TPHCM dự kiến tiêm vaccine cho trẻ em, lập khoa COVID-19 ở các bệnh viện

Chỉ thị mới nhất của TPHCM về từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, có nhiều nội dung liên quan lĩnh vực y tế, tiêm vaccine, chăm sóc F0 và phòng dịch.

Sáng 30-9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã công bố Chỉ thị của UBND TP “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP”. Theo đó, từ 18 giờ ngày 30-9-2021, tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chỉ thị nêu nhiều chỉ đạo đáng chú ý với hoạt động y tế và phòng chống dịch.

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19: TP đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine, huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất. Trong đó, ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Sắp tới, TP dự kiến triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.

Về công tác xét nghiệm và xác định cấp độ dịch: TP thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Theo đó, thực hiện xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học,…

Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế. Tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo đơn vị hành chính với quy mô phù hợp và quyết định những biện pháp theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG LAN

Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG LAN

Về công tác chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng: TP ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động. Đảm bảo 100% các quận, huyện, TP Thủ Đức có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Đảm bảo 100% các trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy tổ phản ứng nhanh COVID tại địa phương trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn. Có phương án thiết lập trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh). Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà, bao gồm: các tổ chức thiện nguyện, các phòng khám và nhà thuốc tư nhân, các bác sĩ gia đình, nhân viên y tế đã nghỉ hưu,... Tăng cường phối kết hợp đông – tây y trong chăm sóc, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý F0.

Về công tác điều trị cho F0: TP tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể. Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh. Nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa Nhiễm và bệnh viện đa khoa. Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị COVID-19. Có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.

Về công tác củng cố và phục hồi hệ thống y tế: TP sẽ củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của hệ thống y tế, từ các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đến các Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức và trạm y tế phường, xã, thị trấn. Đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực tham gia công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Về công tác ứng dụng khoa học công nghệ phòng chống dịch: TP đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động giao thông vận tải. Yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 và góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của TP và từng sở, ban, ngành, địa phương.

Tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

Đến ngày 15-10-2021, các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch và sử dụng ứng dụng của TP (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Thực hiện đánh giá mức độ thích ứng an toàn trên bản đồ số của từng tổ dân phố, tổ nhân dân và mở rộng đến hộ dân; các địa phương cập nhật thường xuyên bản đồ số phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp.

Nâng cao tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan hành chính nhà nước và tỉ lệ sử dụng của người dân đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Phát triển, khai thác hiệu quả Kho dữ liệu dùng chung của TP với dữ liệu lớn (big data); liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và TP (HCM LGSP). Xây dựng cổng thông tin COVID-19 thành cổng cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ và chính xác về tình hình dịch bệnh.

Phát triển hệ thống bản 5 đồ số phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch, trong điều kiện bình thường mới đồng thời cung cấp nhiều tiện ích cho người dân TP. Phát triển Tổng đài 1022 thành Cổng thông tin hợp nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, là kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền các cấp của TP.

Số ca mắc COVID-19 điều trị tại nhà và tỉ lệ tử vong còn cao

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, công tác phòng, chống dịch của TP đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố. Số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm, tỉ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2.

Một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn, ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỉ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỉ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 2 của TP chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của TP phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/tphcm-du-kien-tiem-vaccine-cho-tre-em-lap-khoa-covid19-o-cac-benh-vien-1018683.html