TPHCM sáp nhập nhiều phường: Bảo đảm thủ tục hành chính không gây khó

TPHCM đang tiến hành kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021. Việc sắp sếp, sáp nhập này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, vì liên quan đến việc làm và thủ tục hành chính của cán bộ, viên chức và người dân.

 TP HCM dự kiến sẽ có 16 phường thuộc diện sắp sếp, sáp nhập.

TP HCM dự kiến sẽ có 16 phường thuộc diện sắp sếp, sáp nhập.

Dự kiến có 16 phường ở TPHCM thuộc diện sáp nhập

Trong năm 2019 này, TPHCM sẽ tiến hành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên nhỏ và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định.

Mục đích của việc sắp xếp này là nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời gắn với khả năng quản lý của chính quyền địa phương.

TPHCM là thành phố trực thuộc trung ương, nên các phường phải đạt từ 15.000 người trở lên và diện tích tự nhiên phải đạt 5,5 km2 theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội.

Trên cở sở này, UBND TPHCM ban hành kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Theo kế hoạch sắp xếp này, dự kiến có 16 phường thuộc 8 quận nằm trong diện xem xét sáp nhập theo quy định.

Những phường đang được xem xét sáp nhập gồm có: Bình Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và An Khánh (quận 2); phường 13 và phường 6 (quận 3); phường 5 và phường 12 (quận 4); phường 10 và phường 12 (quận 5); phường 2 (quận 6); phường 11 (quận 8); phường 3 và phường 6 (quận 10); phường 12 và phường 14 (quận Phú Nhuận). 16 phường thuộc diện sáp nhập có quy mô dân số hơn 86.000 dân

"Không gây ra xáo trộn trong dân"

Chiều 29.5, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Đạo - PGĐ Sở Nội vụ TP HCM cho biết, việc sắp xếp, sáp nhập các phường trên địa bàn là chủ trương chung.

Theo đó, năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37, năm 2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 653, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 liên quan đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

"Trên cơ sở chủ trương sắp sếp lại đơn vị hành chính của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, TPHCM tiến hành triển khai sáp nhập phường, xã không đạt tiêu chí về diện tích và dân số theo quy định.”- lãnh đạo Sở Nội vụ nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, việc sắp sếp, sáp nhập này sẽ ảnh hưởng đến việc làm, vị trí của một bộ phận công chức, viên chức. Về vấn đề này, các quận huyện và ban ngành liên quan sẽ đảm bảo công ăn việc làm của cán bộ viên chức, tránh xáo trộn tư tưởng khi sáp nhập.

Tuy nhiên, những trường hợp cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm kỷ luật, thì có thể được xem xét thuộc diện tinh giản biên chế dôi dư theo chế độ, chính sách.

Lãnh đạo Sở Nội vụ cũng cho biết thêm thông tin, việc sáp nhập này có thể gây nên xáo trộn trong việc phải thay đổi địa chỉ cư trú, giấy tờ tùy thân, giấy tờ nhà đất, giao dịch hành chính,... của người dân thuộc các phường bị sáp nhập.

Về vấn đề này, Sở đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM, là khi triển khai sắp xếp, sáp nhập phải đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp được thuận lợi và tốt hơn, không gây ra xáo trộn trong dân. Đồng thời, người dân các phường thuộc diện sáp nhập, khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính phải được giải quyết nhanh và không gây cản trở.

Được biết, hiện cả nước có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập theo tiêu chí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết 1211/2016.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/tphcm-sap-nhap-nhieu-phuong-bao-dam-thu-tuc-hanh-chinh-khong-gay-kho-736242.ldo