TPHCM: Giờ lên lớp sinh động với chuyên đề âm nhạc

Chuyên đề 'Giới thiệu nhạc cụ dân tộc cho học sinh tiểu học' cụm chuyên môn 2 của TPHCM tổ chức tại Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) đã trở thành cầu nối ban đầu giúp học sinh (HS) kết nối với nhiều loại nhạc cụ tiêu biểu. Đây cũng là cơ hội vàng để niềm tự hào về một nền âm nhạc có sức sống lâu bền trải qua bốn nghìn năm lịch sử của HS có dịp chắp cánh bay cao.

Hoạt động trong Chuyên đề “Giới thiệu nhạc cụ dân tộc cho học sinh tiểu học”. Ảnh minh họa

Hoạt động trong Chuyên đề “Giới thiệu nhạc cụ dân tộc cho học sinh tiểu học”. Ảnh minh họa

Giờ học trên sân khấu âm nhạc

Không chỉ lần đầu được nhìn tận mắt mà HS toàn trường còn được cầm nắm và thưởng thức say sưa các giai điệu trữ tình vang lên giữa sân trường từ những loại nhạc cụ dân tộc đơn giản nhưng thật sự độc đáo.

Một sân khấu rộng lớn với nghìn khán giả là HS ngồi xem phía dưới mở ra giống như một buổi biểu diễn nghệ thuật. Thế nhưng đây cũng được coi là giờ lên lớp của các nghệ sĩ trong Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương tại TPHCM. Có lẽ đây là buổi học mà các em háo hức nhất vì người dạy là những nhạc công, nghệ sĩ nổi tiếng lấy các loại nhạc cụ và đặc biệt là các tác phẩm âm nhạc làm đồ dùng dạy học trực quan sinh động.

Ngay từ khi vào bài các em đã được cô giáo là NGƯT Thúy Hoan giới thiệu sơ lược về nền âm nhạc dân tộc nước nhà và đặc biệt là các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam. Với giọng nói truyền cảm và kiến thức chuyên sâu, NSƯT Thúy Hoan đã lôi kéo các em bằng những câu chuyện lịch sử về gia tài âm nhạc dân tộc mà tổ tiên ông cha đã truyền lại. Từng được phỏng vấn trên truyền hình, dạy các khóa nghệ thuật và nhiều lần ra nước ngoài biểu diễn, NGƯT Thúy Hoan đã có một “giáo án lên lớp” rất chỉn chu và chuyên nghiệp

Không khí buổi học được hâm nóng khi các nghệ sĩ giới thiệu từng loại nhạc cụ dân tộc. Sau câu hỏi ban giám khảo đưa ra: “Các con có biết đây là đàn gì không?” thì hàng loạt cánh tay sôi nổi giơ lên rất tự tin. Dù chưa học tới nhưng các loại nhạc cụ là “gương mặt thân quen” như: Đàn bầu, đàn tranh, đàn tơ rưng, sáo trúc... nhưng hầu như các em lớp dưới đều có đáp án “không chệch đường ray”. Những lời khen, quà thưởng dù đó chỉ là tràng pháo tay đã giúp các em HS hào hứng với buổi học.

Một vài loại nhạc cụ khác không phổ biến như đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà chỉ dùng trong một số loại hình nghệ thuật có phạm vi hẹp như hát xẩm, hát chèo, hát trống quân hay cả vọng cổ đã trở thành sự thách đố không nhỏ đối với nhiều HS. Nhưng đây chính là những giây phút trải nghiệm hồi hộp và lý thú nhất vì có nhiều chất xúc tác kích thích trí nhớ và kiến thức phổ cập về âm nhạc. Tiết học sinh động và gay cấn tựa hồ game show nhỏ trong sân trường để rồi có kẻ thắng người thua rất kịch tính.

Trở thành nội dung giáo dục quan trọng

Đối với HS khối 4, khối 5 các em có thể nhìn thấy các loại nhạc cụ dân tộc qua hình vẽ trên bảng hoặc trên màn hình. Nhưng trong buổi làm quen này, chính các em mới được “tai nghe, mắt thấy” các loại nhạc cụ đó do các nghệ sĩ đem đến tận tay từng bạn nhỏ. Đây chính là giây phút sung sướng nhất vì hầu hết đối với các em tất cả đều xa lạ. Em Tuyết Nga - HS lớp 3 trả lời: “Con đã thấy đàn bầu trên truyền hình nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn tận mắt và cầm thử để khảy”. Hầu hết các HS hôm đó rất thích thú vì được làm quen với nhiều “người bạn mới” trong giờ học Âm nhạc toàn trường.

Thế nhưng cửa ải khó khăn trong giờ học vẫn chưa khép lại. Nhiều HS thật sự lúng túng khi xướng tên từng loại đàn do cách gọi vùng miền khác nhau. “Con cứ tưởng đàn nguyệt và đàn kìm khác nhau, ai ngờ cũng là một” - Quốc Huy, HS lớp 2 cho hay. “ Bây giờ con mới hay đàn nhị và đàn cò là 2 cách gọi tên khác nhau của miền Bắc và miền Nam” - Bảo Hân tiết lộ.

Với cách dẫn dắt dễ hiểu, gần gũi, NGƯT Thúy Hoan đã đưa các em đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi từng bước khám phá về cấu tạo, giai điệu từng loại nhạc cụ mà một số em mới được tiếp xúc lần đầu. Nhiều tiết mục hòa tấu từ các loại nhạc cụ dân tộc như Bắc kim thang, Bèo dạt mây trôi, Lý ngựa ô… đã được các nghệ sĩ thuộc CLB Tiếng hát quê hương “điểm danh” gây ấn tượng mạnh đối với người nghe. Đây là những phút giây thoải mái và lắng đọng nhất.

Từng giai điệu du dương cất lên từ đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ đã làm cho cả sân trường như chìm vào không gian âm nhạc điền dã. Chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã làm giàu hơn kho tàng âm nhạc quý báu của dân tộc. Tiếng lòng cha ông, hồn thơ đất nước vọng về trong mỗi dây đàn bình dị mà độc đáo. Giờ học âm nhạc đã chuyển tải thêm bài học về lịch sử, về giá trị của vốn văn hóa văn nghệ dân tộc, bồi đắp thêm những tình cảm dồi dào về lòng yêu quê hương, xứ sở.

Bên cạnh thanh âm của người nghệ sĩ dân gian, HS cũng tham gia biểu diễn một số tiết mục văn nghệ được các cô, các chú trong CLB đệm đàn. Lớp cha trước lớp con sau, dù còn mỏng manh, non nớt nhưng những nốt nhạc mà các “nghệ sĩ áo trắng” biểu diễn đã biết chắt chiu những giọt vàng để tự tin hòa mình vào trong dòng chảy lớn của bản đại hợp xướng mà các nghệ sĩ cùng tương tác trên sân khấu.

Thầy Nguyễn Trung Hải - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: “Âm nhạc là nhịp cầu thời gian để ta trở về với cội nguồn dân tộc. Vì thế việc giới thiệu nhạc cụ dân tộc đã trở thành một nội dung GD quan trọng trong nhà trường, giúp các em nhận được giá trị tinh thần vô cùng to lớn kết tinh trong các làn điệu dân ca. Những chuyên đề âm nhạc được nhà trường tổ chức hàng năm đã hoàn thành nhiệm vụ giúp HS cấp TH làm quen với các loại nhạc cụ dân tộc để các em biết quý trọng kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của nước nhà”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tphcm-gio-len-lop-sinh-dong-voi-chuyen-de-am-nhac-4057762-b.html