TPHCM: Hơn 500 cửa hàng tiện lợi được mở mới

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm và đồ uống trên địa bàn TPHCM liên tục được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp trong thời gian qua. Qua đó giúp các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống có thêm nhiều kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa.

Các doanh nghiệp ngày càng có thêm nhiều kênh phân phối hàng hóa. Ảnh: N.Hiền

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, hiện trên địa bàn TPHCM có 2.279 cửa hàng tiện lợi, tăng 507 cửa hàng so cuối năm 2017. TPHCM cũng đã phát triển được 4.127 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường, tăng 184 điểm bán so với Chương trình bình ổn lương thực thực phẩm năm 2017.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong và ngoài nước trên thị trường bán lẻ thành phố, các doanh nghiệp nội cũng đang đẩy mạnh đầu tư, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước nhằm mở rộng quy mô sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng nội lực cạnh tranh. Hiện Sở Công Thương TPHCM đang làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai Đề án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản.

Mặt khác, các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng đang tận dụng tối đa lợi thế khi có sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp nước ngoài bằng việc tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ, từng bước đa dạng hóa sản phẩm và khả năng tiện ích cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, khẩu vị, nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng. Nhiều yếu tố khác cộng lại giúp cho nhóm các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống trở thành những doanh nghiệp thương hiệu mạnh có uy tín trong nước và xuất khẩu.

Theo Hội Lương thực – Thực phẩm thành phố, hiện nay người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn đối với những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Do đó, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống thành phố cũng định hướng tập trung phát triển đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng xu hướng này.

Định hướng này dựa trên những cơ sở về lợi thế của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam với các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển đã từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, có thể kể đến các vấn đề về cải cách hành chính, chương trình hỗ trợ vốn vay, kích cầu hoạt động sản xuất kinh doanh,…

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các chiến dịch truyền thông, quảng bá để hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm và giữ vững thị phần trên sân nhà đã phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; Chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương, cùng nhiều chương trình xúc tiến thương mại thường xuyên, với quy mô ngày càng tăng trên địa bàn thành phố.

Thông qua các chương trình trên, người tiêu dùng trong nước đã và đang ngày càng tin dùng hàng hóa có nguồn gốc sản xuất trong nước. Trong đó, hình ảnh thương hiệu sản phẩm thuộc ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam không chỉ đáp ứng thị hiếu thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu.

Trong 10 tháng năm 2018, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống của TPHCM ước tăng 7,19% (cùng kỳ tăng 3,92%); trong đó sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,69% (cùng kỳ tăng 5,16%) và sản xuất đồ uống tăng 4,57% (cùng kỳ tăng 2,63%).

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tphcm-hon-500-cua-hang-tien-loi-duoc-mo-moi.aspx