TPHCM giao công an điều tra những đối tượng tung tin sai lệch 'thổi giá' dự án BĐS để xử lý

UBND TPHCM vừa ban hành văn bản 4307/UBND-ĐT, chỉ đạo các sở ngành liên quan kiểm tra, rà soát thị trường bất động sản. UBND TP.HCM cũng giao lực lượng công an điều tra các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về thị trường bất động sản làm lũng đoạn thị trường nhằm thu lợi bất chính.

Trước tình trạng giới đầu cơ làm lũng đoạn thị trường BĐS, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc xử lý.

Trước tình trạng giới đầu cơ làm lũng đoạn thị trường BĐS, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc xử lý.

Điều tra đối tượng “thổi” giá đất tăng phi mã: Giới đầu cơ hết thời “làm loạn”?

Sáng 21/9, trao đổi với PV báo Lao Động, lãnh đạo Văn phòng UBND TPHCM cho biết, thành phố đã giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường và UBND cấp quận kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư công khai, minh bạch thông tin về tiến độ các dự án bất động sản.

Thành phố cũng giao lực lượng công an phối hợp với UBND quận, huyện sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản để xử lý theo quy định.

Với việc vào cuộc của lực lượng công an, thông tin thất thiệt về thị trường BĐS có khả năng giảm đi.

Vị lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM cho biết thêm, trong quá trình thi hành nếu có vướng mắc thì các cơ quan liên quan báo cáo, để UBND TP có chỉ đạo kịp thời. Tất cả vì mục đích, ổn định thị trường bất động sản, không để xảy ra việc “sốt giá” đất, dẫn đến “bong bóng” bất động sản.

Thu nhập của người dân TP.HCM chỉ tăng 6%, giá bất động sản tăng tới 30%

Chiều 21/9, trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua tăng cao chủ yếu là do giới đầu cơ sử dụng nhiều chiêu trò để đẩy giá lên cao, nhằm mục đích kiếm lời từ các sản phẩm đã gom mua trước đó.

Cũng theo ông Đực, trong năm năm qua, thu nhập của người dân TP.HCM chỉ tăng khoảng 6%, trong khi đó giá bất động sản tăng tới 30%. “Điều này là chưa đúng với giá trị sản phẩm và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của TPHCM đang triển khai. Vì vậy, TP.HCM yêu cầu các cơ quan liên quan như Sở xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường và Công an vào cuộc xử lý những tồn tại là cần thiết.”- ông Đực nói.

Với “chiêu trò” của giới đầu cơ, đã làm cho giá đất tại TP.HCM thời gian qua tăng đến 70% so với cùng kỳ năm năm 2017.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản thì nhận định, trên địa bàn thành phố có hiện tượng các nhà đầu cơ thao túng và thông tin sai lệch dự án bất động sản rồi đẩy giá lên cao, khai thác yếu tố tâm lý chuyển nhượng để hưởng chênh lệch, dẫn đến giá trị giao dịch các loại bất động sản này tăng đột biến.

"Việc UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan có biện pháo xử lý. Điều này sẽ chấn chỉnh kịp thời tình trạng làm lũng đoạn thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu mua nhà để an cư"- bà Oanh nói.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM thì cho rằng, cơ quan chức năng sẽ tìm ra đối tượng nào tung tin sai lệch về thị trường bất động sản, mức độ sai phạm này đến đâu và ảnh hưởng thế nào đến thị trường, trên cở sở đó sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. “UBND TP.HCM ban hành văn bản 4307 chủ yếu là mục đích phòng ngừa, ngăn chặn thị trường bất động sản tránh bị bong bóng. Khi các cơ quan chức năng cùng vào cuộc thì thị trường bất động sản sẽ minh bạch hơn" - luật sư Hòa nói.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tphcm-giao-cong-an-dieu-tra-nhung-doi-tuong-tung-tin-sai-lech-thoi-gia-du-an-bds-de-xu-ly-632149.ldo