TPHCM sẵn sàng cho năm học mới

Ngày 19/8, khoảng 1,3 triệu học sinh từ bậc Tiểu học đến THPT trên địa bàn TPHCM chính thức bắt đầu bước vào năm học mới 2019-2020. Bậc mầm non sẽ tựu trường vào ngày 5/9 cùng với lịch khai giảng năm học mới của các bậc học.

Hơn 1,3 triệu học sinh TPHCM bước vào năm học mới 2019-2020.

Hơn 1,3 triệu học sinh TPHCM bước vào năm học mới 2019-2020.

Không thiếu sách cho năm học mới

Theo kế hoạch trên, bậc tiểu học sẽ có 18 tuần thực học ở học kỳ I, 17 tuần thực học ở học kỳ II, còn lại là dành cho các hoạt động giáo dục. Các trường sẽ xét hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh lớp 5 trước ngày 15/6/2020. Bậc THCS có 19 tuần thực học ở học kỳ I, 18 tuần ở học kỳ II và các hoạt động giáo dục khác. Các trường THCS xét tốt nghiệp THCS cho học sinh lớp 9 trước ngày 15/6/2020.

Bậc THPT có 19 tuần thực hiện chương trình ở học kỳ I, 18 tuần ở học kỳ II và các hoạt động giáo dục khác. Các trường THPT sẽ hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 trước ngày 31/7/2020.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu sách giáo khoa như những năm học trước, ông Phan Xuân Thành, Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam cho biết, NXBGD Việt Nam đã tính toán in, phát hành đầy đủ, đồng bộ sách giáo khoa để các em học sinh đến trường không thiếu sách.

Tại thị trường TPHCM, Công ty CP Sách - Thiết bị trường học TPHCM đã nhận 11,6 triệu bản sách giáo khoa để phát hành phục vụ năm học 2019 - 2020. Từ tháng 4 đến tháng 9, phụ huynh, giáo viên, học sinh có thể mua sách ở các cửa hàng của NXBGD Việt Nam. Đồng thời, công ty cũng thực hiện tháng phát hành sách giáo dục phục vụ khai giảng năm học mới, công ty này đã giảm 10% cho tất cả các mặt hàng từ nay đến ngày 20/8. Tại hệ thống nhà sách Fahasha các mặt hàng sách cũng giảm từ 10-20%. Bên cạnh đó, nhà sách này còn thực hiện bình ổn giá cả sản phẩm như giấy kiểm tra, sổ giáo án, nhãn vở học sinh, tập chép nhạc… thấp hơn giá bán lẻ từ 1.000 đến 2.000 đồng.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, phục vụ mùa khai trường 2019-2020, thành phố tiếp tục triển khai Chương trình bình ổn thị trường với 122 loại sản phẩm, tăng 19 sản phẩm so với năm 2018 - 2019. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố. Giá bán bình ổn thị trường các mặt hàng mùa khai trường thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10% đến 15%. Có 881 điểm bán, gồm 168 siêu thị, nhà sách, 318 cửa hàng chuyên kinh doanh văn phòng phẩm, thời trang, 395 điểm bán trong khu dân cư.

Vẫn bộn bề nỗi lo

Bên cạnh việc đảm bảo ổn thị trường đối với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2019-2020, TPHCM cũng sẽ đưa vào sử dụng thêm gần 1.500 phòng học mới, bao gồm xây thay thế 237 phòng học, xây tăng thêm hơn 1.200 phòng học. Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, tính trung bình những năm gần đây, mỗi năm TPHCM xây thêm 1.200-1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, con số trên chẳng thấm tháp vào đâu so với số học sinh tăng cao chóng mặt.

Trong đó số học sinh trong năm học 2019-2020 tăng nhiều ở cấp tiểu học và THCS, tập trung tại một số quận như: 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi do những khu vực trên đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Cũng theo bà Thu, năm học 2018-2019, số học sinh không có hộ khẩu tại TPHCM là 367.298. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp, học sinh tham gia học 2 buổi/ngày (đây được xem là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục) cũng giảm; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... đều co hẹp lại, gây khó khăn cho ban giám hiệu các trường.

Thực tế cho thấy, do thiếu phòng học, nhiều trường ở các khu có đông dân nhập cư phải tận dụng cả phòng chức năng như phòng thực hành, thí nghiệm... để làm phòng học. Việc mở lớp bán trú (học 2 buổi/ngày) lại càng xa xỉ. Thế nên phụ huynh cũng rất vất vả khi con có chỗ học rồi vẫn chưa yên tâm, mà phải chạy đôn chạy đáo xin một suất học bán trú.

Trong khi đó, đặc thù ở TPHCM đa số phụ huynh đều có nhu cầu cho con em học bán trú vì họ đi làm cả ngày, không có điều kiện đưa đón và chăm sóc con khi con ở nhà. Ngoài chuyện khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đây cũng là một hệ lụy của việc tăng học sinh quá nhanh. Mặt khác, theo phản ánh của một số quận, huyện đến tháng 8 Thành phố vẫn còn loay hoay tuyển giáo viên, đội ngũ giáo viên tiếng Anh thiếu nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy./.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tphcm-san-sang-cho-nam-hoc-moi-109900.html