TPHCM đề xuất đưa xe buýt mini vào hoạt động tại các hẻm rộng từ 4 - 6m

Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TPHCM vừa đề xuất xây dựng 30 tuyến buýt mini với 350 xe 12 chỗ có khả năng di chuyển đón khách tại các hẻm rộng từ 4 - 6m.

Nhiều tuyến đường ở TPHCM không phù hợp với loại xe buýt lớn. Ảnh: MINH QUÂN

Xe buýt mini có chức năng trung chuyển, gom khách kết nối đến xe buýt chính, gắn chặt với hoạt động đưa rước học sinh và sau này là đầu mối chuyển khách tới các tuyến metro.

Đưa xe buýt mini vào tận hẻm đón khách

Thực tế, hiện nay, xe buýt ở TPHCM vẫn chưa khai thác hết nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân trong các khu vực dân cư, do còn khó khăn trong việc tiếp cận, khoảng cách từ nhà dân đến các nhà chờ xe buýt vẫn còn xa. TPHCM có nhiều hẻm, đường nhỏ, có tới 46% đường khổ rộng dưới 7m không đủ để tổ chức hoạt động xe buýt.

Ngoài ra, theo khảo sát, 85% người dân thành phố sống trong hẻm. Với đặc thù này, cộng với sự tăng trưởng ngày càng lớn của phương tiện cá nhân, các phương tiện giao thông công cộng mà cụ thể là xe buýt rất khó thu hút khách.

Để giải quyết bất cập trên, ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TPHCM - cho biết, trung tâm đang hoàn chỉnh đề án thí điểm xe buýt mini (xe buýt cỡ nhỏ) để trình, lấy ý kiến Sở GTVT TPHCM. Theo ông Trung, đơn vị đề xuất xây dựng 30 tuyến buýt mini với 350 xe 12 chỗ có khả năng di chuyển đón khách tại các hẻm rộng từ 4 - 6m.

“Mục tiêu trong bán kính không quá 200m, người dân có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm giao thông công cộng” - ông Trung nói. Cũng theo ông Trung, nếu được chấp nhận, trước khi thực hiện, trung tâm sẽ khảo sát kết cấu hạ tầng của từng khu vực dân cư, lấy ý kiến của người dân để xây dựng hệ thống buýt mini cho phù hợp. “Nếu đề án được phê duyệt, dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại quận 1, quận 10 và quận Tân Bình, bắt đầu từ năm 2019” - ông Trung thông tin.

Xác định xe buýt là phương tiện chủ lực

Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, ở nước ta, đơn giá đầu tư tàu điệm ngầm là rất lớn, 140 triệu USD cho 1 km, vì thế, tuyến Bến Thành - Suối Tiên trên 10 năm nay vẫn chưa xong. Do vậy, TPHCM cần định hướng phát triển mạnh về xe buýt trong chiến lược phát triển giao thông công cộng.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Bách khoa TPHCM, để đạt được tỉ lệ công cộng trên 40%, TPHCM cần có khoảng 21.000 xe buýt mới và tiện nghi. Bao gồm 25 tuyến xe buýt nhanh BRT trên các tuyến hành lang dành riêng, các xe buýt cỡ lớn (80-120 khách) hoạt động trên các trục chính, buýt trung (55-60 khách) cho các đường nhánh và buýt nhỏ (25-30 khách) để gom khách từ các phố, hẻm nhỏ ra các bến xe buýt lớn.

Đồng quan điểm, TS Lương Hoài Nam - chuyên gia kinh tế - cho rằng, TPHCM chưa có các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro nên hiện phải xác định xe buýt là phương tiện chủ lực. TPHCM cần quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt cho nhiều năm tới, bao gồm các tuyến, ga, trạm trung chuyển buýt và các điểm đỗ. Một mạng lưới xe buýt hiệu quả cần cho phép người dân có khoảng cách đi bộ phổ biến giữa nhà và điểm đỗ buýt, giữa điểm đỗ buýt và nơi cần đến dưới 1km (15 phút đi bộ).

Đối với người dân sống trong các ngõ, hẻm sâu, có thể khai thác xe buýt nhỏ (minibus) nối các điểm đỗ buýt tại các phố chính. “Ở Singapore có 17 ga buýt, 28 trạm trung chuyển buýt, 4.684 điểm đỗ buýt tạo thành 1 mạng xe buýt rất lớn, chạy chính xác theo lịch trình tuyến buýt được công bố, với vô số tổ hợp “điểm đi - điểm đến” về cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân” - ông Nam dẫn chứng.

MINH QUÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-thong/tphcm-de-xuat-dua-xe-buyt-mini-vao-hoat-dong-tai-cac-hem-rong-tu-4-6m-624533.ldo