TPHCM, Hà Nội phải có đề án sắp xếp cơ quan báo chí trước 31-12

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ký ban hành Kế hoạch số 1738 'Triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025', theo đó, trước 31-12-2019, TPHCM và Hà Nội phải có đề án sắp xếp tối đa còn 5 cơ quan báo chí. Năm 2025: Hà Nội, TPHCM chỉ còn một cơ quan báo chí

 Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai quy hoạch báo chí. Theo đó, TP Hà Nội và TPHCM có đề án thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch còn tối đa 5 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo), trước ngày 31-12-2019 phải có đề án gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai quy hoạch báo chí. Theo đó, TP Hà Nội và TPHCM có đề án thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch còn tối đa 5 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo), trước ngày 31-12-2019 phải có đề án gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành, việc sắp xếp nói trên phải đảm bảo đúng với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản báo chí quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 362/QD-TTg (ngày 3-4-2019) của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 23/NQ-CP (ngày 10-4-2019) của Chính phủ, nhằm đảm bảo phát triển báo chí đi đôi với quản lý theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp.

Yêu cầu cụ thể đối với từng loại hình báo chí, tổ chức

Kế hoạch 1738 đặt ra yêu cầu, trước ngày 31-7-2019, các tổ chức ở Trung ương sẽ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch, đề nghị có văn bản báo cáo gửi Bộ TTTT để tổng hợp; trước 30-9-2019, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp có hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ TTTT tiến hành các thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định. Trước 31-12-2019, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có đề án thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch còn tối đa 3 cơ quan báo chí; tới 30-6-2020 cơ quan này có hồ sơ, thủ tục gửi Bộ TTTT để tiến hành các thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định.

Đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội Trung ương hiện có cơ quan báo đề xuất chuyển sang các bộ, cơ quan ngang bộ cần có văn bản gửi cơ quan chủ quản mới và phải được đồng ý tiếp nhận bằng văn bản. Chậm nhất đến 30-9-2019, cơ quan chủ quản báo chí phải có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động báo chí.

Đối với việc thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trước 31-12-2019, phải hoàn thành sắp xếp đúng quy hoạch; tới 30-6-2020, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp có hồ sơ gửi để tiến hành thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản quy định.

Với các cơ quan báo chí hoạt động truyền hình không nằm trong định hướng sắp xếp tại quy hoạch, phải có phương án thực hiện sắp xếp, hoàn thành lại trước 31-12-2020; chậm nhất đến 30-11-2019 phải báo cáo Bộ TTTT kế hoạch sắp xếp này.

Trước năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; có văn bản báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông sau khi được phê duyệt.

Yêu cầu đối với các cơ quan báo chí trực thuộc địa phương

Với các cơ quan báo chí trực thuộc địa phương cũng có lộ trình tương tự, tới 31-12-2019, phải thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch. TPHà Nội và TPHCM có đề án thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch còn tối đa 5 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo), trước ngày 31-12-2019 phải có đề án gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. Chậm nhất tới 30-6-2020, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp có hồ sơ, thủ tục gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định.

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng rà soát, sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông trước 31-12-2019. Chậm nhất 30 ngày trước khi giấy phép của cơ quan báo chí trực thuộc hết hiệu lực, phải có văn bản thông báo cho Bộ này. Trường hợp chuyển sang trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, trước 30-9-2020 phải có văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản mới. Nếu sau ngày 30-9-2020 mà không có văn bản đề xuất hay tiếp nhận theo quy định, phải có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động báo chí để Bộ TTTT thu hồi giấy phép theo quy định.

Cũng theo Kế hoạch 1738, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan chủ quản tiến hành việc sắp xếp, rà soát phải đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch báo chí, các quy định của pháp luật, tránh tình trạng “báo hóa” tạp chí. Cơ quan này cũng sẽ chủ động rà soát vấn đề này trong quá trình cấp lại giấy phép hoạt động cho các cơ quan báo chí.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, Hà Nội và TPHCM đến năm 2025 sắp xếp còn một (1) cơ quan báo chí.

Theo bản quy hoạch nêu trên, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành.

Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 5 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo.

Theo phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, định hướng và phương án sắp xếp đối với báo in (cả báo và tạp chí) gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in. Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp bộ, ngành trung ương, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý.

Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền.

Phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện như sau: Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản.

Đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá một tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội -nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 2 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí. Quân khu, quân chủng có 1 cơ quan báo hoặc 1 cơ quan tạp chí.

Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan tạp chí.

Đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020.

Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí khoa học chuyên ngành. Các cơ quan tạp chí này thực hiện tự chủ theo quy định của pháp luật.

Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử, phương án sắp xếp đối tương tự như đối với báo, tạp chí in. Các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in như quy định trên đây thì được phép có báo, tạp chí điện tử. Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

Các báo điện tử hiện có cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội -nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí. Về cơ bản các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại.

T.Q

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289756/bo-thong-tin-va-truyen-thong-trien-khai-quy-hoach-bao-chi-den-nam-2015.html