TPHCM phát triển phải so với khu vực chứ không riêng trong nước

Đây là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc làm việc của Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt TPHCM, sáng 8/5.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát triển tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, nằm ở vị trí hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường biển, đường hàng không... TPHCM luôn là địa phương đi đầu và đột phá trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, luôn có nhiều sáng kiến trong phát triển kinh tế, hằng năm đều có mức đóng góp cao cho tăng trưởng GDP của cả nước (trên 23-24%) và tổng thu NSNN (khoảng 28%).

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, những tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh kéo dài, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, tập trung chống dịch nên ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, trong đó có TPHCM. Nếu Thành phố tăng GRDP là 6%/năm sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng cả nước. Phải so sánh sự phát triển của TPHCM với các thành phố trong khu vực chứ không chỉ của Việt Nam, sớm trở thành trung tâm lớn của châu Á, ASEAN về tài chính, thương mại, dịch vụ, KHCN, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao…

Với vị trí quan trọng, TPHCM phải là đầu tàu dẫn dắt vùng kinh tế trọng điểm phía nam, phải có kết nối hạ tầng, phân công nhiệm vụ giữa các địa phương trong vùng, tạo ra nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu, đó là những yếu tố hết sức quan trọng. TPHCM phải là trung tâm phát triển công nghệ cao, là trung tâm phát triển công nghiệp dịch vụ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tài chính, trung tâm vốn, trung tâm kết nối hạ tầng để tạo ra sự gắn kết với các địa địa phương khác.

Lưu ý TPHCM về tình hình phát triển KT-XH quý I/2020, tăng trưởng của TPHCM có sụt giảm do tác động của dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho rằng, còn bị ảnh hưởng của cơ chế như giải ngân đầu tư công chậm, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, sự trì trệ của cấp dưới, thủ tục hành chính còn bị chi phối bởi lợi ích nhóm, tiêu cực, nhũng nhiễu… Những điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm, thu hút đầu tư… Đây là những vấn đề cần đánh giá kỹ càng để có cái nhìn toàn diện và giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Hạ tầng giao thông phải đi trước

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Xu hướng các tỉnh xung quanh TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An… sẽ phát triển đô thị kết nối với Thành phố bởi có vị trí trung tâm, nhất là khi làm tốt việc xây dựng hạ tầng phát triển. Thành phố cũng sẽ kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn lao của Thành phố và xác định hướng đi cho đúng, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với kỳ vòng của nhân dân.

Giai đoạn tới sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng, Thành phố cần phát huy tinh thần năng động sáng tạo, tiềm năng lớn về đất đai tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách Thành phố, nhất là xử lý dứt điểm sau thanh tra dự án Thủ Thiêm và một số dự án đất đắc địa của Thành phố, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Cần đánh giá lại diện tích nhà đất còn rất lớn chưa triển khai hoặc triển khai chậm để có giải pháp xử lý hoặc thu hồi lại…

Với tiềm năng, lợi thế của mình, cũng như Hà Nội, TPHCM cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xây dựng thành phố thông minh đầu tiên của Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và dịch vụ.

“Đặc biệt, nếu Thành phố không phát triển vành đai 3, vành đai 4 thì không thể phát triển, tăng trưởng nhanh được vì không kết nối được với các địa phương, bởi TPHCM có vị trí trung tâm cho cả các vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Khi hạ tầng giao thông đi trước một bước sẽ tạo ra kết nối thông suốt. Việc đề xuất xây dựng thành phố phía đông ở các Quận 2, Quận 9, Thủ Đức gắn với khu công nghệ cao nằm trong TPHCM là đề xuất cần hết sức lưu tâm để tạo điều kiện cho Thành phố hình thành chuỗi đô thị kết nối, tạo động lực cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của TPHCM”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Cần có quy hoạch phát triển Thành phố theo định hướng giao thông đi trước trong quy hoạch tổng thể, không để chạy theo hay bị dẫn dắt bởi nhà đầu tư. Từ quy hoạch giao thông để xây dựng đô thị, không lấy dự án để lấp chỗ trống mà phát triển tuyến giao thông gắn với chuỗi đô thị của các tỉnh sẽ liên kết với TPHCM.

Bên cạnh đó, TPHCM cần cố gắng xử lý khiếu nại cho tốt, không để tồn đọng kéo dài, nhất là các vấn đề liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm, khu công nghệ cao và một số khu vực khác mà người dân vẫn còn đang khiếu kiện. Qua đó, cần xử lý cho nhanh những vấn đề này để bảo đảm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, cũng như tạo sự ổn định để Thành phố phát triển. Đồng thời, chú ý đến an ninh trật tự an toàn xã hội, giải quyết tốt những vấn đề về đất đai, không để xảy ra điểm nóng…

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/tphcm-phat-trien-phai-so-voi-khu-vuc-chu-khong-rieng-trong-nuoc/395143.vgp