TPHCM hụt quỹ bảo hiểm y tế 1.800 tỷ đồng

Năm 2019 là năm đầu tiên các tỉnh, thành phố được Chính phủ giao nguồn kinh phí hoạt động khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) để phân bổ về các bệnh viện, dựa trên chi phí thanh toán BHYT năm 2018.

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Quận Bình Tân (TPHCM)

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Quận Bình Tân (TPHCM)

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, việc sử dụng quỹ BHYT tại một số cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm vượt so với dự toán được giao. Điều này ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi bệnh nhân BHYT và hướng giải quyết ra sao? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, năm 2019, TPHCM được giao dự toán chi BHYT bao nhiêu? Số tiền đó có phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố hay không?

Ông PHAN VĂN MẾN: Năm 2019, TPHCM được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi phí KCB theo Quyết định số 22/QĐ-TTg với tổng số tiền là 18.190 tỷ đồng, bao gồm chi phí cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại TPHCM (9.574 tỷ đồng) và bệnh nhân từ tỉnh khác chuyển đến (8.616 tỷ đồng). Việc giao dự toán cho TPHCM căn cứ vào số người tham gia BHYT tại thành phố, chi khám chữa bệnh BHYT các năm gần nhất là 2017, 2018. Tuy nhiên, số người tham gia BHYT tại TPHCM đến 31-8-2019 là 7.281.390 người, tăng khoảng 490.000 người so với tháng 8-2018, và từ nay đến 31-12-2019 số người tham gia BHYT sẽ tăng thêm 200.000 người. Do đó chi phí KCB sẽ tăng cao. Mặt khác, tại TPHCM, các bệnh viện tuyến Trung ương, các cơ sở y tế tuyến cuối nhiều, bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại và thầy thuốc có chuyên môn giỏi nên thu hút nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh đến KCB. Chính vì vậy, dự toán chi KCB đến hết năm tại TPHCM thiếu khoảng 1.800 tỷ đồng.

Vậy, tình trạng vượt chi quỹ BHYT tại các đơn vị có ảnh hưởng gì đến quyền lợi bệnh nhân hay không, thưa ông?

8 tháng đầu năm 2019, tổng số chi BHYT trên địa bàn TPHCM là 13.099 tỷ đồng, chiếm 72% so với dự toán của Chính phủ giao. Trong đó có 40 cơ sở KCB chi trên 70% dự toán, đặc biệt có 10 cơ sở (tính hết ngày 31-8-2019) chi từ 80% dự toán trở lên như: Bệnh viện Tân Hưng, Bệnh viện Mắt Việt Hàn, Bệnh viện Mắt Phương Nam, Phòng khám Hoàn Hảo, Phòng khám Phong Tâm Phúc… Nguyên nhân của tình trạng vượt chi quỹ BHYT là do cơ sở KCB tự chủ về tài chính, chỉ định thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật nhằm khấu hao máy móc nhanh, tăng lượng bệnh nhân nội trú… Trong 8 tháng đầu năm, một số đơn vị có dịch vụ kỹ thuật tăng so với cùng kỳ năm 2018, như: Phòng khám Đa khoa Phong Tâm Phúc tăng 60,42%; Bệnh viện Ngoại thần kinh quốc tế tăng 62,15%; Bệnh viện Đức Khang tăng 61%… Ngoài ra, chi phí bình quân một lần KCB nội trú của một số cơ sở y tế tăng 9,3% so với năm 2018, ngoại trú tăng 5%. Trong đó một số đơn vị tăng cao, như Bệnh viện Tâm Trí, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, Bệnh viện Mắt Sài Gòn.

Mặt khác, thực hiện Thông tư 39/2018 của Bộ Y tế, các chi phí KCB, bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế, mức giá điều chỉnh các dịch vụ y tế tăng trung bình 3,2%; trong đó, giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%.

Đối với các bệnh viện đã chi vượt dự toán, BHYT có rà soát và bắt buộc xuất toán không, thưa ông?

Hiện tại, BHXH TPHCM yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm soát chi phí KCB sao cho hợp lý và tránh lạm dụng quỹ BHYT, đồng thời sử dụng các công cụ hỗ trợ từ phần mềm điện tử của hệ thống giám định để rà soát quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí được giao tại đơn vị. BHXH TP đã từ chối thanh toán các trường hợp lạm dụng quỹ KCB và xuất toán chi phí KCB không hợp lý của đơn vị. BHXH đã tăng cường rà soát, kiểm tra thường xuyên đối với các đơn vị có gia tăng chi phí bất thường; tìm hiểu rõ các nguyên nhân vì sao tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, chi phí thuốc gia tăng. BHXH cũng phát hiện một vài cơ sở có biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT bằng việc chuyển bệnh nhân điều trị ngoại trú vào nội trú, thu gom bệnh nhân từ các tỉnh đến KCB tại đơn vị (do từ quý 2-2019 được thông tuyến quận huyện đối với các đơn vị ngoài công lập được phân hạng 3). Điển hình như: Bệnh viện Tâm Trí xảy ra tình trạng thu gom bệnh nhân từ các tỉnh đến KCB; Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Bệnh viện Mắt Việt Hàn, Bệnh viện Mắt Phương Nam gia tăng chi phí thực hiện phẫu thuật mổ phaco...

Trước thực trạng đó, cần biện pháp chấn chỉnh hay chế tài như thế nào, thưa ông?

Hiện BHXH TPHCM phối hợp cùng Sở Y tế báo cáo UBND TPHCM về tình hình gia tăng chi phí KCB để gửi Bộ Tài chính, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các đơn vị có biểu hiện lạm dụng, trục lợi trong việc sử dụng Quỹ BHYT, BHXH TPHCM sẽ gửi hồ sơ có liên quan đến cơ quan điều tra để giải quyết.

THÀNH AN thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-hut-quy-bao-hiem-y-te-1800-ty-dong-617150.html