TPHCM sẽ bình ổn học phí các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Sáng 19-3, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kế hoạch - tài chính năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

Báo cáo tại hội trường, ông Mai Phương Liên, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học / 10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học với tổng kinh phí gần 70.000 tỷ đồng.

Tính đến tháng 12-2020, toàn TP đạt 292 phòng học / 10.000 dân số trong độ tuổi đi học, đạt tỷ lệ 57,84% đất giáo dục hiện hữu so với kế hoạch đề ra trong quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020.

Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn TP có 90 dự án với 1.371 phòng học mới với tổng mức đầu tư 4.575 tỷ đồng. Cụ thể, bậc tiểu học tăng nhiều nhất với 429 phòng học, mầm non tăng 381 phòng, THCS tăng 357 phòng, THPT tăng 116 phòng và 88 phòng ở các loại hình khác.

Định mức phân bổ ngân sách theo đầu học sinh trong năm 2020 giữ nguyên mức phân bổ năm 2017

Định mức phân bổ ngân sách theo đầu học sinh trong năm 2020 giữ nguyên mức phân bổ năm 2017

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP, dự toán năm 2020 đã tăng 4,66% so với chi ngân sách thường xuyên năm 2019. TPHCM tiếp tục áp dụng hệ số định mức 1,1 cho vùng khó khăn gồm các huyện ngoại thành, riêng huyện Nhà Bè áp dụng hệ số 1,2 và Cần Giờ 1,3.

Dự kiến trong năm 2021, tổng kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị đối với khối đơn vị trực thuộc gần 190.000 tỷ đồng.

Hiện nay, định mức phân bổ ngân sách được giao trong năm 2020 tiếp tục giữ nguyên mức phân bổ năm 2017, trong đó học sinh nhà trẻ có mức phân bổ lớn nhất là 11.028.000 đồng/học sinh/năm, kế đến là mẫu giáo 8.763.000 đồng/học sinh/năm, tiểu học 5.073.000 đồng/học sinh/năm, THCS là 4.723.000 đồng/học sinh/năm và 5.753.000 đồng/học sinh/năm đối với học sinh THPT thường, 17.760.000 đồng/học sinh/năm đối với học sinh các trường THPT chuyên.

Sở GD-ĐT TP nhận định, việc phát triển mạng lưới trường ngoài công lập hiện nay còn mang tính tự phát, chưa đảm bảo quy hoạch mạng lưới phù hợp trong hệ thống giáo dục trên địa bàn.

Ở hệ thống công lập, tiến độ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng các trường học còn chậm so với tốc độ tăng của phát triển mạng lưới trường lớp, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất.

Từ thực tế đó, trong phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021, ngành giáo dục TP cho biết sẽ tiến hành rà soát, kiểm soát hiệu quả và bình ổn giá học phí các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập.

Toàn ngành xác định mục tiêu đổi mới công tác tổ chức và quản lý thu - chi tài chính tại 100% đơn vị thuộc ngành giáo dục thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các phần mềm kế toán và quản lý nguồn thu trực tuyến, thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.

Một điểm đáng lưu ý khác là trong năm 2021, TP sẽ xây dựng mức thu phù hợp và hoàn chỉnh cơ chế tài chính nhằm thực hiện xây dựng mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ở tất cả cấp học, bậc học trên địa bàn TP.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-se-binh-on-hoc-phi-cac-co-so-giao-duc-ngoai-cong-lap-719655.html