TPCN quảng cáo như 'thần dược'?

Gần đây, một số loại TPCN giới thiệu quá đã, quảng cáo như 'thần dược' trên một số website khiến không ít người hiểu nhầm?

“Nổ” như thần dược?

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng đến báo Gia đình Việt Nam, trên website http://hoannguyencot.vn/ giới thiệu về sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Hoàng Nguyên Cốt được quảng cáo với đủ các loại công năng như một loại thuốc có khả năng "chữa bệnh", "điều trị", bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đau lưng lâu năm.

Nếu đọc những tư vấn quảng cáo đó, không ít người mắc bệnh đã tin dùng sản phẩm như thuốc chữa bệnh mà không hề biết đó là TPCN chỉ giúp hỗ trợ điều trị.

Quảng cáo sản phẩm Hoàn Nguyên Cốt như “thần dược”?

Chưa dừng lại ở đó, các sản phẩm Thận Khí Khang, Khớp Nữ, Bảo Ích Can cũng có những quảng cáo tương tự. Hầu hết công ty này quảng cáo dưới dạng bài viết chia sẻ để nhiều người tin vào công dụng sản phẩm.

Cụ thể, trong một bài chia sẻ về sản phẩm thận khí khang: “Tôi đã thoát cảnh 5 năm bị đi tiểu 7 lần 1 đêm và giờ không còn lo tai biến do dậy tiểu đêm nữa.” Theo đó thì ông L. mắc chứng tiểu đêm 5 năm đi chữa tứ phương không khỏi. Nhưng từ khi được giới thiệu sản phẩm Thận Khí Khang hơn 1 tháng bệnh tình đã gần như khỏi hẳn nên ông viết "thư cảm ơn" (?).

Các bài viết dùng nhiều từ gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.

Môtíp chung của các “nhân vật chia sẻ” là trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở về bệnh tật như thế nào, sau khi sử dụng sản phẩm một thời gian thì bệnh tình thuyên giảm, khỏi hẳn các triệu chứng do bệnh gây nên hoặc nếu không sử dụng tiếp bệnh lại tái phát... - đó cũng chính là lý do để nhân vật viết thư cảm ơn, chia sẻ với người khác.

Để thêm tính thuyết phục, những bài chia sẻ đều có tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh cụ thể của "nhân vật trải nghiệm". Theo tìm hiểu, các bài viết này ngoài được đăng các trang tin chính thức, các dạng bài giới thiệu, thư cảm ơn của bệnh nhân cũng được đăng rất nhiều trên mạng xã hội. Thậm chí có cơ sở còn sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo.

Quảng cáo “núp bóng” dưới dạng bài chia sẻ?

Tại Điều 3, Thông tư 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế có ghi rõ một trong các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm là: "Sử dụng hình ảnh, uy tín, của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn, chia sẻ của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm".

Tuy nhiên, trên nhiều website có nội dung, hình ảnh mô tả các sản phẩm TPCN như một loại thuốc chữa bệnh: "Tưởng vô phương cứu chữa, không ngờ điều trị thoái hóa đốt sống cổ lại dễ dàng đến vậy", "Bật mí cách chữa thoái hóa đốt sống dễ dàng của ông bố hơn 40 tuổi", "Tin vui cho những người lao động nặng đau cổ, đau lưng chữa mãi không khỏi"....

Quảng cáo bằng nhân vật nổi tiếng

Theo khảo sát, trên nhiều trang website như: baoichcan.vn, khopnu.vn liên tục đăng tài nhiều bài viết và sử dụng từ ngữ lập lờ, dễ gây lầm tưởng cho khách hàng rằng hai sản phẩm của công ty là thuốc chữa đau dạ dày. Để quảng cáo cho sản phẩm này, công ty này còn đăng tải hàng loạt bài viết, kèm theo video về người nổi tiếng để tư vấn và quảng cáo sản phẩm như là thuốc (?)

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo cho TPCN?

Tiếp đó, trong bài viết của ca sỹ Ưng Hoàng Phúc: “Với những bạn phải đi tiếp khách, uống rượu nhiều, trước khi đi các bạn hãy uống 4 viên Bảo Ích Can để giúp bảo vệ gan của mình. Nếu các bạn uống sản phẩm một thời gian, men gan của các bạn sẽ hạ xuống và dần trở về mức bình thường”

Ngoài ra, trên các trang website khác cũng đăng tải nhiều bài viết về những diễn viên, nghệ sĩ tư vấn sản phẩm thực phẩm chức năng khiến người đọc dễ lầm tưởng đó là một sản phẩm dược, chữa khỏi bệnh?

Thông tư số: 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế:

Điều 3 . Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm:

1. Quảng cáo thực phẩm khi ch¬ưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

2. Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.

3. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như¬ thuốc chữa bệnh.

4. Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.

5. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

6. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

7. Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định.

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tpcn-cua-tue-duc-pharma-quang-cao-nhu-than-duoc-d121693.html