh hoặc sản phẩm thịt lợn từ các tỉnh được phép kiểm dịch nhập vào thành phố tiêu thụ.

Đối với trường hợp xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố xử lý tiêu hủy lợn bệnh và lợn tiếp xúc mầm bệnh. Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm để nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng...

Thời gian qua các Đoàn liên ngành phòng chống dịch TPHCM vẫn liên tục kiểm tra trên các tuyến đường để xử lý các trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật vi phạm. Tuy nhiên, việc dịch bệnh tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp đòi hỏi, cơ quan chức năng phải lập chốt để kiểm soát 24/24 giờ để chống dịch.

TPHCM hiện đang là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước với sản lượng khoảng 10.000 con/ngày, trong đó, chỉ có 15%-18% từ nguồn lợn nuôi trên địa bàn. Bình quân mỗi ngày thành phố tiếp nhận gần 6.700 con lợn sống từ các tỉnh đưa về các cơ sở giết mổ tại thành phố và 2.100 con lợn đi qua thành phố để về các tỉnh giết mổ nên nguy cơ nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài rất lớn nếu không chủ động ứng phó.

Ngày 4/5, UBND huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đã ban hành Quyết định1981/QĐ-UBND công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Như vậy, dịch tả lợn châu Phi đã chính thức Nam tiến.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tphcm-thanh-lap-them-cac-chot-kiem-dich-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-104249.html