TPHCM đo ô nhiễm trong nước thải tính phí môi trường

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết đơn vị đã có kế hoạch tổ chức hội nghị phản biện xã hội đề xuất của UBND TPHCM về việc tăng phí tạm dừng, đỗ ô tô dưới lòng đường, vỉa hè (hôm nay 28-2) và tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Các đề xuất điều chỉnh tăng phí này là cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Phí đỗ xe cao hơn 20% - 25% gửi xe trong bãi

Hiện nay, ô tô đậu trong các bãi, hầm để xe các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng ở TPHCM phải trả từ 10.000 - 25.000 đồng/cho 1 giờ đầu tiên. Mức phí sẽ tăng lũy tiến cho các giờ tiếp theo. Trong khi đó, TPHCM chỉ thu phí tạm dừng, đỗ ô tô trên lòng đường, vỉa hè với mức 5.000 đồng/xe/lượt.

Ô tô đang đậu tạm dưới lòng đường Lê Lai (quận 1) Ảnh: KIỀU PHONG

Theo UBND TPHCM, mức thu phí đỗ xe ở lòng đường quá thấp nên dẫn đến tình trạng nhiều lòng đường trở thành bãi tạm dừng đỗ xe. Vì vậy, mục đích của việc cho ô tô đỗ tạm thời dưới lòng đường (có thu phí) nhằm giải quyết nhu cầu đỗ xe chính đáng cho khách vãng lai chưa thông thuộc đường sá tại trung tâm hoặc người có nhu cầu đỗ tạm giải quyết công việc trong thời gian ngắn không được đảm bảo. Mặt khác, mức thu phí thấp không đủ trang trải chi phí vận hành, không đủ trả lương nhân viên thu phí. “Điều này dẫn đến tình trạng nhân viên thu phí tự thu phí cao hơn mức quy định”, UBND TPHCM đánh giá. Đồng thời đề xuất tăng phí cũng như thay đổi cách tính tăng lũy tiến theo giờ, thay vì theo lượt như hiện hành.

Đơn cử, nhóm ô tô đến 9 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng đến 1,5 tấn khi dừng, đỗ tạm dưới lòng đường và một số vỉa hè ở các quận 1, 3, 5 phải trả 25.000 đồng/xe/giờ đầu tiên. Giờ thứ 2 phải trả thêm 25.000 đồng/xe. Số tiền trả cho giờ thứ 3 và thứ 4 cùng là 30.000 đồng/xe/giờ. Từ giờ thứ 5 trở đi, trả thêm 35.000 đồng/xe/giờ. Trường hợp xe đậu xe qua đêm ở khu vực các quận 1, 3, 5 thì phải trả 150.000 đồng/xe…

Bà Nguyễn Thị Xuân Hiếu, Trưởng phòng Tài chính, Sở GTVT TPHCM (đơn vị chủ trì xây dựng tờ trình), cho biết mức phí như trên cao hơn từ 20% - 25% so với mức giá trông giữ xe tại các trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng trên địa bàn. Đặc biệt, các ô tô chỉ được tạm dừng đỗ trên lòng đường, vỉa hè khi người sử dụng phương tiện có sử dụng ứng dụng công nghệ thu phí thông minh. Như vậy, việc thu phí thông qua trừ tiền trong tài khoản điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế hay thẻ thanh toán nội địa…

UBND TPHCM cũng tính toán, với mức phí đề xuất nêu trên, nếu quản lý tốt các nguồn thu, TPHCM sẽ thu được 31 tỷ đồng/tháng (thu trên 35 tuyến đường ở các quận 1, 3, 5, 10 và 11). Việc tăng phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người sử dụng phương tiện ô tô, giúp giảm bớt tình trạng dừng đỗ xe ở lòng đường và vỉa hè, góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông. Mặt khác, việc tăng phí còn giúp tăng sự hấp dẫn, thu hút cũng như tính khả thi đối với các dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe tập trung (ngầm, nổi) theo quy hoạch của TPHCM.

Bổ sung 530 cơ sở y tế, xử lý rác phải nộp phí

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng cho biết trong tháng 3-2018, đơn vị tiếp tục tổ chức phản biện đề xuất điều chỉnh tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

Theo UBND TPHCM, hiện trên địa bàn có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m3/ngày đêm). Mỗi năm, TPHCM thu 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (523 cơ sở, thải hơn 22.260m3/ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải hơn 7.880m3/ngày đêm) lại không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Các cơ sở này có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không nộp phí là không công bằng. Do đó, UBND TPHCM đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng này vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đề xuất tăng cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo hướng thu tăng phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tác động đến hành vi giảm xả nước thải ô nhiễm. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm thì nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm trở lên thì sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải. Đặc biệt, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải.

Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở. Tổng lượng nước thải của các cơ sở thải ra khoảng 173.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, khi thu phí theo phương thức mới, dự kiến TPHCM thu được 60 tỷ đồng/năm. UBND TPHCM phân tích việc tăng mức thu phí như đề xuất sẽ tác động một phần đến đời sống xã hội. Cụ thể, phí tăng có thể làm tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến y tế, xử lý rác và từ đó tác động đến người dân. Tuy nhiên, việc tăng phí này sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải (giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường) và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Ngoài ra, nguồn kinh phí thu tăng thêm sẽ đóng góp vào ngân sách góp phần cải thiện môi trường, từ đó nâng chất lượng sống của người dân.

KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-do-o-nhiem-trong-nuoc-thai-tinh-phi-moi-truong-501690.html