TP Vĩnh Yên: Xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị văn minh

Là thành phố trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên có 2/9 xã, phường nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) là Định Trung và Thanh Trù. Quá trình thực hiện cũng như sau khi đã hoàn thành các tiêu chí, thành phố luôn gắn mục tiêu xây dựng NTM với phát triển đô thị văn minh nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa xã và phường.

100% các tuyến đường giao thông được cứng hóa và trải nhựa nhằm đảm bảo cho việc đi lại và giao thương buôn bán của nhân dân trên địa bàn.

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn TP Vĩnh Yên có nhiều thay đổi: Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ; các công trình được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả…

Năm 2010 là thời gian đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM thì 2 xã của TP Vĩnh Yên đều có xuất phát điểm thấp. Cụ thể,Thanh Trù mới đạt 4/19 tiêu chí còn Định Trung đạt 6/19 tiêu chí NTM.

Nhận thấy rõ những khó khăn, thuận lợi, để khơi dậy lòng dân trong phong trào xây dựng NTM của thành phố, lãnh đạo thành phố đã đưa ra lộ trình cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ cũng như chất lượng thực hiện các tiêu chí đã đề ra.

Với những mục tiêu sát với tình hình thực tế và có những giải pháp thực hiện rõ ràng, năm 2014, Chương trình xây dựng NTM của TP Vĩnh Yên đã đạt mục tiêu đề ra, 2/2 xã (Định Trung, Thanh Trù) đều đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tác động tích cực làm thay đổi diện mạo và đời sống của người dân các xã vùng ven thành phố. Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; kinh tế ngày một phát triển; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao.

Quan trọng hơn hết là đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố tinh thần đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh.

Anh Nguyễn Văn Bình, người dân xã Thanh Trù chia sẻ: “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người dân chúng tôi. Không chỉ có kinh tế gia đình ngày càng phát triển mà diện mạo nông thôn thêm khởi sắc.

Những con đường bê tông sạch sẽ với sự đóng góp tiền, công sức của người dân; nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả; các thôn đã có nhà văn hóa khang trang để sinh hoạt, tổ chức hoạt động tập thể; tỷ lệ hộ nghèo giảm, người nghèo được quan tâm...

Những công trình “Ý Đảng, lòng dân” hoàn thành, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, gắn kết hơn; người dân cộng đồng trách nhiệm, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tốt hơn”.

Những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn của thành phố được chú trọng tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng, đưa vào sử dụng, đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh. Tính đến hết năm 2014, 2 xã Định Trung và Thanh Trù đã có 100% đường giao thông các loại được cứng hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định (78,075/78,075km) với tổng kinh phí là 109,7 tỷ đồng.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và tưới tiêu, hết năm 2014, 100% kênh các loại trên địa bàn 2 xã đều được kiên cố hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.

Với 14 trạm biến áp có tổng công suất 10.275 KVA đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cung cấp điện cho 100% số hộ dân ở 2 xã được sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

Trên địa bàn 2 xã, có đủ03 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) với 6 trường; trong những năm qua, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học ở 2 xã đều được đầu tư kiên cố, từng bước chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Đến nay 100% các trường ở 2 xã đều có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, 5/6 trường của 2 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, còn 1 trường là mầm non Thanh Trù đang làm thủ tục công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. 21/21 thôn của 2 xã đều có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng.

Trên địa bàn TP Vĩnh Yên có 8 chợ với tổng diện tích 112.631m², trong đó có 1 chợ hạng 1 và 7 chợ hạng 3; cả 2 xã tham gia xây dựng NTM của TP Vĩnh yên đều có chợ hạng 3 theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, đáp ứng nhu cầu giao lưu, buôn bán của người dân 2 xã.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, thành phố đã xóa được 8 nhà dột nát cho hộ nghèo, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn 2 xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát. Đến nay 2 xã có 4.184/4.184 nhà được kiên cố hóa, chiếm 100% (đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây Dựng, đảm bảo 3 cứng, niên hạn sử dụng)...

Cùng với việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ thì chú trọng nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân chính là mục tiêu mà TP Vĩnh Yên hướng đến. Thành phố đã đầu tư 1.370 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích người dân đầu tư đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ cho 2 xã như: Hỗ trợ giống mới chất lượng cao, hướng dẫn 2 xã thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ từ 2 vụ lúa (lúa xuân + lúa mùa) sang 1 vụ lúa xuân + dưa lê + cà chua ghép cho hiệu quả kinh tế từ 4 - 6 triệu/sào/năm lên đến 20 - 25 triệu/sào/năm; hỗ trợ 2 xã triển khai mô hình trồng rau trong nhà lưới với diện tích 500-600 m²/nhà, thông qua việc triển khai thực hiện các mô hình, các xã đã hình thành mối liên kết các nhóm họ chuyên sản xuất các loại rau củ quả quanh năm cung ứng cho các nhà hàng, bệnh viện, trường học làm tiền đề cho phát triển nông nghiệp đô thị.

Nhiều hộ dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng thu nhập như: Tổ chức sản xuất, luân canh rau, xen ghép các rau với nhau, giữa các loại rau ngắn ngày, dài ngày, chính vụ, trái vụ tạo ra 4 - 5 vụ/năm cho thu nhập trên 110 triệu đồng/ha. Với nhiều hoạt động được triển khai, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Trước khi xây dựng NTM, thu nhập bình quân/người/năm của xã Thanh Trù đạt 12,4 triều đồng và xã Định Trung đạt 28 triệu đồng nhưng đến năm 2017, thu nhập bình quân/người/năm xã Thanh Trù đạt 37,5 triệu đồng, xã Định Trung đạt 42 triệu đồng.

Nhiều mồ hình trồng rau xen ghép đem lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn 2 xã.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, phát triển ngành nghề nông thôn được chú trọng đẩy mạnh. Thành phố đã thực hiện thí điểm thành công một số mô hình dạy nghề có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, lấy đó làm cơ sở để triển khai nhân rộng. Số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng, năm 2017 cả 2 xã đã có 5.922 lượt lao động được hỗ trợ dạy nghề. Hàng năm đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 1.700 lao động; qua đó nâng cao thu nhập cho người dân giúp tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn 2 xã giảm đáng kể.

Trước khi xây dựng NTM 2 xã có 137/3.705 hộ nghèo chiếm 3,7%, thì đến năm 2017 số hộ nghèo 2 xã đã giảm xuống còn 85/4.938 hộ, chiếm 1,72% đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, của các cấp ủy đảng TP Vĩnh Yên nên công tác xây dựng NTM của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

UBND thành phố đã quyết liệt, sát sao và linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM của thành phố và các xã được thành lập và được kiện toàn theo quy định, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiên được kịp thời, đúng định hướng.

Việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm luôn được rà soát kỹ, bám sát theo chương trình xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh ban hành nhằm kịp thời bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

21/21 thôn của 2 xã đều có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng.

Để chương trình xây dựng NTM tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp - nông thôn, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng NTM.

Đồng thời sẽ cập nhật, bổ sung một số tiêu chí mới phù hợp hơn với thực tiễn của thành phố, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giải quyết đầu vào - đầu ra cho nông sản để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân…

Đồng chí Lê Anh Tân - Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên cho biết thêm: “TP Vĩnh Yên sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị xã hội; huy động nguồn lực để tiếp tục củng cố, giữ vững các tiêu chí NTM đã đạt được nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các xã, phường trên địa bàn thành phố”.

Xây dựng NTM không chỉ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao thu nhập cho người dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng, miền.

Đây cũng chính là một trong những mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 hướng đến nhằm xây dựng TP Vĩnh Yên giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trang Lê

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tp-vinh-yen-xay-dung-nong-thon-moi-voi-phat-trien-do-thi-van-minh.html