TPHCM đề xuất cho học sinh cả nước nghỉ học hết tháng 3: Bất lợi?

Xung quanh đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh về việc cho học sinh, sinh viên cả nước nghỉ học đến hết tháng 3/2020 để phòng, chống dịch Covid-19 đang có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, nghỉ học kéo dài sẽ kéo theo nhiều bất lợi.

Hiện có 60 địa phương cho học sinh nghỉ học hết tháng 2/2020.

Hiện có 60 địa phương cho học sinh nghỉ học hết tháng 2/2020.

Nhiều ý kiến trái chiều

Trên các diễn đàn mạng, nhiều ý kiến cho rằng, TP HCM đề xuất cho học sinh, sinh viên nghỉ học hết tháng 3 là hợp lý trước dịch Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp trên thế giới song có không ít ý kiến phản đối việc cho học sinh nghỉ học quá dài bởi Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, nếu nghỉ học lâu sẽ sinh ra nhiều hệ lụy…

Anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ quận 12, TPHCM vui mừng cho biết, đề xuất đã làm phần nào gia đình anh yên tâm hơn khi chưa muốn cho con quay lại trường. Ông bố có 2 con đều đang học cấp tiểu học cho rằng, thời điểm này đang có nhiều thông tin trái ngược nhau về dịch trong khi 2 con thì quá nhỏ để đủ nhận thức được tầm nguy hiểm của nó, nếu để 2 con ra ngoài, giao tiếp với các bạn trong khi các bạn khác không biết tiếp xúc với những ai thì quả thật rất nguy hiểm. “Theo tôi cứ nên cho nghỉ thêm 1 tháng nữa cũng được, an toàn tính mạng là quan trọng, học thì cả đời mà”, anh Thắng nói. Cũng theo anh Thắng, để ứng phó với nạn dịch này, anh đã nhờ vả ông bà nội ngoại thay nhau lên thành phố vừa chăm con, vừa giữ nhà giúp.

Giáo viên các nhà trường đã lau dọn vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học khi được phép

Đồng quan điểm, chị Trần Thái Phụng, ngụ Gò Vấp cũng cho rằng, thời điểm này cho con đi học là có phần mạo hiểm, chính quyền đã cảnh báo thì mình phải nghe dù biết sẽ rất vất vả trong việc vừa đi làm vừa đi học. “Tôi hy vọng các cấp sớm ra quyết định để vợ chồng tôi có phương án chăm con, nếu được nghỉ tiếp tôi sẽ cho con về quê với ông bà, xem như năm nay nghỉ hè sớm vậy”, chị Phụng nói.

Trong khi đó, anh Lâm Thái Thanh, ngụ quận 12 bày tỏ quan điểm nên cho học sinh đi học trở lại. Theo anh Thanh, tình hình dịch theo báo cáo của nhiều nơi đã rất khả quan, so với các nước thì Việt Nam đã kiểm soát rất tốt thì chúng ta nên cho học sinh trở lại trường. “Nếu nghỉ học lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất nhiều mặt đến tình hình chung của xã hội, với những phụ huynh không có người thân thì sẽ ra sao, họ cũng sẽ phải tìm đến nhưng nhóm trẻ tự phát hay như học sinh lớn hơn, các em cũng sẽ đi chơi, sẽ tìm đến nhiều trò giải trí khác không lành mạnh…”, anh Thanh chia sẻ.

Hà Nội cũng đã thực hiện phun tiêu độc, khử trùng trường học lần thứ 4

Một phụ huynh khác thì bày tỏ, dù nghỉ học nhưng nhiều trường vẫn đang dạy học online. “Tuy nhiên, học online chỉ phù hợp với các TP lớn, dưới quê học trò không học online được. Chưa kể dạy online khó hơn live stream bán hàng nhiều”, phụ huynh này nói.

Ở góc độ quản lý giáo dục, ông Đinh Trí Dũng, Đinh Trí Dũng, Giám đốc thương hiệu Trường đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia cho rằng, tình hình dịch bệnh chung của cả nước đang tiến triển tốt, thời tiết ở TPHCM khá nóng và thoáng, là điều kiện không thuận lợi cho dịch bệnh tồn tại và lây lan. “Bên cạnh đó, cả thế giới và Việt Nam đang theo dõi tình hình diễn biến của dịch bệnh theo từng ngày, giờ. Nên các quyết định theo đơn vị thời gian là tuần đối với việc nghỉ / dạy học của các cơ sở giáo dục và trường là hợp lý hơn”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, mỗi cá nhân và tổ chức cần trang bị những hiểu biết cơ bản, những kiến thức thiết thực để giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ sức khỏe bản thân và giữ gìn ý thức khi sinh hoạt cộng đồng. Chúng ta cần tự tin ứng xử phù hợp với dịch bệnh, không nên lo lắng thiếu căn cứ.

Trường học mong sớm đón học sinh

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Marie Curie Hà Nội cho biết, hầu hết giáo viên trong trường và bản thân ông mong được mở cổng trường để đón học sinh quay lại trong tuần tới. Bởi vì, căn cứ theo tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 20/2, Việt Nam có 16 ca nhiễm Covid-19 thì đã chữa khỏi, xuất viện 15 người. Thời điểm này, các địa phương nên công bố hết dịch và cho học sinh quay lại trường học là hợp lý.

Thầy Nguyễn Xuân Khang

Cũng theo ông Khang, trước đó, Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị UBND các địa phương xem xét việc cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Theo đó, đã có 60 tỉnh, TP cho học sinh nghỉ hết tháng 2. Đến thời điểm này chỉ còn Hà Nội, Hải Phòng và Thái Bình chưa quyết định, trong tuần tới học sinh có quay lại trường học hay không.

Một giáo viên Hà Nội cho rằng, các bệnh nhân dương tính Covid-19 đã được chữa khỏi bệnh, nhiều ngày liên tiếp cả nước không có thêm bệnh nhân mới, 59/63 địa phương không có bệnh nhân dương tính, 2/4 tỉnh có bệnh nhân dương tính đã qua 30 ngày không có thêm ca mắc mới và chuẩn bị công bố hết dịch…chừng đó điều kiện cho thấy, chúng ta có thể sớm cho học sinh quay lại trường học.

Một số phụ huynh, giáo viên cũng cho rằng, đề xuất của TP HCM cho học sinh nghỉ học kéo dài đến hết tháng 3/2020 là không hợp lý. Việc cho học sinh nghỉ học đến thời điểm này các địa phương phải căn cứ trên tình hình diễn biến của dịch bệnh. Nếu vẫn có người mắc, có nguy cơ lây lan ra cộng đồng thì nên cho học sinh tiếp tục nghỉ học còn chúng ta kiểm soát được tình hình nên cho học sinh đi học trở lại. Ít nhất là học sinh cuối cấp như lớp 9, lớp 12 chuẩn bị đối mặt với 2 kỳ thi lớn là thi tuyển vào lớp 10, thi THPT quốc gia. Thời điểm này, học sinh và phụ huynh như “ngồi trên lửa” vì phương pháp học online trong thời gian nghỉ cũng chỉ đạt hiệu quả một phần nào đó. Nếu tiếp tục nghỉ học 1 tháng, kỳ thi sẽ đẩy lùi xuống cuối tháng 7 cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng học tập của học sinh.

Tại Hà Nội, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ phương án đề xuất của UBND TP HCM, cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3 và điều chỉnh học kỳ II của năm học từ tháng 4 đến tháng 7; đẩy lùi kỳ thi THPT quốc gia đến hết tháng 7.

Nghỉ học kéo dài kéo theo nhiều bất lợi

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, đề xuất cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 là quá dài. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Vì thời điểm này, bệnh dịch đã có xu hướng giảm, tháng 3 thời tiết cũng sẽ nắng ấm lên. Vì thế, các địa phương chỉ nên cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2 và học sinh quay lại trường học từ đầu tháng 3/2020 là hợp lý.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết khảo sát ngẫu nhiên cho thấy 90% phụ huynh mong muốn con quay lại trường học từ 1/3

Cũng theo bà Hằng, ngày 20/2, Phòng GD&ĐT quận Hà Đông lấy ý kiến ngẫu nhiên 2 trường mỗi bậc gồm: mầm non, tiểu học, THCS, THPT thì có đến 90% phụ huynh muốn cho con quay lại trường học từ đầu tháng 3. Học sinh sau một thời gian nghỉ dịch kéo dài cũng đã muốn trở lại trường học.

Còn lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trước mắt Hà Nội cho học sinh nghỉ học hết tuần này, sau đó, căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh Chủ tịch UBND TP mới có quyết định tiếp theo.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, phải theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch và cơ quan cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế để quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học hay cho học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, nếu cho học sinh nghỉ học kéo dài sẽ kéo theo nhiều bất lợi. Như việc phải điều chỉnh thời gian kết thúc năm học, điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia…

Hà Linh - Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tphcm-de-xuat-cho-hoc-sinh-ca-nuoc-nghi-hoc-het-thang-3-bat-loi-1521992.tpo