TPHCM - Nan giải chống ngập đô thị

Trong 20 năm trở lại đây, với việc tăng dân số, phát triển nhanh các khu dân cư ở TPHCM đã khiến hạ tầng tiêu thoát nước không theo kịp, mưa và thủy triều ngày càng lớn, dẫn đến tình trạng ngập nước ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn.

Đủ kiểu gây ngập

Đứng trước tình trạng ngập nước tăng cả về số lần, mức độ và diện tích, ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân, từ năm 2005, TPHCM đã bắt đầu thực hiện các chương trình và dự án chống ngập. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong từng thời điểm, tình hình ngập đến nay vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Bên cạnh đó, nhiều khu vực của TPHCM có mặt đất tự nhiên thấp, lại nằm trong vùng ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều biển Đông, nên hoàn toàn có thể bị ngập khi gặp đỉnh triều cao. 75% diện tích toàn TP và 25% diện tích các quận có cao độ dưới 2m, nhiều khu vực chỉ có cao độ từ 1-1,5m (khoảng 200.000ha). Như vậy, với ảnh hưởng mạnh thủy triều từ biển Đông trong các pha triều cường đạt đỉnh, mực nước trong hệ thống sông rạch lên cao, không những gây ngập triều cho những vùng trũng thấp có cao độ dưới 1,5m, mà còn khiến việc tiêu thoát nước đối với những vùng có cao độ từ 1,5-2m, thậm chí trên 2m cũng rất khó khăn.

Ngập và sự tăng nặng ngập ở TPHCM còn do một số nguyên nhân chủ quan từ các hoạt động con người gây ra. Nhiều khu dân cư mới phát triển theo dạng tự phát lan rộng, nên có hệ thống tiêu nước chắp vá, đấu nối... không đủ khả năng hoạt động. Ở khu vực ngoại thành mới phát triển, chính quyền địa phương chưa chú trọng đúng mức xây dựng hệ thống tiêu thoát nước, khiến tình trạng ngập do mưa, triều và lũ đều gia tăng nhanh trong 10-15 năm gần đây.

Trận mưa lớn do cơn bão số 9 gây ra, đã gây ngập khắp nơi ở TPHCM.

Trận mưa lớn do cơn bão số 9 gây ra, đã gây ngập khắp nơi ở TPHCM.

Đáng chú ý, trong nhiều năm qua, không những một số sông, rạch bị lấn chiếm, thu hẹp và biến mất, mà còn nhiều diện tích ao hồ, đầm lầy, vùng trũng ngập nước ở TPHCM cũng bị san lấp. Đặc biệt, khu vực quận 7 là nơi trũng thấp, mật độ sông rạch cao, đóng vai trò rất quan trọng đối với khả năng tiêu thoát nước cho toàn TP, nhưng hiện đã dành phần lớn diện tích cho phát triển đô thị. Đến nay, đã có khoảng 30% diện tích với hơn 100 kênh, rạch (khoảng 4.000ha) đã bị lấn chiếm. Trên toàn TP hiện cũng còn tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả (thuộc 23 tuyến đường), 105 hầm ga (thuộc 41 tuyến đường), 13,9km cống và 394 hầm ga (thuộc 92 tuyến đường), 61 vị trí lấn chiếm kênh, rạch phục vụ thoát nước.

Hàng trăm ngàn tỷ đồng chống ngập

Đứng trước tình trạng ngập nước ngày một gia tăng, Tổ chức JICA Nhật Bản đã hỗ trợ TPHCM Dự án thoát nước và xử lý nước thải (1998-1999) và sau đó là Dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn 1: 2001-2009 và Giai đoạn 2: Từ 2006). Quy hoạch tổng thể thoát nước TP đến năm 2020 cũng do JICA thực hiện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 19-6-2001. Trên cơ sở quy hoạch này, 4 dự án thoát nước ưu tiên với mục tiêu xóa, giảm ngập và cải thiện môi trường nước cho vùng trung tâm TP bằng nguồn vốn ODA đã và đang được triển khai xây dựng.

Song đến nay, ở 4 lưu vực tiêu chính theo Dự án JICA, Dự án Môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè hiện đã cơ bản hoàn thành các nội dung chính, một số hạng mục đang xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2018, với tổng kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng. Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ đã hoàn thành giai đoạn I, đang triển khai giai đoạn II và chuẩn bị giai đoạn III, với tổng kinh phí khoảng 11.000 tỷ đồng.

Dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm hiện cũng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại nhà máy xử lý nước thải đang kêu gọi đầu tư, với tổng kinh phí khoảng 9.000 tỷ đồng. Dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên và suối Nhum cũng đã hoàn thành một số hạng mục chính, còn một số hạng mục đang và sẽ tiếp tục triển khai, với tổng kinh phí khoảng 35.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiểu Dự án lưu vực rạch Hàng Bàng với 8 dự án cải tạo hệ thống thoát nước cũng đã được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn từ 2009-2012, còn các hợp phần khác đang được tiếp tục triển khai. Theo thống kê sơ bộ, tổng nguồn vốn cho tất cả các dự án chống ngập và cải thiện môi trường nước TPHCM đến 2020 là khoảng trên 200.000 tỷ đồng.

Sai lầm trong quy hoạch?

GS. Nguyễn Ân Niên, Hội Khoa học và Kỹ thuật thủy lợi TPHCM phân tích, ngày 25-11 vừa qua, TPHCM hứng chịu một trận mưa khủng khiếp rải đều ở các quận, huyện, với vũ lượng ngoài tưởng tượng 300-400mm, gây ngập lụt thảm họa trên 40 tuyến đường. Đến sáng ngày 26-11, trên nhiều tuyến đường, ô tô, xe máy chết máy nằm la liệt khắp nơi, tình trạng này làm bộc lộ những mặt kém cỏi của hệ thống chống ngập mà TP đã bỏ hàng trăm ngàn tỷ đồng ra đầu tư.

Ông Niên cho rằng, ngập nặng ngoài lý do lũ và triều cường, mưa lớn, hệ thống thoát nước cũ kỹ, quá tải, thì còn do tác động của con người nảy sinh trong hoạt động quy hoạch, thiết kế và xây dựng các công trình, san lấp nền dẫn tới thu hẹp mặt cắt sông, rạch, làm cản trở dòng chảy.

Theo ông Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, vấn đề ngập nước ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KT-XH nên công tác chống ngập rất quan trọng. Về giải pháp, ông Thành cho rằng ngoài việc thi công những công trình lớn cần thống kê tính toán tổn thất xã hội do ngập hàng năm; chuyển đổi nhận thức, hành vi của người dân; xử phạt nghiêm hành vi xả rác làm tắc cống rãnh… Đặc biệt, ông ủng hộ dự án máy bơm cục bộ như đường Nguyễn Hữu Cảnh, mô hình thoát nước vi mô: hộ gia đình; liên kết doanh nghiệp theo vùng bị ngập…

Trong khi đó, theo GS. Lê Huy Bá, chuyên gia đô thị, trong nhiều năm trước TP đã sai lầm, hoặc thậm chí rất sai lầm trong chiến lược quy hoạch và thực hiện quy hoạch thoát nước đô thị. Quy hoạch sai cơ bản và mang tính manh mún, chưa hệ thống, chưa bao quát. Bởi lẽ cơ quan hữu quan chưa đặt TP vào một vị thế là một đô thị bán ngập triều, đô thị nằm trên vùng kênh rạch chằng chịt, đất chưa có nền ổn định.

TP đã có ý tưởng rất khoa học là phải quy hoạch cống thoát nước thải riêng và nước mưa riêng, nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Theo ông Bá, để giảm nhẹ gánh nặng đầu tư của nhà nước, tư nhân nhận thi công dự án phải tuân theo một số quy định về thiết kế chống ngập từng lưu vực, đã được hội đồng khoa học duyệt và phải qua đấu thầu công khai. Đặc biệt, TP cần rà soát kỹ hơn về các dự án đã và đang thực hiện, tránh tình trạng như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đẹp cảnh quan mà vấn đề cốt lõi là ô nhiễm chưa giải quyết được.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/tphcm-nan-giai-chong-ngap-do-thi-63799.html