TPHCM: Cần làm rõ tính pháp lý đất chợ tự phát Bình Hòa

Nhiều tiểu thương kinh doanh tại khu đất gần ngã tư Bình Hòa (Phường 14, quận Bình Thạnh) cho rằng, họ đã kinh doanh ở đây 30 năm và đóng thuế đầy đủ. Còn đại diện chủ khu đất lại khẳng định, đây là đất thổ cư hợp pháp của mình.

Ông Trường đưa người đến rào chắn chợ Bình Hòa vì cho rằng đây là đất của mình

Ông Trường đưa người đến rào chắn chợ Bình Hòa vì cho rằng đây là đất của mình

Vừa qua, tại chợ Bình Hòa (Phường 14, quận Bình Thạnh), ông Trác Huy Trường (ngụ tại TPHCM) đưa người đến rào chắn chợ, yêu cầu các hộ kinh doanh tại đây phải di chuyển ra khỏi khu đất hoặc làm thủ tục thuê, mượn đất theo quy định vì đây không phải là khu đất công cộng, mà là đất tư nhân đã bị chiếm dụng làm chợ tự phát nhiều năm. Sự việc bị các tiểu thương phản ứng, đồng thời chính quyền địa phương cũng mời ông Trường lên làm việc. Các tiểu thương ở đây cho biết, họ đã kinh doanh ở đây khoảng 30 năm, có đóng thuế và các khoản phí đầy đủ. Việc ông Trường đến rào chợ, đòi đất khiến những người kinh doanh tại đây hoang mang.

Trong khi đó, ông Trác Huy Trường cho rằng, chợ Bình Hòa vốn là đất thổ cư số BK 599, tờ bản đồ số 4, xã Bình Hòa (nay là tờ bản đồ số 7, bộ địa chính Phường 14, quận Bình Thạnh). Có nguồn gốc 157m2/214m2 đất chợ tự phát Bình Hòa là của ông Nguyễn Văn Đô (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM). Ngày 8/11/1991, ông Nguyễn Văn Đô có giấy ưng thuận đồng ý giao lại cho ông Nguyễn Đình Long (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) diện tích 157m2 đất này, có xác nhận chữ ký của chính quyền Phường 14. Tại thời điểm đó có một số cá nhân dựng ki-ốt buôn bán trên thửa đất nhưng vì chưa có nhu cầu cấp thiết sử dụng đất nên ông Long vẫn để các tiểu thương kinh doanh.

Đến tháng 5/2006, ông Nguyễn Đình Long liên hệ với cơ quan chức năng của quận Bình Thạnh để làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất. Nhưng hơn 13 năm sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Lúc này khu đất đã trở thành chợ Bình Hòa. Cũng theo ông Trường, trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến nay, do chưa làm được thủ tục quyền sở hữu khu đất trên, ông Long vẫn chưa đóng được các khoản phí, thuế nào.

Giấy ưng thuận giữa ông Nguyễn Văn Đô và ông Nguyễn Đình Long

Tiếp đó, cuối tháng 7/2019, ông Nguyễn Đình Long ủy quyền cho vợ chồng ông Trác Huy Trường liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp chủ quyền khu đất trên. Từ cơ sở này, ông Trường mới cho người đến rào chợ, đòi đất. Trước diễn biến vụ tranh chấp đất như trên, ngày 13/8/2019, UBND Phường 14 cùng đại diện nhiều đơn vị liên quan đã tổ chức tiếp xúc với ông Trường.

Theo biên bản buổi làm việc, Phòng Kinh tế quận Bình Thạnh khẳng định, chợ Bình Hòa là điểm kinh doanh tự phát. Quận Bình Thạnh không quản lý danh sách và không cấp phép kinh doanh cho các hộ tại đây. Bên cạnh đó, cán bộ địa chính phường cho rằng, đây là đất thuộc sở hữu của ông Trần Văn Chơi. Ông Chơi chuyển nhượng cho ông Đô. Sau đó ông Đô chuyển nhượng cho ông Long 157/2790m2. Tuy nhiên, diện tích 157m2 không ghi nhận ở vị trí nào trong khu đất 2790m2.

Hợp đồng được ký kết giữa ông Long và ông Trường

Theo ông Ngô Thành Đức- Đội trưởng Đội Nghiệp vụ dự toán, tuyên truyền hỗ trợ thuộc Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, hiện tại có 17 đến 18 hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên khu đất, trong đó có 7 hộ nộp các khoản như lệ phí môn bài, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Giá trị gia tăng, các hộ còn lại chưa đến mức phải nộp thuế theo quy định của nhà nước. Việc đóng các khoản tiền này Phường phải nắm được.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Mai Quang- Chủ tịch UBND Phường 14 cho biết, hiện tại UBND Phường 14 đã yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng khu đất, không được rào chắn hay có những hành động gây mất an ninh trật tự, đồng thời các giấy tờ liên quan đến khu đất chưa đầy đủ theo quy định của Nhà nước lên phường để hướng dẫn ông Trường đi làm các thủ tục để hoàn thiện.

Danh sách 7 hộ kinh doanh tại chợ Bình Hòa có nộp các loại lệ phí kinh doanh

Đáng chú ý, đối với băn khoăn của các tiểu thương cho rằng, đây là điểm kinh doanh hợp pháp, có đóng thuế đầy đủ, ông Quang khẳng định, phường không quản lý và không thu bất kỳ loại thuế nào, các tiểu thương ở đây chỉ nộp phí vệ sinh môi trường.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh quá trình biến động của thửa đất BK 599 khi thửa đất đang đứng tên sở hữu cá nhân bỗng biến thành đất chợ. Bên cạnh đó, rất nhiều tiểu thương băn khoăn, hoang mang về việc họ đóng rất nhiều loại phí, thuế nay bỗng nhiên nơi kinh doanh hàng chục năm được xác định là tự phát. Vậy nếu không có việc đòi đất của ông Trường thì liệu họ còn phải đóng những khoản tiền này đến bao giờ?

Thu Hiền- Hương Trà

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/tphcm-can-lam-ro-tinh-phap-ly-dat-cho-tu-phat-binh-hoa-27038.html