TPHCM gấp rút xây dựng sản phẩm chủ lực

Ngày 25-7, Sở Công thương TPHCM đã có cuộc họp với hơn 30 chuyên gia để bàn giải pháp xây dựng chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố có thực hiện chương trình chủ lực nhưng sự gián đoạn và không tiếp nối trong thời gian qua đã khiến doanh nghiệp không mặn mà. Hơn nữa, tiêu chí đánh giá để xác định sản phẩm chủ lực còn chưa đa chiều và không thực sự phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.

Xác định sản phẩm chủ lực: cách nào?

Theo đề xuất gợi mở của Sở Công thương, xác định sản phẩm chủ lực của thành phố sẽ dựa trên hai nhóm tiêu chí là năng lực cạnh tranh trên thị trường (chất lượng sản phẩm, nguồn lực, chi phí sản xuất, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hoặc sản phẩm của quá trình ứng dụng công nghệ cao, đóng góp cho sản xuất…) và nhóm tiêu chí quy mô của sản phẩm (tỷ trọng/đóng góp của sản phẩm trong ngành, tốc độ tăng trưởng cũng như lợi thế so sánh của sản phẩm…).

Tuy nhiên, theo góp ý của các doanh nghiệp cũng như chuyên gia tham dự, những tiêu chí xét chọn trên chưa hoàn toàn phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế và khả năng phát triển, dịch chuyển của các ngành hàng hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Cao su Thống Nhất, cho rằng, việc xác định sản phẩm đó có phải chủ lực hay không cần tính đến sự phát triển dài hơi của doanh nghiệp và ngành hàng. Có những sản phẩm được xác định là chủ lực hiện tại nhưng trong thời gian tới sẽ không còn phù hợp. Mặt khác, về quy mô và tỷ trọng đóng góp cho thị trường cũng cần phải có cái nhìn toàn diện hơn. Bởi có những doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất hàng xuất khẩu. Còn thị trường trong nước thì chiếm một tỷ lệ rất ít.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tổng công ty May 28 Bộ Quốc phòng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, hiện tại dệt may được xác định là ngành chủ lực nhưng trong thời gian tới, ngành dệt may khó có khả năng trụ lại thành phố do chi phí nhân công, lương, giá thuê hạ tầng… tăng khá cao, không thể cạnh tranh với các thị trường mới nổi. Các doanh nghiệp đã có định hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất sang tỉnh lân cận. Như vậy, nếu xác định sản phẩm chủ lực, thành phố chỉ nên chọn phân khúc sản phẩm đầu cuối là khâu thiết kế thời trang và dịch vụ logistics.

Ở khía cạnh khác, bà Lê Thanh Lâm, Phó giám đốc Saigon Food, cho rằng, việc xét chọn sản phẩm chủ lực dựa trên thương hiệu và quy mô thị trường của sản phẩm cũng chưa phù hợp mà cần có đánh giá đa chiều hơn. Có những sản phẩm mới vừa được đầu tư nghiên cứu và ra thị trường được 5 năm thì không thể có thương hiệu và quy mô thị trường đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, nếu xét về tính độc quyền, khả năng cạnh tranh và tiềm năng phát triển thì lại rất lớn. Mặt khác, cơ giới hóa đang được doanh nghiệp áp dụng mạnh để giảm tỷ trọng lao động. Vậy yếu tố này sẽ không thể đáp ứng tiêu chí có tác động đến nguồn nhân lực nhưng lại là xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Không dừng lại đó, tiêu chí về hàm lượng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hoặc sản phẩm của quá trình ứng dụng công nghệ cao, đóng góp cho sản xuất cũng mang tính chung chung, rất khó định lượng hoặc định tính để xác định trên từng sản phẩm.

Nhóm ngành hàng chế biến từ nông, lâm, ngư nghiệp đang được đề xuất là sản phẩm chủ lục

Cần xác định sản phẩm chủ lực theo nhóm ngành

Theo ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, tiêu chí đầu tiên phải là sản phẩm của doanh nghiệp thuần Việt và gắn liền với sự phát triển của thành phố. GS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Luật Kinh tế TPHCM, nhấn mạnh thêm, trên cơ sở là sản phẩm thuần Việt, thì phân theo nhóm ngành hàng để xác định sản phẩm chủ lực. Không nhất thiết chỉ có những ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao mới là ngành chủ lực mà tùy vào từng ngành nghề nhất định mức tiêu chí xác định cũng khác nhau. Đơn cử, nhóm ngành có hàm lượng công nghệ lao động cao, chủ yếu lao động giản đơn (dệt may, da giày…); ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ lao động cao, vừa sử dụng nhiều nguyên liệu từ các ngành nông, lâm, ngư nghiệp (chế biến lương thực, thực phẩm); ngành hàng có hàm lượng tư bản cao và dựa vào nguồn tại nguyên khoáng sản (luyện kim, luyện thép, hóa dầu…); ngành có hàm lượng công nghệ cao (máy tính, xe hơi, máy công cụ, linh kiện…)…

Cùng với việc xác định nhóm ngành hàng chủ lực, theo TS Huỳnh Thế Du, Trường Đại học Fulbright, thành phố nên có định hướng vào những ngành sẽ ưu tiên phát triển, kết hợp với việc tạo cơ chế hỗ trợ cho những ngành đang có tiềm năng được phát triển mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, cách hỗ trợ cũng chỉ mang tính chất gián tiếp như tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ sản xuất, khoảng trống thị trường...

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, mức tăng trưởng kinh tế trong những năm qua liên tục tăng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng năng lực phát triển của thành phố đang phát sinh nhiều bất cập. Cụ thể như năng lực cạnh tranh chưa cao, hạ tầng xuống cấp, đất sản xuất còn ít so với nông nghiệp, giá thuê đất cao so với các tỉnh thành, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm còn thấp, hoạt động bán lẻ đang bị cạnh tranh gay gắt với nhà phân phối ngoại, sản phẩm chủ lực chưa được xác định rõ.

Việc xác định sản phẩm chủ lực là cần thiết để có định hướng hỗ trợ phù hợp, tăng nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện để tăng hiệu quả xúc tiến, phát triển sản phẩm mang thương hiệu của thành phố tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Do vậy, với những ý kiến đóng góp đa chiều từ chính doanh nghiệp sản xuất, hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia, Sở Công thương tiếp tục nghiên cứu và trao đổi thêm với nhiều doanh nghiệp thuộc các hội ngành nghề khác để có thể xây dựng bộ tiêu chí đa chiều, đánh giá đầy đủ và tiệm cận nhất với các sản phẩm của doanh nghiệp. Từ đó, có sự tham mưu cho UBND TP được chuẩn xác hơn, phù hợp với yêu cầu kinh tế hiện nay.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-gap-rut-xay-dung-san-pham-chu-luc-535087.html