TPHCM: Nhiều mô hình sáng tạo ở trường học hưởng ứng cuộc vận động người dân không xả rác

Cuộc vận động bắt đầu triển khai từ tháng 10-2018. Đến nay đã có 24/24 phòng GD-ĐT quận, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP triển khai các hình thức vận động, trở thành hoạt động xuyên suốt và liên tục trong năm học. Nhiều mô hình sáng tạo đã được các trường vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, qua đó góp phần nâng cao ý thức cho học sinh.

Sáng 21-11, tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU (ngày 19-10-2018) của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước" do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, qua một năm thực hiện, cuộc vận động đã bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận 1) tham gia tiết mục tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận 1) tham gia tiết mục tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo đó, cuộc vận động bắt đầu triển khai từ tháng 10-2018. Đến nay đã có 24/24 phòng GD-ĐT quận, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP triển khai các hình thức vận động, trở thành hoạt động xuyên suốt và liên tục trong năm học. Nhiều mô hình sáng tạo đã được các trường vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, qua đó góp phần nâng cao ý thức cho học sinh.

Học sinh Trường THCS Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) thực hiện lời kêu gọi "Đoàn kết, chăm ngoan, bảo vệ môi trường, chấp hành luật pháp".

Đơn cử tại quận 8, bà Mao Thị Kim Liên, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 cho biết, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo như phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, hướng dẫn học sinh tái chế chất thải, tổ chức đổi rác thải lấy cây xanh, chương trình "ngày chủ nhật xanh" với các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn cảnh quan đô thị...

Hoạt cảnh sân khấu của học sinh kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

Tại Trường Mầm non Nam Sài Gòn (quận 7), nhà giáo ưu tú Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tham gia hưởng ứng cuộc vận động, đơn vị đã trang bị thêm nhiều thùng phân loại rác thải tại đơn vị, kết hợp với cha mẹ học sinh triển khai phong trào không sử dụng túi ni lông và ống hút nhựa trong trường học.

Riêng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, bà Bùi Thị Bảo Ngọc, Phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, cái khó nhất trong việc thực hiện cuộc vận động là làm thế nào thay đổi thói quen của học sinh. Điều đó đòi hỏi thời gian, sự kiên trì của tập thể sư phạm và sự phối hợp của chính học sinh.

Để thực hiện mục tiêu đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục học sinh ngay từ năm đầu cấp (năm học lớp 10), đồng thời thực hiện nhiều biện pháp như: phát huy vai trò nêu gương của giáo viên, lồng ghép nội dung không xả rác thải vào các bộ môn giảng dạy trên lớp, hoạt động phong trào, hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp... Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với cha mẹ học sinh và đơn vị phụ trách căn tin hưởng ứng sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, không dùng ly nhựa sử dụng một lần, ống hút nhựa...

Qua thực tế triển khai, đơn vị này nhận thấy, để cuộc vận động đạt hiệu quả cần có sự đồng lòng và ý thức đón đầu đổi mới của tập thể sư phạm, kết hợp với việc đầu tư cơ sở vật chất. Song, quan trọng hơn hết là sự quan tâm, khích lệ kịp thời của ban giám hiệu, kêu gọi được ý thức chủ động, sáng tạo của học sinh.

Để cuộc vận động hiệu quả cần phát huy vai trò "tuyên truyền viên" của chính học sinh

Thời gian tới, để cuộc vận động ngày càng lan tỏa và đem lại những chuyển biến rõ nét, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP đề nghị các phòng GD-ĐT ở 24 quận, huyện, các trường THPT, trung cấp có thêm nhiều giải pháp cụ thể, xây dựng kế hoạch với từng giai đoạn thực hiện, phát huy vai trò của mỗi cán bộ, giáo viên.

"Ngành giáo dục phấn đấu mỗi cán bộ, giáo viên là một tuyên truyền viên nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Trong đó, trường học cần phối hợp với đoàn thanh niên, các tổ chức, đoàn thể xã hội tại địa phương để nâng cao hơn nữa hiệu quả cuộc vận động", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT bày tỏ.

Dự kiến, trong quý 1-2020, các trường sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá và khen thưởng những cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động để qua đó lan tỏa các mô hình tốt, đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dân.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-nhieu-mo-hinh-sang-tao-o-truong-hoc-huong-ung-cuoc-van-dong-nguoi-dan-khong-xa-rac-629850.html