TPHCM được thí điểm cơ chế đặc thù: Người dân hưởng lợi thế nào?

Ngày 24/11, Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết cho phép TPHCM thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù theo đề xuất của Chính phủ, Tiền Phong ghi nhận ý kiến của lãnh đạo UBND TPHCM và các chuyên gia về vấn đề này.

Một góc TPHCM. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Một góc TPHCM. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Đòn bẩy kích thích tăng trưởng

Giai đoạn 2010-2016, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 9,6% nhưng từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng GRDP chỉ đạt 8,05%. Năm nay, thành phố cố gắng phấn đấu đạt 8,4% nhưng không thể được. Vừa rồi sơ bộ tính toán thì GRDP tăng cao nhất cũng chỉ đạt 8,25%.

Năm 2017, Trung ương (TW) giao TPHCM thu ngân sách 347.000 tỷ đồng, trước nhiệm vụ được giao, thành phố cũng nỗ lực thu nhưng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu nội địa. Trước đây tỷ lệ ngân sách TW điều tiết cho thành phố là 23%, nhưng nay chỉ còn 18%. Trong số đó cao nhất cũng chỉ chi 35% cho đầu tư xây dựng cơ bản, còn thành phố phải chủ động bằng các phương thức để huy động nguồn lực từ bên ngoài, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư. Nếu kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, như ODA chẳng hạn thì phải có vốn đối ứng. Hay muốn triển khai các dự án TPP thì phải có vốn mồi, 1 đồng vốn mồi từ ngân sách thì thu được 14 đồng vốn xã hội.

Khi có cơ chế đặc thù cho thành phố, tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách là không thay đổi vì Quốc hội đã quyết vốn trung hạn nhưng thành phố sẽ tranh thủ được các nguồn lực khác, hiệu quả sẽ rất lớn. Khi có nguồn lực thì quy mô GRDP của TPHCM sẽ tăng lên, lúc đó tỷ lệ đóng góp vào ngân sách TW cũng sẽ lớn hơn về quy mô.

Nghị quyết được Quốc hội thông qua có ý nghĩa rất lớn để giải quyết các điểm nghẽn, giúp TPHCM phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn, bền vững hơn cho đất nước. Đây là đòn bẩy giúp TPHCM phát huy tối đa các nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học, sử dụng hợp lý công cụ thuế và phí để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu.

Nghị quyết cho phép chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cấp dưới làm giảm thủ tục hành chính, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. TPHCM sẽ chủ động xây dựng các đề án cụ thể, lấy ý kiến người dân và các đối tượng bị tác động để tạo sự đồng thuận cao nhất, hoàn chỉnh đề án theo đúng quy trình, thủ tục quy định, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Việc tăng hay giảm các mức thuế, phí sẽ được tính toán, trình phương án kỹ lưỡng nhằm tạo ra sự công bằng tốt nhất trong việc sử dụng tài nguyên, hạ tầng và thu hút đầu tư, kích cầu để phát triển.

Cơ chế đặc thù giúp TPHCM thành nơi đáng sống. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nghị quyết không làm giảm bất cứ nguồn lực nào của các địa phương khác, không động đến cân đối vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra. Tất cả những vấn đề mà TPHCM đề xuất trong tờ trình của Chính phủ thì thành phố đều đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đề xuất. Chẳng hạn việc cải cách tiền lương, quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm phân bổ dự toán đều trong phạm vi ngân sách của TPHCM.

Các nguồn lực TPHCM được giữ lại chi thêm cho đầu tư phát triển cũng dựa trên cơ sở vượt thu khi thực hiện các cơ chế thí điểm. Nghị quyết sẽ là động lực để TPHCM tạo ra nhiều nguồn lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Từ đây, TW phân bổ trở lại nhiều hơn cho các địa phương còn khó khăn. Điều này giúp việc phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực phát triển của quốc gia mà TPHCM có trách nhiệm thực thi cơ chế để cả nước cùng có lợi.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Phạm Ngọc Hưng: Thời điểm chín muồi

TPHCM được là đô thị đặc biệt, trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước nên rất cần cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Là thành phố năng động, tăng trưởng GDP của TPHCM gấp từ 1,5 lần so với cả nước. Tuy nhiên, trong năm 2016, GDP càng lúc càng thấp, không còn gấp 1,5 cả nước nữa. Nếu không thay đổi ngay từ bây giờ, vị trí “đầu tàu” của TPHCM có thể sẽ không còn. Hơn nữa, nếu TPHCM không có sự tự chủ trong tổ chức bộ máy chính quyền thì rất khó đáp ứng yêu cầu thực tế. Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền hiện nay được thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng chưa cụ thể, nên khi triển khai về TPHCM còn nhiều vướng mắc.

Khi thông qua cơ chế đặc thù, thành phố sẽ rất thuận lợi huy động vốn, đầu tư, sử dụng con người, trả lương và nhiều cơ chế khác. Thực ra, cơ chế đặc thù trước đây đã được Chính phủ đồng ý muốn tháo gỡ, nhưng trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ, còn những vấn đề vướng luật chưa làm được. Nay, Quốc hội phê chuẩn thông qua cơ chế đặc thù riêng cho TPHCM nên đây rõ ràng là thời điểm chín muồi cho thành phố.

TPHCM có nhiều chương trình lớn như chống ngập, kẹt xe, đường cao tốc, tàu điện ngầm… tạo ra giá trị vật chất nhưng địa phương không được quyết định tài chính, vì thế khó huy động nguồn lực. Do đó, rất cần thiết có cơ chế đặc thù cho TPHCM để giải quyết các điểm nghẽn.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Cân nhắc thời điểm đánh thuế tài sản

Cơ chế đặc thù là điều kiện để TPHCM phát triển bền vững, đột phá nhằm mục tiêu xây dựng thành phố sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực, xây dựng đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt.

Việc đánh thuế tài sản, trọng tâm là thuế bất động sản, nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm nguồn thu ngân sách ổn định. Ví dụ như bang California (Mỹ) đánh thuế bất động sản khoảng 1,23%/năm trên giá trị tài sản, sau khoảng 81 năm sẽ thu thuế được 100% giá trị của bất động sản và mở ra chu kỳ thu thuế tiếp theo. Tuy nhiên, việc đánh thuế tài sản cần xem xét cẩn trọng, chưa nên thực hiện thí điểm trên địa bàn TPHCM tại thời điểm này mà nên dời lại sau năm 2020 thì phù hợp hơn. Đánh thuế tài sản có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách TPHCM nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là giá nhà, đất tăng lên, kể cả giá đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng tăng lên, đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo.

Nếu thực hiện thì áp dụng đồng thời trên cả nước, không nên thực hiện thí điểm riêng TPHCM hoặc bất cứ tỉnh, thành phố nào. Thuế tài sản cần xem xét một cách đồng bộ, tránh tận thu, thuế chồng thuế. Hiện nay, giá nhà ở TPHCM vẫn còn rất cao, gấp khoảng trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội, thu nhập của người dân, mà một nguyên nhân là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất. Thông thường, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư; khoảng 30% giá nhà phố và khoảng 50% giá nhà biệt thự. Do vậy, khi áp dụng đánh thuế tài sản, thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi.

Huy Thịnh - Uyên Phương - Ngô Bình

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tphcm-duoc-thi-diem-co-che-dac-thu-nguoi-dan-huong-loi-the-nao-1211584.tpo