TPHCM: Nâng cao chất lượng giáo dục khu vực ngoại thành

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, thành phố sẽ có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục khu vực ngoại thành.

Học sinh thi lớp 10 tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: CAO THĂNG

Học sinh thi lớp 10 tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: CAO THĂNG

Điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập do Sở GD-ĐT TPHCM công bố mới đây đã cho thấy sự chênh lệch khá lớn về chất lượng đầu vào giữa các trường nội thành và ngoại thành. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, thành phố sẽ có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục khu vực ngoại thành.

- PHÓNG VIÊN: Theo mức điểm chuẩn mà Sở GD-ĐT TP vừa công bố, học sinh phải đạt bình quân mỗi môn thi trên 8 điểm mới trúng tuyển vào các trường THPT ở quận trung tâm, trong khi đã chỉ với hơn 3 điểm/môn thi đậu vào trường ở khu vực ngoại thành. Ông nhận định gì về sự chênh lệch này?

* Ông NGUYỄN BẢO QUỐC: Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, TPHCM áp dụng cách tính điểm đồng nhất hệ số 1 đối với cả 3 môn thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ nên tổng điểm tuyển sinh vào lớp 10 thấp hơn mọi năm (có môn nhân hệ số 2). Tuy nhiên, nếu quy đổi cùng hệ số thì điểm chuẩn năm 2022 vẫn tương đồng điểm chuẩn năm 2020.

Bên cạnh đó, quy định tuyển sinh là mỗi học sinh lớp 9 được đăng ký 3 nguyện vọng vào các trường THPT công lập. Mỗi trường THPT được phê duyệt một chỉ tiêu tuyển sinh nhất định, nên nếu có kết quả đầu ra tốt sẽ thu hút nhiều thí sinh có năng lực học tập tốt đăng ký tuyển sinh vào. Do vậy, điểm chuẩn của các trường đó sẽ tăng cao, bình quân 8-9 điểm/môn thi. Nhóm trường này trải đều ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung ở khu vực quận trung tâm. Ở chiều ngược lại, nhóm trường có điểm chuẩn thấp hơn cũng phân bổ ở nhiều khu vực khác nhau, trong đó một số trường ở khu vực ngoại thành.

Việc nhiều trường ở khu vực ngoại thành có điểm chuẩn tuyển sinh thấp có nhiều nguyên nhân, như: học sinh ở ngoại thành lựa chọn học lớp 10 gần nhà để thuận tiện di chuyển; chất lượng chuyên môn đối với yêu cầu vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn ở khối THCS chưa cao ở khu vực ngoại thành; năng lực tiếp cận công nghệ thông tin của giáo viên, học sinh, phụ huynh còn thấp…

- Vấn đề nâng cao chất lượng dạy học ở các quận, huyện vùng ven và ngoại thành đã được ngành GD-ĐT TPHCM đặt ra nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn là bài toán khó, ngành sẽ có biện pháp gì để khắc phục?

* Việc đầu tư xây dựng trường học, cơ sở vật chất và trang thiết bị tối thiểu cho các trường ở khu vực ngoại thành luôn được UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM, quận, huyện và TP Thủ Đức quan tâm, không chỉ vì mục tiêu đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh mà còn hướng đến xây dựng trường chuẩn quốc gia đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nông thôn mới.

Để nâng cao chất lượng dạy học ở các quận vùng ven và ngoại thành, sở sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, như: Tổ chức hội thảo chuyên đề, mời chuyên gia truyền đạt ý tưởng, tạo động lực giúp nâng cao chất lượng quản lý chuyên môn của các nhà trường; tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; xây dựng kho học liệu số, khuyến khích giáo viên phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, công tác; thực hiện việc nâng chuẩn song song với bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy cho các thầy, cô giáo...

Riêng đối với yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục rà soát, phối hợp các quận, huyện, TP Thủ Đức đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch, có lộ trình thay thế trang thiết bị không phù hợp ở các cơ sở giáo dục đang hoạt động nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý nhà trường.

- Nhiều ý kiến đề xuất cơ chế tuyển sinh riêng cho các trường ở khu vực ngoại thành, hoặc áp dụng hình thức xét tuyển thay cho thi tuyển lớp 10 đối với khu vực này vì hiệu quả thi tuyển không cao. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

* Việc tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 công lập phải đảm bảo lựa chọn học sinh có năng lực đáp ứng việc học tập ở cấp THPT song song với đảm bảo tính công bằng giữa các loại hình giáo dục và phân luồng sau THCS. Hiện nay, học sinh không đậu lớp 10 công lập vẫn có nhiều lựa chọn khác phù hợp năng lực, điều kiện gia đình. Nếu việc tổ chức thi tuyển với điểm trúng tuyển ở khu vực này không cao và vẫn có học sinh không đậu vào lớp 10 công lập thì việc tổ chức xét tuyển cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên nhiều phương diện, như: tiết kiệm thời gian, tiền bạc, nhân lực; sự tác động đến động lực học tập của học sinh cấp THCS và năng lực học tập của học sinh ở cấp THPT; sự phù hợp với mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo nguồn nhân lực và công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Năm học 2022-2023, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TPHCM trao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho 4 trường THPT ở huyện Cần Giờ. Đây là một trong những giải pháp giúp các đơn vị chủ động tuyển dụng giáo viên thường xuyên, liên tục đảm bảo đủ nguồn nhân lực.

Hiện nay, giáo viên ở Cần Giờ được nhận trợ cấp theo quy định dành cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên công tác ở các xã, phường khó khăn trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 68/2006/NQ-HĐND (ngày 12-12-2006) của HĐND TPHCM.

Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND TPHCM có chế độ ưu tiên, khuyến khích ứng viên nhận công tác tại khu vực này, đồng thời phối hợp UBND huyện Cần Giờ bàn bạc các giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng đào tạo và tuyển dụng người dân tại địa phương.

THU TÂM thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//tphcm-nang-cao-chat-luong-giao-duc-khu-vuc-ngoai-thanh-827840.html