TPHCM: 'Ngập' trong ý tưởng chống… ngập

TPHCM đã và sẽ thực hiện hàng loạt nhóm giải pháp khống chế ngập úng. Hàng nghìn tỷ ngân sách đã chi cho việc này nhưng rốt cuộc, hàng năm cứ đến hẹn là người dân ở nhiều khu vực lại 'được bơi' bất đắc dĩ.

Ngập nước do triều cường trên đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: Như Ý

Ngập nước do triều cường trên đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: Như Ý

Có về đích theo kịp mùa triều lên?

Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong vừa khảo sát thực tế dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 - nhà đầu tư dự án, tổng khối lượng thi công xây lắp của dự án hiện đạt gần 78%. Những hạng mục khó nhất như thi công dưới nước đã hoàn thành. Đang lắp đặt thiết bị cùng các hạng mục trên cạn. Dự án vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu mặt bằng được bàn giao vào đầu tháng 6, nhà đầu tư cam kết dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10. Đây cũng là tháng cao điểm triều cường.

Vấn đề mới phát sinh có ảnh hưởng đến dự án này là tại khu vực huyện Nhà Bè, do một công trình quy mô lớn thuộc Công ty Cổ phần Kho cảng xăng dầu hàng không miền Nam đang xây dựng chồng lấn với hệ thống kè của dự án chống ngập. Một đại diện UBND huyện Nhà Bè cho rằng, công trình cầu cảng này không có giấy phép xây dựng, một số hạng mục cũng lấn ra sông Sài Gòn. Vì vậy, chính quyền địa phương đang phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra và sẽ có báo cáo hướng xử lý cụ thể.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, dự án lớn như vậy xây dựng ở TPHCM mà không có ý kiến của chính quyền và còn lấn sông Sài Gòn thì cần xử lý nghiêm và dứt điểm. Các địa phương phải đẩy nhanh nhưng trước mắt là vận động, thuyết phục người dân bàn giao, sau đó mới tính đến biện pháp mạnh là cưỡng chế. “Đây là một trong những dự án trọng điểm có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với TP nên người dân cũng phải chia sẻ. Nếu chỉ vì một số cá nhân mà ảnh hưởng đến toàn dự án thì không được” - ông Phong nói.

Được biết, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1” tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng được khởi công tháng 6/2016. Tập đoàn Trung Nam là nhà đầu tư. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm TPHCM. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, do có những khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên sau đó lùi đến tháng 6/2019, rồi đến cuối năm 2019. Đến nay, dự án lại tiếp tục được lùi thời gian hoàn thành đến tháng 10/2020.

Ngập ngày càng nặng?

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TPHCM tình hình ngập tại TPHCM do triều cường đã giảm. Dẫn chứng giai đoạn 2016 - 2020, ngập do triều ở 9/9 tuyến đường chính như Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng (Quận 2); Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (Quận 7), Quốc lộ 50, Tỉnh lộ 10... hiện đã được xóa ngập hoàn toàn.

Cùng với nhiều dự án quy mô lớn, TPHCM cũng đã thực hiện hàng loạt giải pháp ngắn hạn, như từ năm 2016 - 2020 đã hoàn thành 22 công trình cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét 37 tuyến kênh, rạch. Kế đến là nạo vét gần 3.000 km cống, thay thế hơn 5,4 km cống các loại xuống cấp... Trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM sẽ tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm, cơ bản giải quyết thoát nước cho các khu vực còn lại. Sở Xây dựng sẽ thực hiện nhiều nhóm giải pháp lớn như tập trung đầu tư hệ thống thoát nước, các nhà máy xử lý nước thải, xây dựng đê bao, các cống kiểm soát triều, cải tạo những trục thoát nước...

Tuy nhiên, tháng 9 - 10/2019, TPHCM hứng chịu một đợt triều cường mà nhiều người dân sông lâu năm tại TPHCM cho rằng “chưa từng thấy”. Cụ thể nước dâng cao nhiều khu vực như Q.2, Q.8, Q.7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè… Làm một đoạn bờ bao (tuyến kênh Lò Gốm) dài hơn 20m trên đường Mễ Cốc, (P.15, Q.8, TPHCM) vỡ, gây nước tràn vào hàng trăm nhà người dân. Theo một số người dân nơi đây “nước từ kênh cuồn cuộn đổ vào khu dân cư” ngập từ đường vào trong nhà. Dọc tuyến đường Mễ Cốc và một số con hẻm nước dâng quá nửa bánh xe máy, người dân không thể điều khiển phương tiện đi lại, sinh hoạt bị đảo lộn. Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của triều cường đã đắp bao cát chắn ngang cửa nhà.

Chứng kiến cảnh ngập quá quen thuộc, anh Vũ Trọng Quân - một cư dân ở đường Trịnh Quang Nghị (P.7, Q.8, TPHCM) cho rằng, anh không lấy làm bất ngờ do ngập úng nữa. “Chuyện ngập ở TPHCM bao năm nay đã thành món đặc sản rồi. Tuy nhiên, một điều tôi cảm thấy lo lắng là tần suất ngập ngày càng nhiều với mực nước cao hơn” - anh Vũ Trọng Quân chia sẻ.

Mặc dù đã nâng đường 2 lần và gia cố một hàng gạch chặng trước cửa để nước ngoài đường không tràn vào nhà, nhưng với đợt triều cường quá đỉnh cuối tháng 9 năm vừa rồi, nhiều nhà dân hẻm C4 (đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã bất lực nhìn nước tràn vào nhà. Ông Sáu - một người dân sống lâu năm trong hẻm C4 cảm thán: “Con hẻm này đã nâng đường 2 lần, nhà tui nâng nền 1 lần. Từ trước tới giờ tui chưa thấy đợt triều cường nào mạnh như lần này”.

Ngao ngán với nước ngập, anh Vũ Trọng Quân (P.7, Q.8) cho rằng, chính quyền TP cần phải đề ra chính sách chống ngập tận gốc, trước giờ chỉ xử lý phần ngọn không hiệu quả... “Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, mà bộ phận quản lý lại không theo kịp, do đó phá vỡ quy hoạch nên nước không có lối thoát. Cứ bịt chỗ này thì nước lại xì chỗ khác, do lấp hết các ao hồ chứa. TP cần lập lại quy hoạch tổng thể, với các khu dân cư cần quy hoạch bài bản, giám sát chặt chẽ, lập các vành đai vệ tinh để giãn dân, không lấp ao hồ, và cần thiết quy hoạch mở thêm nhiều ao hồ để có chỗ nước thoát...” – anh Quân chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tphcm-ngap-trong-y-tuong-chong-ngap-20200527094854567.html